Kon Tum hướng tới quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững

Kon Tum hướng tới quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững

Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho biết, đến đầu tháng 10/2022, tỉnh Kon Tum đã trồng được gần 4.800 ha rừng, đạt 105,36% kế hoạch tỉnh giao trong năm (4.500 ha).

Kon Tum hướng tới quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững ảnh 1Lực lượng kiểm lâm thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum kiểm tra diện tích rừng trồng Lõi Thọ của người dân. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Đây là năm thứ 2 liên tiếp, tỉnh Kon Tum thực hiện trồng rừng vượt kế hoạch, không chỉ thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, mà còn cho thấy sự đồng lòng của nhân dân trong trồng rừng.

Qua đó, tiến gần hơn tới mục tiêu nâng tỉ lệ che phủ rừng của tỉnh lên 64% vào cuối năm 2025 như mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.

Cụ thể, một số địa phương trồng vượt chỉ tiêu đề ra như thành phố Kon Tum (đạt 329,24% kế hoạch), huyện Đăk Hà (158,83% kế hoạch), huyện Đăk Glei (110,14% kế hoạch), huyện Kon Rẫy (105,4% kế hoạch). Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương của tỉnh Kon Tum cũng trồng mới trên 1 triệu cây phân tán, đạt 173,26% kế hoạch (601.000 cây).

Kon Tum hướng tới quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững ảnh 2Lực lượng kiểm lâm tỉnh Kon Tum kiểm tra diện tích rừng trồng Bạch đàn cự vỹ của người dân. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Ông A Huân, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum cho biết, năm 2022, gia đình ông được cấp giống để trồng 2 sào cây Lõi Thọ. Trước đây, trên diện tích này gia đình ông trồng sắn, nhưng qua nhiều năm, đất bạc màu, cây trồng không cho hiệu quả cao. Khi chưa biết phải chuyển đổi sang trồng cây gì để tạo ra giá trị cao hơn, ông được Hạt Kiểm lâm thành phố Kon Tum khuyến khích trồng rừng.

“Khi mới nghe thông tin, tôi cũng chưa biết trồng rừng là như thế nào. Nhưng sau khi được Hạt kiểm lâm, chính quyền địa phương tuyên truyền, tôi hiểu được lợi ích của trồng rừng nên ra xã đăng ký và được cấp cây giống. Sau đó, tôi cũng được hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc nên đến nay, diện tích trồng rừng phát triển tốt. Tôi cũng mong muốn nhiều năm sau, khi cây lớn thì sẽ cho thu hoạch được tốt hơn”, ông A Huân bộc bạch.

Theo ông Nguyễn Văn Khiêm, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Kon Tum cho biết, năm 2022, thành phố Kon Tum được giao trồng 198 ha rừng. Tuy nhiên, thành phố đã đề ra mục tiêu trồng 1.000 ha. Để thực hiện nhiệm vụ, Hạt đã phân công lãnh đạo trực tiếp phối hợp với chính quyền 6 xã vùng ven vận động nhân dân tích cực tham gia trồng rừng, phát triển rừng.

Đặc biệt, đơn vị đã in tờ rơi bằng bốn ngôn ngữ là tiếng Việt, Giẻ Triêng, Xê Đăng, Bahnar để phát vào tận các thôn, làng để nhân dân hiểu được những lợi ích của việc trồng rừng, chuyển đổi các diện tích canh tác bạc màu, kém dinh dưỡng sang trồng rừng.

“Đến thời điểm này, thành phố đã trồng được trên 650ha rừng, chủ yếu là Thông ba lá, Bạch đàn cự vỹ, Lõi Thọ, Keo tai tượng,… Bên cạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia trồng rừng, Hạt cũng phối hợp với chính quyền địa phương để hướng dẫn cho nhân dân chăm sóc rừng sau khi trồng, chống sâu, mối, phát dọn thực bì, phòng chống cháy rừng,… để diện tích rừng trồng sinh trưởng và phát triển tốt, không bị hao hụt”, ông Nguyễn Văn Khiêm cho biết thêm.

Trong khi đó, tại huyện Đăk Tô, chỉ tiêu được giao là trồng 570 ha rừng; trong đó, Ủy ban nhân dân huyện trồng 450 ha, số còn lại do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô thực hiện. Đến nay, địa phương này đã trồng được trên 540 ha, chủ yếu là các loại cây như Mắc Ca, Bạch đàn cự vỹ, Giổi lấy hạt, Thông ba lá,… đạt trên 95% kế hoạch.

Theo ông A Ngực, thôn Đăk Rơ Gia, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô, gia đình ông có 7 sào đất trồng sắn từ 4 năm nay. Tuy nhiên, cây sắn chỉ sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao ở hai năm đầu, đến năm thứ ba, do đất bị bạc màu nên cây không lên được. Sau khi được chính quyền địa phương vận động, gia đình ông đã quyết định chuyển toàn bộ diện tích đất trên sang trồng rừng Bạch đàn cự vỹ.

Ông A Ngực nói: “Tôi được cấp hơn 1.000 cây giống, thuốc mối để trồng. Khi trồng rừng, tôi nhận thấy có được nhiều lợi ích như chống xói mòn đất, giúp phủ xanh đất trống, đồi trọc, vài năm sau khi thu hoạch sẽ có thu nhập cao hơn so với cây sắn. Tôi cũng về vận động nhân dân trong thôn tham gia trồng rừng, đến nay, thôn đã có 25 hộ trồng rừng với diện tích trên 15 ha”.

Theo ông Trương Đình Tuệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô, để nhiệm vụ trồng rừng đạt được hiệu quả cao, chính quyền địa phương đã đặc biệt chú trọng đến dân vận. Theo đó, đã huy động các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, các tổ chức chính trị - xã hội vào từng thôn, làng để tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân về phương án thực hiện, hiệu quả kinh tế từ rừng.

“Bước đầu, việc vận động nhân dân chuyển đổi các diện tích bạc màu sang trồng rừng còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức của nhân dân còn nhiều hạn chế, trên địa bàn xã chưa có hộ dân có thu nhập từ mô hình trồng rừng sản xuất. Tuy nhiên, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích thì đa số nhân dân hiểu được lợi ích từ trồng rừng. Đến nay, toàn xã đã trồng được trên 90 ha rừng trong năm 2022”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk Trăm cho hay.

Kon Tum hướng tới quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững ảnh 3Lực lượng kiểm lâm và chính quyền xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum kiểm tra diện tích rừng trồng của người dân. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

 Đánh giá cao những nỗ lực trong dân vận để nhiệm vụ trồng rừng “về đích” sớm trong năm 2022, ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho biết, trồng rừng đã được các cấp, các ngành triển khai. Nhờ đó, người dân đã tích cực hưởng ứng, tham gia trồng rừng; góp phần nâng cao nhận thức, sự đồng thuận tham gia trồng và chăm sóc, bảo vệ rừng trên địa bàn cho người dân, hướng đến quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum nhấn mạnh: “Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm sẽ tiếp tục thường xuyên, liên tục tổ chức tuyên truyền để người dân nắm rõ quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia trồng rừng; vận động, khuyến khích, hướng dẫn người dân đang sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp, trên đất trồng cây công nghiệp kém hiệu quả chuyển sang trồng rừng sản xuất để hưởng được nhiều lợi ích kinh tế. Qua đó, thực hiện tốt nhiệm vụ trồng rừng hàng năm, sớm đạt mục tiêu nâng tỉ lệ bao phủ rừng lên 64% như mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra”.

Hiện nay, người dân không chỉ tham gia trồng rừng, mà còn tích cực chăm sóc và bảo vệ rừng sau khi trồng, dưới sự hướng dẫn của các đơn vị kiểm lâm cũng như chính quyền địa phương. Bằng chứng là tỉ lệ cây sống của rừng trồng khá cao, đạt 82,8% đối với diện tích trồng trong năm 2021, góp phần nâng tỉ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt 63,2% vào cuối tháng 9/2022.

Dư Toán

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm