Kon Tum tập trung xây dựng hệ thống xử lý nước thải loại A

Kon Tum tập trung xây dựng hệ thống xử lý nước thải loại A
Thời gian qua, vấn đề ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động ở các nhà máy sản xuất tinh bột sắn, chế biến mủ cao su trên địa bàn tỉnh Kon Tum diễn ra đáng báo động, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường và đời sống của người dân. Trước thực trạng trên, Kon Tum đang nỗ lực tìm mọi giải pháp, trong đó tập trung xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt loại A tại tất cả các nhà máy sản xuất, kinh doanh có tác động đến môi trường.
Kon Tum tập trung xây dựng hệ thống xử lý nước thải loại A ảnh 1Nhà máy chế biến tinh bột sắn Phương Hoa (thôn Đăk Sút, xã Kroong, huyện Đăk Glei) đã cắm biển công khai vị trí xả thải ra sông Pô Kô, ngày 1/2/2018. Ảnh: baokontum.com.vn
Nhức nhối tình trạng ô nhiễm môi trường

Từ năm 2017-2018, tình trạng ô nhiễm môi trường ở các nhà máy sản xuất tinh bột sắn, mủ cao su trên địa bàn tỉnh Kon Tum diễn ra thường xuyên, như đổ bã, phơi bã sắn ngoài khu vực nhà máy, xả thải chưa qua xử lý ra môi trường, mùi hôi thối từ hoạt động chế biến mủ cao su… đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sức khỏe của người dân.

Năm 2018, phóng viên TTXVN tại Kon Tum đã thực hiện nhiều tuyến tin, bài phản ánh thực trạng ô nhiễm môi trường tại các nhà máy sản xuất tinh bột sắn, nhà máy mủ cao su. Điển hình như vụ việc cuộc sống của nhiều hộ dân tại làng Đăk Sút, xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei (Kon Tum) bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mùi hôi thối từ nhà máy sản xuất tinh bột sắn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phương Hoa (Nhà máy mì Phương Hoa). Trong thời gian dài, người dân ở làng Đăk Sút chịu cảnh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xuất phát từ hồ chứa chất thải của Nhà máy mì Phương Hoa chưa qua xử lý đã đưa ra môi trường. Hồ chứa có dung tích khoảng 1.500 mét khối bã mì, nằm ngay giữa khu dân cư đông đúc. Từ khi xuất hiện hồ chứa chất thải này, giếng nước của người dân bị ảnh hưởng, nhiều giếng nước không thể sử dụng được.

Không chỉ làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt của bà con, ô nhiễm môi trường bởi mùi hôi từ chất thải của nhà máy còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, khiến nhiều trường hợp bị viêm mũi, đau đầu, nhất là ở trẻ nhỏ. Kết quả xét nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Kon Tum cho thấy tất cả 9 giếng nước đều không đạt chuẩn về chất lượng nước sinh hoạt.

Nghiêm trọng hơn là tình trạng ô nhiễm không khí từ các nhà máy chế biến mủ cao su, một vấn nạn hiện chưa có giải pháp kiềm chế, khắc phục. Nhiều nhà máy như Nhà máy chế biến mủ cao su Thuận Lợi (thôn 5, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi) nằm ngay khu đông dân cư và sát tuyến đường Hồ Chí Minh, mỗi khi vào vụ, mùi hôi thối bốc ra từ khu vực nhà máy khiến người đi đường và người dân sống xung quanh không thể chịu nổi. Dù nhiều lần kiến nghị ở các cuộc họp cử tri, cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt hàng trăm triệu đồng, nhưng tình trạng trên vẫn không được xử lý.

Tập trung xây dựng hệ thống xử lý nước thải loại A

Xác định vấn đề môi trường trong các nhà máy tinh bột sắn, mủ cao su là yếu tố sống còn của doanh nghiệp và địa phương. Trong nhiều năm qua, Kon Tum đã và đang nỗ lực cải thiện, nâng cấp các hệ thống xử lý nước thải ở các nhà máy sản xuất tinh bột sắn, mủ cao su, giám sát việc xả nước thải qua xử lý ra môi trường bằng hệ thống quan trắc tự động.

Là một trong những đơn vị thực hiện tốt yêu cầu của tỉnh về nâng cấp hệ thống xử lý nước thải loại A và hệ thống quan trắc tự động, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tinh bột sắn Kon Tum (thôn Bình Giang, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy) đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng để cải tạo, xây dựng lại hệ thống xử lý nước thải. Đến nay, nguồn nước phục vụ hoạt động chế biến tinh bột sắn của nhà máy đã đáp ứng đủ điều kiện thải ra môi trường. Ngoài ra, quá trình xả thải của nhà máy đều được kiểm soát bằng công nghệ quan trắc tự động, số liệu, chỉ số nguồn nước được gửi trực tiếp về Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Kon Tum. Ông Đỗ Đình Ban, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tinh bột sắn Kon Tum cho biết: Vấn đề nước thải trong hoạt động sản xuất tinh bột sắn rất quan trọng. Vì vậy, nếu không đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải sẽ gây phương hại môi trường rất lớn và ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động của Công ty. Để phát triển bền vững với địa phương, Công ty triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải loại A và hệ thống quan trắc tự động. Dù rất tốn kém nhưng về lâu dài sẽ đảm bảo được cho Công ty hoạt động bền vững và ổn định, góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu tối đa mùi hôi gây ảnh hưởng người dân.

Cũng xem vấn đề môi trường là “sự sống còn” của địa phương, ngay từ khi thành lập và xây dựng Công ty cổ phần Fococev Tây Nguyên, vấn đề xây dựng hệ thống xử lý nước thải đã được Công ty này chú trọng. Với công nghệ xử lý nước thải từ Hà Lan, khi đưa vào vận hành, toàn bộ lượng nước thải ra từ quá trình sản xuất tinh bột sắn sẽ được xử lý, một phần thải ra môi trường, một phần được đưa vào tái sử dụng lại. Đó là một tín hiệu vui đối với chính quyền huyện Kon Rẫy cũng như tỉnh Kon Tum, bởi đây là mô hình xử lý nước thải tiên tiến, giảm thiểu tác động vào môi trường.

Ông Nguyễn Đình Chương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kon Rẫy cho biết: Vấn đề môi trường đối với Công ty cổ phần Fococev Tây Nguyên đặc biệt quan trọng. Do đó, nếu không mạnh tay từ khi mới phôi thai, môi trường sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, huyện đã có những cam kết với nhà máy phải làm sao đầu tư bài bản hệ thống xử lý nước thải đạt loại A. Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, huyện cũng sẽ có những phương pháp kiểm soát vấn đề môi trường đối với nhà máy, để không làm phương hại tới môi trường xung quanh và sông, suối.

Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải loại A cũng như hệ thống quan trắc tự động trên địa bàn tỉnh Kon Tum gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có việc khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đặc biệt là nguồn vốn từ Quỹ Bảo vệ môi trường.

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Kon Tum, đến tháng 11/2018, đã có 15/20 dự án hoàn thành, đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn A và 3 dự án nữa đang triển khai. Riêng hai nhà máy là Nhà máy chế biến mủ cao su Thuận Lợi (Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thuận Lợi) đang xin chủ trương tỉnh cho phép tuần hoàn nước trong hoạt động chế biến mủ cao su, không thải ra ngoài môi trường và Nhà máy chế biến mủ cao su ATP Kon Tum (Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất, dịch vụ, thương mại An Phú Thịnh) tỉnh Kon Tum cho gia hạn đến hết ngày 31/12/2018.

Bà Đường Thị Hồng Luân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Kon Tum cho biết: Kon Tum là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải loại A trong các nhà máy hoạt động có tác động đến môi trường. Để thực hiện có hiệu quả chương trình này, tỉnh đã có nhiều ưu đãi về đất, thuế sử dụng đất, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các nhà máy thực hiện nâng cấp, xây dựng hệ thống xử lý nước thải loại A. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số đơn vị chưa thực hiện, tỉnh đang tiếp tục vận động, tuyên tuyền, phấn đấu trong năm 2018, các nhà máy hoạt động sản xuất có tác động đến môi trường phải xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước thải đạt loại A và hệ thống quan trắc tự động.
Quang Thái
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm