Kon Tum nâng cao hiệu quả của các hồ dạy bơi trong trường học

Các em học sinh của trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum khởi động trước khi xuống nước tập bơi. Ảnh: TTXVN
Các em học sinh của trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum khởi động trước khi xuống nước tập bơi. Ảnh: TTXVN

Trong những năm gần đây, tại tỉnh Kon Tum, tình trạng trẻ em gặp tai nạn đuối nước xảy ra thường xuyên hơn. Trước thực trạng đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum xây dựng các hồ để dạy bơi trong các trường tiểu học và trung học cơ sở. Dù còn nhiều khó khăn trong công tác vận hành, song các hồ góp phần mang đến tín hiệu tích cực trong công tác dạy bơi cho học sinh.

Kon Tum nâng cao hiệu quả của các hồ dạy bơi trong trường học ảnh 1Các em học sinh của trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum khởi động trước khi xuống nước tập bơi. Ảnh: TTXVN

Theo đó, việc xây dựng các hồ được ngành giáo dục tỉnh thực hiện từ năm 2019, đảm bảo tiêu chuẩn để dạy bơi cho học sinh, tùy theo cấp học. Đối với bậc tiểu học, hồ có kích thước 60 - 70m2, độ sâu 80cm; bậc trung học cơ sở, hồ có kích thước rộng hơn và độ sâu 100cm.

Tín hiệu tích cực

Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum được Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng hồ dạy bơi, đưa vào vận hành và sử dụng cuối năm 2019. Trường có gần 600 học sinh, trong đó có khoảng 30% là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Theo cô Võ Thị Yến, Hiệu trưởng trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm, trường ở trên địa bàn có nhiều ao, hồ, sông, suối, vùng nước trũng và hố sâu. Trong khi đó, do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên học sinh sau giờ học chính khóa ít được phụ huynh tiếp quản, giám sát. Đặc biệt, hầu hết các em không biết bơi, nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích, đuối nước rất cao.

Trường đã mở được một khóa dạy bơi cho học sinh, dự kiến sẽ tiếp tục chiêu sinh khóa mới. Khi học bơi, các em được dạy bởi giáo viên có chứng chỉ chuyên môn theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường cũng gần các khu dân cư nên thuận tiện cho các phụ huynh đưa đón con em. Ngoài học bơi và thực hành các bài tập an toàn dưới nước, các em còn được rèn luyện sức khỏe để phát triển chiều cao, thể lực sau mỗi giờ học.

Em Trương Ngọc Tiểu My, học sinh lớp 5D, trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm cho biết, sau khi tham gia lớp học bơi trong vòng ba tháng, em đã tự tin với kỹ năng bơi của mình. Khi đến lớp, em được giáo viên dạy cho các động tác bơi và thực hành an toàn dưới nước. Đến nay, em đã bắt đầu vào học những kỹ năng nâng cao và cảm thấy yên tâm hơn, vì việc biết bơi giúp em phòng, chống được tai nạn đuối nước; đồng thời phát triển toàn diện cơ thể.

Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Trường Sa, phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum cũng được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đầu tư, xây dựng hồ dạy bơi. Tổng số học sinh của trường là hơn 600 em, trong đó, bậc Trung học cơ sở chiếm gần 3/4. Hiệu trưởng Lê Bá Bộ cho biết, việc dạy bơi cho học sinh gặp nhiều khó khăn, do các em lớp lớn sẽ vướng yếu tố giới tính. Bên cạnh đó, trường không có giáo viên dạy bơi, phải tận dụng giáo viên thể dục và một số học sinh khác trong trường biết bơi để dạy cho các em khác.

"Trường cũng đã tìm cách khắc phục những khó khăn bằng việc ký hợp đồng với một giáo viên dạy bơi và bắt đầu dạy từ cuối tháng 4/2021. Hồ dạy bơi cũng đã góp phần không nhỏ giúp 30% học sinh trong trường biết bơi, phấn đấu từ nay đến hè 2021 sẽ nâng lên 50%", thầy Lê Bá Bộ khẳng định.

Cần thêm nhiều hỗ trợ

Vấn đề lớn nhất của các hồ dạy bơi trong các trường hiện nay là các chi phí vận hành hồ bơi như điện, nước, hóa chất khử khuẩn hay dụng cụ dạy bơi, trả lương cho giáo viên dạy bơi. Theo tính toán, mỗi hồ dạy bơi phải chi trả gần 30 triệu đồng cho một khóa học ba tháng. Trong khi đó, kinh phí hoạt động thường xuyên của các trường không có để bố trí khoản chi này.

Cô Võ Thị Yến cho biết, để đảm bảo vận hành hồ dạy bơi, trường đã thực hiện xã hội hóa, trao đổi với các phụ huynh, thống nhất mỗi học sinh tham gia khóa học từ ngày đăng ký đến lúc biết bơi và thực hành một số bài tập an toàn với nước đóng mức phí 600.000 đồng. Toàn bộ số tiền thu được sử dụng để bảo trì, mua sắm hóa chất, các dụng cụ phục vụ học tập và các thiết bị khác.

Ông Thái Khắc Hòa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Kon Tum cho biết, bên cạnh những khó khăn nêu trên, việc vận hành hồ dạy bơi trong trường học còn gặp phải tình trạng hồ đã được xây, song chưa có nước máy, nước giếng bị nhiễm phèn nặng nên chưa thể sử dụng hồ bơi như trường Tiểu học Cao Bá Quát, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum. Ngoài ra, công tác xã hội hóa để dạy bơi gặp khó ở một số trường nằm trong khu vực khó khăn, đông đồng bào dân tộc thiểu số; thời gian dạy bơi chỉ diễn ra vào mùa hè, còn mùa đông lạnh không thể thực hiện.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum, toàn tỉnh hiện có 28 hồ dạy bơi được đơn vị xây dựng trong khuôn viên các trường học; trong đó, nhiều nhất là thành phố Kon Tum với 8 hồ.

Ông Đoàn Thành Nhân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum cho biết, sau khi các hồ dạy bơi được xây dựng, sở đã hướng dẫn cho các trường cách vận hành, quản lý và sử dụng. Đồng thời tổ chức tập huấn cho các giáo viên thể dục về các kỹ năng dạy bơi, chống đuối nước cho học sinh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của yếu tố thời tiết, những khó khăn nêu trên và dịch COVID-19, việc vận hành các hồ dạy bơi ở một số trường học chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Để các hồ dạy bơi vận hành tốt, mang lại hiệu quả cao, thời gian tới, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố cho phép xã hội hóa tại các trường có điều kiện. Các học sinh khó khăn, gia đình nghèo sẽ sử dụng ngân sách nhà nước, kết hợp với các nguồn vận động khác để các em được học bơi, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn đuối nước.

Dư Toán

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm