Kon Tum khống chế được dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò

Bò bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Ảnh: TTXVN phát
Bò bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Ảnh: TTXVN phát

Theo Chi cục Thú y tỉnh Kon Tum, đến cuối tháng 9/2021, dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò cơ bản đã được khống chế, khi hầu hết các địa phương có dịch đã qua 21 ngày không xuất hiện bệnh. Đặc biệt, ba huyện Ngọc Hồi, Sa Thầy, Đăk Hà đã công bố hết dịch, các huyện còn lại đang hoàn tất thủ tục để công bố hết dịch viêm da nổi cục.

Kon Tum khống chế được dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò ảnh 1Bò bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Ảnh: TTXVN phát

Cụ thể, bên cạnh ba huyện đã công bố hết dịch, thành phố Kon Tum và các huyện Đăk Tô, Kon Plong, Ia H’Drai, Đăk Glei đã qua 21 ngày không xuất hiện dịch bệnh. Riêng huyện Tu Mơ Rông còn các xã Đăk Hà, Đăk Na, Đăk Sao và Đăk Rơ Ong đã qua 15 ngày không phát sinh gia súc mắc bệnh bệnh mới, địa phương đang tiếp tục theo dõi nắm bắt tình hình dịch bệnh, tiếp tục tổ chức tiêm phòng vaccine cho đàn gia súc trên địa bàn huyện.

Ông Hà Thanh Lâm, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum cho biết, ngay sau khi dịch bệnh xuất hiện, ngành thú y tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc khoanh vùng, xử lý các ổ dịch. Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Trong quá trình thực hiện ở các địa phương, ngành chức năng đã có những giải pháp tổ chức tiêm phòng vaccine vừa đạt hiệu quả cao, vừa nâng cao nhận thức về tiêm phòng vaccine cho người chăn nuôi như tại huyện Đăk Glei; xã Ngọc Wang, Ngọc Réo của huyện Đăk Hà và các phường Thắng Lợi, Thống Nhất của thành phố Kon Tum.

Đặc biệt, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã có sự vào cuộc quyết liệt trong phòng, chống dịch khi ban hành kế hoạch cụ thể; cấp gần 4 tỷ đồng cho các địa phương triển khai phòng, chống dịch. Nhờ đó đến nay, toàn tỉnh đã có trên 80.300 con trâu, bò đã được tiêm vaccine phòng bệnh, đạt tỷ lệ 81,33% tổng đàn.

Từ ngày 12/5/2021 (thời điểm xuất hiện dịch) đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có hơn 3.600 con trâu, bò của 2.101 hộ dân mắc bệnh viêm da nổi cục. Lực lượng chức năng tỉnh đã tiêu hủy 258 con bò; chăm sóc, chữa khỏi triệu chứng lâm sàng cho hơn 3.350 con.

Theo thống kê, hiện tỉnh Kon Tum có khoảng 100.000 con trâu, bò. Đây là nguồn thu nhập chính của đa số bà con nhân dân trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Với việc ngành thú y đẩy nhanh tiến độ xử lý và ngăn chặn dịch viêm da nổi cục, bà con nhân dân trên địa bàn đã yên tâm trong việc chăn thả gia súc, ổn định phát triển kinh tế gia đình.


Dư Toán

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm