Kon Tum tăng hiệu quả hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân

Kon Tum tăng hiệu quả hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Kon Tum, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 5 Quỹ tín dụng nhân dân tại thị trấn Đắk Hà, huyện Đăk Hà và 4 xã, phường Quang Trung, Hòa Bình, Quyết Thắng, Vinh Quang của thành phố Kon Tum.

Đến nay, tổng dư nợ các Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đạt 384 tỷ đồng, vốn huy động đạt 332 tỷ đồng, chênh lệch thu – chi đều dương. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Kon Tum đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn.

Là Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động có hiệu quả nhất của tỉnh Kon Tum, từ đầu năm đến nay, Quỹ tín dụng nhân dân Vinh Quang (xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum) có chênh lệch thu nhập – chi phí đạt 752 triệu đồng. Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1997, hợp tác xã này hiện có gần 1.140 thành viên, hoạt động trải dài tại các xã Vinh Quang, Đoàn Kết và các phường Ngô Mây, Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum.

Kon Tum tăng hiệu quả hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân ảnh 1Hoạt động cho vay tín dụng tại Quỹ tín dụng nhân dân Vinh Quang, thành phố Kon Tum mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Ông Lý Văn Thiện, Chủ tịch HĐQT Quỹ tín dụng nhân dân Vinh Quang chi biết, hiện đơn vị có khoảng 600 thành viên vay vốn với tổng dư nợ gần 103 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng số thành viên, chủ yếu dùng để phục vụ sản xuất nông nghiệp và sản xuất hộ gia đình, chăn nuôi, trồng trọt…

Hiện nay, nguồn vốn hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân Vinh Quang đạt trên 112 tỷ đồng, tăng 14 tỷ đồng so với đầu năm. Với mức lãi suất cho vay 11%, lãi suất tiền gửi từ 3,4-9% tùy kỳ hạn gửi, lợi nhuận mỗi năm Quỹ tín dụng nhân dân Vinh Quang bình quân đạt 500 triệu đồng và đây là đơn vị không có nợ xấu.

“Để hoạt động hiệu quả, chúng tôi đề ra mục tiêu tạo điều kiện hết sức cho các thành viên vay vốn, huy động vốn tại chỗ và cho vay tại chỗ, điều này sẽ giúp giảm, thậm chí là không xảy ra tình trạng nợ xấu. Trong bối cảnh lãi suất các ngân hàng đang tăng như hiện nay, chiến lược của hợp tác xã sẽ là cắt giảm các chi phí để đầu ra cho các thành viên vay được lãi suất ở mức thấp. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tính toán đến việc điều chỉnh lãi suất trong thời gian đến để hoạt động hiệu quả hơn”, ông Thiện cho biết thêm.

Kon Tum tăng hiệu quả hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân ảnh 2Hoạt động cho vay tín dụng tại Quỹ tín dụng nhân dân Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Bà Nguyễn Thị Nhơn, thôn Trung Thành, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum là thành viên của Quỹ tín dụng nhân dân Vinh Quang ngay từ khi đơn vị này được thành lập. Năm 2019, bà quyết định vay 500 triệu để mua thêm 2ha cao su, nâng tổng số diện tích cao su của gia đình lên 4ha. Nhờ đó, gia đình bà đã có được khoản thu nhập không dưới 200 triệu đồng/năm. Sau khi trừ chi phí, bà vẫn còn được 120 - 130 triệu đồng. Với số tiền có được, đầu năm 2022, bà tiếp tục mua thêm 1,5 ha cao su để mở rộng diện tích sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Ông Hoàng Minh Tân, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Kon Tum đánh giá, hiện nay, các Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn hoạt động đều có hiệu quả. Cơ cấu tổ chức như Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc đều đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư số 04/2015/TT-NHNN ngày 31/3/2015, Thông tư số 21/2019/TT-NHNN ngày 14/11/20219 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tổng nợ xấu của các Quỹ tín dụng nhân dân chỉ khoảng 0,34 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,08%, ở mức rất thấp.

Nhằm củng cố, chấn chỉnh, đảm bảo các Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn hoạt động theo đúng mục tiêu, tôn chỉ, nâng cao mức độ an toàn, hiệu quả, ổn định và bền vững, phù hợp với nhu cầu, quy mô, địa bàn, mức tăng trưởng kinh tế tại địa phương, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Kon Tum luôn theo dõi, giám sát, nắm bắt tình hình hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân; trong đó, cử một Công chức thanh tra, giám sát thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân.

“Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Kon Tum đã yêu cầu các Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả; đối chiếu trực tiếp các khách hàng vay vốn, không để xảy ra tình trạng lập hồ sơ khống để vay tiền, vay ké cùng khách hàng, tổ chức huy động vốn trả lãi suất ngoài, huy động vốn để ngoài sổ sách tạo…

Trong quá trình thẩm định, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Kon Tum cũng đề nghị các Quỹ tín dụng nhân dân phải tra cứu kỹ thông tin khách hàng để đảm bảo chất lượng khoản vay. Đặc biệt, chỉ đạo, cảnh báo, khuyến cáo các Quỹ tín dụng nhân dân, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, đúng mục đích, tôn chỉ, ổn định và bền vững, phù hợp với nhu cầu, quy mô, địa bàn hoạt động”, ông Hoàng Minh Tân nhấn mạnh.

Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cũng đã có kế hoạch số 2982/KH-UBND về thực hiện đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025”.

Riêng đối với các Quỹ tín dụng nhân dân, mục tiêu mà kế hoạch này đưa ra là phát triển hệ thống theo đúng mục tiêu, tôn chỉ của loại hình tổ chức tín dụng là hợp tác xã theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế. Hoạt động an toàn, hiệu quả, ổn định và bền vững, đáp ứng nhu cầu về vốn, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của các thành viên Quỹ tín dụng nhân dân. Từ đó, hướng tới mục tiêu chủ yếu là tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên phục vụ sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và địa bàn có nhiều khó khăn.

Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đưa ra giải pháp cơ cấu lại tổ chức tín dụng là Quỹ tín dụng nhân dân cần thực hiện tốt công tác đánh giá xếp loại hàng năm để phân loại theo hai nhóm: nhóm hoạt động bình thường và nhóm yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro để có giải pháp quản lý và xử lý phù hợp theo quy định.

Dư Toán

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm