Kon Tum phát triển hai mô hình điểm sinh hoạt văn hóa gắn với du lịch

Thực hiện Quyết định số 3123/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tổ chức xây dựng Mô hình điểm sinh hoạt văn hóa gắn với phát triển du lịch của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum, từ ngày 29-31/12, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum tổ chức lễ ra mắt hai mô hình điểm Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa gắn với phát triển du lịch của đồng bào dân tộc thiểu số Xê Đăng tại huyện Sa Thầy và Bahnar tại huyện Kon Rẫy.

Kon Tum phat trien hai mo hinh diem sinh hoat van hoa gan voi du lich hinh anh 1Các nghệ nhân và học viên tại mô hình điểm Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa gắn với phát triển du lịch của đồng bào dân tộc thiểu số Xê Đăng tại huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Ảnh: TTXVN phát

Việc xây dựng hai mô hình điểm nhằm bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa, nghệ thuật dân gian truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc tỉnh Kon Tum trước nguy cơ bị mai một; hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa nghệ thuật truyền thống gắn với phát triển du lịch. Bên cạnh đó, tăng cường khối đoàn kết giữa các dân tộc, đặc biệt là thế hệ trẻ qua các hoạt động đa dạng như sinh hoạt văn hóa, truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, các phong tục tập quán mang đậm bản sắc mỗi dân tộc, các nghề thủ công truyền thống,…

Mô hình điểm Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa gắn với phát triển du lịch của đồng bào dân tộc thiểu số Bahnar được thực hiện tại nhà Rông làng Kon Brap Ju, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy; của đồng bào dân tộc thiểu số Xê Đăng được thực hiện tại nhà Rông thôn Đăk Đe, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy. Mỗi câu lạc bộ gồm 35 thành viên; trong đó có 3 – 5 nghệ nhân, còn lại là các học viên.

Kon Tum phat trien hai mo hinh diem sinh hoat van hoa gan voi du lich hinh anh 2Sinh hoạt văn hóa tại mô hình điểm Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa gắn với phát triển du lịch của đồng bào dân tộc thiểu số Xê Đăng tại huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Ảnh: TTXVN phát

Bà Đậu Ngọc Hoài Thu, Trưởng phòng Quản lý văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Kon Tum cho biết, bên cạnh tạo điều kiện cho cộng đồng được giao tiếp, vui chơi giải trí lành mạnh từ các giá trị văn hóa truyền thống của mình, hai mô hình điểm còn góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, văn nghệ phù hợp với mô hình xây dựng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt, việc xây dựng và phát triển mô hình điểm sinh hoạt văn hóa để nhân rộng ra các dân tộc, địa phương khác cùng thực hiện; tạo thành các loại hình sản phẩm văn hóa đặc thù nhằm phục vụ mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng.

“Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã hỗ trợ kinh phí cho các nghệ nhân và các thành viên tham gia câu lạc bộ, trước mắt là 10 triệu đồng và một bộ loa cho một mô hình. Sau đó, Sở sẽ tiếp tục đồng hành cùng với các mô hình để tạo được hiệu quả nhất định, hướng tới việc nhân rộng ra nhiều địa phương, nhiều cộng đồng các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn tỉnh. Qua đó, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống, gắn với phát triển du lịch, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, bà Đậu Ngọc Hoài Thu nhấn mạnh.

Dư Toán

Tin liên quan

Huyện Than Uyên bảo tồn giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch

Trước sự phát triển của xã hội và tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều nét văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Than Uyên (Lai Châu) đang bị mai một. Vì vậy, thời gian qua, huyện luôn nỗ lực giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc nhằm tạo đà cho du lịch văn hóa phát triển.


Tân Cương phát triển du lịch cộng đồng gắn với không gian văn hóa trà

Xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên (Thái Nguyên) có đất đai, khí hậu thuận lợi nên vùng chè nơi đây có hương vị thơm ngon rất đặc trưng. Tận dụng lợi thế của vùng chè đặc sản này, nhiều hộ đồng bào dân tộc trong xã đã phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với không gian văn hóa trà.


Đà Nẵng phát triển du lịch từ văn hóa cộng đồng Cơ Tu

Nằm ở vị trí phía Tây thành phố Đà Nẵng, huyện Hòa Vang có kết nối giao thông thuận lợi, gần với điểm du lịch nổi tiếng của Thừa Thiên - Huế, Hội An và Mỹ Sơn (Quảng Nam). Hòa Vang có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng nhờ sở hữu cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, nhiều lễ hội đặc sắc, đa dạng các làng nghề cũng như công trình kiến trúc cổ, nét văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc của người Cơ Tu đang sinh sống.



Đề xuất