Kon Tum: Dấu ấn người lính quân hàm xanh nơi biên giới

Kon Tum: Dấu ấn người lính quân hàm xanh nơi biên giới

Để giữ vững an ninh chính trị tại các khu vực biên giới, 13 cán bội Biên phòng tỉnh Kon Tum được tăng cường về công tại các xã biên giới; trong đó có 3 đồng chí giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã. Các cán bộ Biên phòng đã nhận được sự tin tưởng tuyệt đối của chính quyền địa phương và niềm tin yêu của nhân dân.

Kon Tum: Dấu ấn người lính quân hàm xanh nơi biên giới  ảnh 1Bên cạnh nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc, các chiến sỹ Biên phòng tại Kon Tum thường xuyên hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Xã biên giới Sa Loong (huyện Ngọc Hồi) là địa phương đặc biệt khó khăn với hơn 85% là người dân tộc thiểu số. Đa phần người dân còn giữ phương thức canh tác lạc hậu, một số hộ gia đình lưu lại các hủ tục, mê tín dị đoan. Đặc biệt, năm 2003 lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, các đối tượng xấu đã dụ dỗ, lôi kéo người đi theo tà đạo Hà Mòn. Thiếu tá Phạm Huy Thắng (Đồn Biên phòng xã Sa Loong) cho biết, năm 2003, làng Giang Lố 2 bắt đầu xuất hiện tà đạo Hà Mòn. Để nắm bắt tình hình, đơn vị đã cử các chiến sỹ ngày đêm ăn, ở cùng dân, bám sát địa bàn, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ tà đạo Hà Mòn.

Kon Tum: Dấu ấn người lính quân hàm xanh nơi biên giới  ảnh 2Cán bộ Biên phòng tại Kon Tum tuyên truyền cho người dân ở các xã vùng biên về xóa bỏ hủ tục, thay đổi nếp nghĩ cách làm vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với lực lượng chức năng là khi tuyên truyền, người dân lại lẩn tránh vì nhận thức còn hạn chế. Với sự kiên trì, đấu tranh không ngừng nghỉ của các chiến sỹ Biên phòng, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân dần không tin vào tà đạo. Đến năm 2016, 100% người dân tại làng Giang Lố 2 đã bỏ hẳn tà đạo. Đây được coi là chiến thắng trên mặt trận tư tưởng của người lính Biên phòng, góp phần mang lại bình yên trên tuyến biên giới Kon Tum.

Hiện Thiếu tá Phạm Huy Thắng được phân công về công tác tại xã Sa Loong với chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã để tiếp tục cùng chính quyền địa phương giữ vững tình hình an ninh trật tự trên tuyến biên giới. Cùng với đó, Thiếu tá Phạm Huy Thắng tích cực tham gia công tác dân vận, vận động người dân thay đổi phương thức canh tác lạc hậu, chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao để nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Kon Tum: Dấu ấn người lính quân hàm xanh nơi biên giới  ảnh 3Mô hình nuôi heo sọc dưa được lực lượng Biên phòng tại Kon Tum triển khai đã giúp đỡ được nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Gia đình anh A Đam (làng Giang Lố 2, xã Sa Loong) trước đây rất nghèo. Từ khi được cán bộ Biên phòng hướng dẫn, tuyên truyền, gia đình anh Đam đã chuyển đổi diện tích trồng mì ít hiệu quả sang trồng cà phê, cao su kết hợp với nuôi gà, lợn. Anh A Đam vui mừng chia sẻ, các loại cây trồng hiện tại cho năng suất và giá thành cao hơn so với cây mỳ. Tham gia cùng chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, hàng tháng gia đình anh có thu nhập trên 6 triệu đồng. Nhờ đó, cuộc sống của anh giờ khá hơn trước, các con được đi học đầy đủ. Nhờ chính quyền địa phương, nhất là việc cử cán bộ Biên phòng xuống địa bàn, bà con đã bỏ hết những hủ tục, chăm chỉ làm ăn. Đời sống của bà con phát triển, nhiều hộ xây được nhà mới khang trang. Anh và gia đình sẽ vận động những người khác học tập, làm theo lực lượng Biên phòng nhằm xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Tại những nơi công tác, những cán bộ Biên phòng Kon Tum luôn được người dân yêu thương, quý trọng và được ví như “cầu nối” quan trọng trong việc tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo người dân.

Chủ tịch UBND xã Sa Loong Nguyễn Hữu Bảng cho biết, ngoài nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ tuyến biên giới quốc gia, cán bộ, chiến sỹ Biên phòng luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền trong việc vận động người dân phát triển kinh tế - xã hội. Các chương trình dân vận khéo, giúp bà con thay đổi nếp nghĩ cách làm đã được cán bộ Biên phòng triển khai có hiệu quả. Bên cạnh đó, các chiến sỹ còn giúp dân thu hoạch hoa màu sau bão; xây dựng chuồng trại chăn nuôi và chăm sóc cây công nghiệp; làm đường giao thông liên thôn, nạo vét kênh mương; phối với nhà trường và chính quyền địa phương vận động học sinh bỏ học quay lại trường; hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo vượt khó; thăm, tặng quà các gia đình chính sách. Cùng với việc tăng cường một cán bộ Biên phòng về làm việc tại xã với chức danh là Phó Bí thư Đảng ủy giúp công tác phối hợp, triển khai giữa hai bên ngày càng chặt chẽ. Hiệu quả cho thấy xã Sa Loong đã đạt 17/19 tiêu chí nông thôn mới.

Kon Tum: Dấu ấn người lính quân hàm xanh nơi biên giới  ảnh 4Lực lượng Biên phòng tại Kon Tum hỗ trợ bò giống cho người dân có hoàn cảnh khó khăn nhằm thắt chặt tình quân dân nơi tuyến biên giới. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Với hơn 290 km đường biên, những chiến sỹ Biên phòng tại 13 xã biên giới ở tỉnh Kon Tum luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; kết hợp với chính quyền các xã xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc, góp công lớn vào công cuộc xây dựng tỉnh Kon Tum ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Khoa Chương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm