Kon Tum phấn đấu trở thành Trung tâm dược liệu của cả nước vào năm 2025

Vườn ươm cây sâm Ngọc Linh tại Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum. Ảnh: Cao Nguyên - TXTVN
Vườn ươm cây sâm Ngọc Linh tại Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum. Ảnh: Cao Nguyên - TXTVN

Ngày 13/6, Tỉnh ủy Kon Tum tổ chức Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 18/01/2002 của Bộ Chính trị khóa IX “về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010” và Kết luận số 12-KL/TW, ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị khóa XI “về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020” trên địa bàn.

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang nhấn mạnh, tỉnh Kon Tum cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên; thực hiện hiệu quả chủ trương của Trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế-xã hội. Ngoài ra, tỉnh cần thực hiện tốt công tác quy hoạch, chú trọng tính đồng bộ, kết nối quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng.

Thời gian tới, Kon Tum xây dựng một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao, phát triển các cây dược liệu có thế mạnh như: Sâm Ngọc Linh, Hồng Đẳng Sâm... phấn đấu đưa tỉnh Kon Tum trở thành Trung tâm dược liệu trọng điểm của cả nước vào năm 2025.

Tỉnh thu hút đầu nhà máy chế biến lâm sản, dược liệu và sản phẩm nông nghiệp, gắn với nâng cao giá trị sản phẩm đặc hữu từ Sâm Ngọc Linh; tiếp tục đầu tư để Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen thành điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu riêng.

Kon Tum phấn đấu trở thành Trung tâm dược liệu của cả nước vào năm 2025 ảnh 1Vườn ươm cây sâm Ngọc Linh tại Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum. Ảnh: Cao Nguyên - TXTVN

Ngoài ra, Kon Tum cần tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Trong đó, khôi phục và phát huy giá trị của nhà rông truyền thống, văn hóa cồng chiêng và các lễ hội, gắn với tuyên truyền xóa bỏ hủ tục, phong tục không còn phù hợp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Kon Tum tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, chủ động đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình", "bạo loạn, lật đổ" của các thế lực thù địch, phản động. Địa phương triển khai hiệu quả hoạt động hội nhập quốc tế, trong đó, củng cố, tăng cường quan hệ, hợp tác toàn diện với các tỉnh giáp biên của Lào và Campuchia; thiết lập quan hệ, hợp tác trên một số lĩnh vực với một số tỉnh Đông Bắc Thái Lan và mở rộng quan hệ hợp tác với các địa phương của Hàn Quốc, Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp, dược liệu, du lịch.

Tỉnh tăng cường công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gắn với Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đặc biệt, tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững".

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW và 10 năm thực hiện Kết luận số 12-KL/TW, tỉnh Kon Tum đã và đang giữ vững ổn định chính trị, xã hội, đạt được nhiều kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân.

Kinh tế của tỉnh Kon Tum được duy trì ở mức tăng trưởng khá. Quy mô nền kinh tế của tỉnh năm 2021 đạt 16.051 tỷ đồng, tăng 17 lần so với năm 2002. Đến nay, tỉnh đã phá được thế ngõ cụt bằng tuyến giao thông kết nối với các tỉnh duyên hải miền Trung và khu vực Tây Nguyên. Diện mạo đô thị từng bước đổi mới, thành phố Kon Tum đạt tiêu chí đô thị loại II. Tỉnh đã chia tách, thành lập thêm 3 huyện mới, nâng tổng số đơn vị hành chính từ 7 huyện, thị xã năm 2002 lên 10 huyện, thành phố vào năm 2021. Cùng với đó, hệ thống chính trị từng bước được củng cố, kiện toàn. Chất lượng đội ngũ cán bộ từng bước được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Cao Nguyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm