Kon Tum lần đầu xuất hiện bệnh trắng lá mía

Mía bị bệnh trắng lá mía trên cánh đồng Bạch đàn tại thôn Hno, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum. Ảnh: Cao Nguyên – TTXVN
Mía bị bệnh trắng lá mía trên cánh đồng Bạch đàn tại thôn Hno, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum. Ảnh: Cao Nguyên – TTXVN

Lần đầu tiên cây mía ở tỉnh Kon Tum xuất hiện của bệnh trắng lá mía. Theo thống kê của Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, chỉ trong vòng 2 tuần qua, từ 13 ha ban đầu bệnh đã lây lan lên trên 31ha, mầm bệnh lây lan, chưa có dấu hiệu dừng.

Kon Tum lần đầu xuất hiện bệnh trắng lá mía ảnh 1Chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp kiểm tra diện tích mía bị bệnh trắng lá mía trên cánh đồng Bạch đàn tại thôn Hno, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum. Ảnh: Cao Nguyên – TTXVN

Theo đó, bệnh trắng lá mía đã xuất hiện tại cánh đồng Bạch đàn, thôn Hno, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum. Diện tích bị nhiễm bệnh chủ yếu trồng giống mía Suphanburi 7, giai đoạn mía mọc mầm- đẻ nhánh. Triệu chứng gây hại trên cây mía lá có màu trắng, lá mềm; trong khóm mía có một số cây hoặc toàn bộ cây có lá màu trắng, cây thấp, lùn, chậm phát triển và cây bị héo dần. Hiện đã có 31 ha mía tại cánh đồng trên nhiễm bệnh; trong đó, diện tích bị nhiễm dưới 30% là hơn 5ha; từ 30-70% hơn 18 ha và diện tích bị nhiễm bệnh trên 70% là gần 8ha.

Theo ông Nguyễn Đình Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum cho biết, ngay khi phát hiện bệnh trắng lá mía trên địa bàn, UBND xã đã phối hợp với lại Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh xuống rà soát, đánh giá và thống kê thiệt hại từ đó thông báo rộng rãi, tuyên truyền cho người dân biết về bệnh trắng lá mía.

Kon Tum lần đầu xuất hiện bệnh trắng lá mía ảnh 2Mía bị bệnh trắng lá mía trên cánh đồng Bạch đàn tại thôn Hno, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum. Ảnh: Cao Nguyên – TTXVN

Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, bệnh trắng lá mía sẽ gây tác hại làm lá mất diệp lục, lá chuyển sang màu trắng, lá mềm, ảnh hưởng đến quang hợp, chậm phát triển và dần chết. Bệnh lây truyền chủ yếu qua hom giống, qua mía gốc và qua môi giới truyền bệnh là loài rầy. Bệnh gây hại ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của mía, từ giai đoạn mọc mầm đến chín. Theo đó, giai đoạn mọc mầm (tái sinh) và đẻ nhánh là giai đoạn mẫn cảm nhất với bệnh trắng lá mía, hiện bệnh trắng lá mía vẫn chưa có thuốc trừ nên việc phòng bệnh có ý nghĩa rất quan trọng.

Trước thực trạng trên, ông Trần Ngọc Luận, Trưởng Phòng Bảo vệ thực vật và Kiểm dịch nội địa (Chi Cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum), khuyến cáo, đối với diện tích mía có tỷ lệ cây bị bệnh thấp (mật độ cây bị bệnh dưới 30%), người dân cần cuốc bỏ cây bệnh, thu gom, tiêu hủy (chôn hoặc đốt).

Kon Tum lần đầu xuất hiện bệnh trắng lá mía ảnh 3Mía bị bệnh trắng lá mía trên cánh đồng Bạch đàn tại thôn Hno, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum. Ảnh: Cao Nguyên – TTXVN

Sau khi tiến hành phun trừ rầy (trừ môi giới truyền bệnh) bằng các hoạt chất như acetamiprid, buprofezin, cypermethrin, người dân cần tiến hành chăm sóc và theo dõi cây. Với những chỗ cục bộ bị nặng, người dân phun thuốc trừ rầy trước khi cày bỏ toàn bộ cây mía trên ruộng và thu gom tiêu hủy tàn dư thực vật trên ruộng, luân canh cây trồng khác từ 1-2 vụ để hạn chế nguồn bệnh.

Trước thiệt hại do bệnh trắng lá mía gây ra, UBND xã Đoàn Kết đã kiến nghị UBND thành phố Kon Tum hỗ trợ một phần kinh phí cho người trồng mía đối với những diện tích nhiễm bệnh nặng phải cày bỏ, tiêu hủy hoàn toàn. Đồng thời, chính quyền xã cũng đề nghị Công ty cổ phần Đường Kon Tum có giải pháp hỗ trợ, chia sẻ với khó khăn của nông dân vì các hộ trồng mía trên địa bàn xã đều có cam kết hợp đồng nhận đầu tư với công ty.

Cao Nguyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm