Kon Tum chấn chỉnh tình trạng các trạm cân nông sản tự phát

Kon Tum chấn chỉnh tình trạng các trạm cân nông sản tự phát

Hàng loạt trạm cân nông sản, chủ yếu là sắn (mỳ) ở các huyện Đăk Tô, Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum hình thành tự phát thời gian qua đã trở thành điểm nóng và nông dân đang là người bị ảnh hưởng trực tiếp do trạm thu mua tự phát này.

Kon Tum chấn chỉnh tình trạng các trạm cân nông sản tự phát ảnh 1Nhiều sai phạm tại trạm cân nông sản tại thôn Mô Bành, xã Đăk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: Cao Nguyên-TTXVN

Loạn trạm cân

Chỉ một đoạn đường ngắn từ ngã ba Đăk Trăm (Đăk Tô) đi vào 4 xã phía Tây của huyện Tu Mơ Rông (gồm Đăk Tơ Kan, Đăk Rơ Ông, Đăk Sao và Đăk Na) dài 27 km nhưng có đến 10 trạm cân; trong đó, có 1 trạm cân đường liên xã, 9 trạm cân còn lại dọc tuyến đường tỉnh lộ 678. Ngoài ra, tại các xã khác trong huyện Tu Mơ Rông còn nhiều trạm cân khác để đáp ứng nhu cầu bán sắn của dân.

Theo tìm hiểu, các trạm cân này do các tư thương đứng ra thu mua. Các được xây dựng nhà kiên cố, có sân tập kết mỳ (sắn) và một cân điện tử tự lớn. Ngoài ra, các trạm có thêm một xe múc sắn….

Chỉ một đoạn đường ngắn nhưng có đến 10 trạm, đủ thấy nhu cầu, sản lượng sắn nơi đây lớn, thu hút được nhiều tư thương vào. Theo đó, trong số 10 trạm cân này có rất nhiều trạm cân là do Nhà máy Cồn tinh bột sắn Đăk Tô liên kết để cùng tư thương thu mua sắn.

Kon Tum chấn chỉnh tình trạng các trạm cân nông sản tự phát ảnh 2 Kiểm tra trạm cân nông sản tại thôn Tê Xô, xã Đăk Tơ Kan, huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: Cao Nguyên-TTXVN

Thừa nhận đầu tư cân cho tư thương để phục vụ thu mua sắn cho nhà máy, ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Nhà máy Cồn tinh bột sắn Đăk Tô cho biết, nhà máy có liên doanh, liên kết hỗ trợ cân điện tử cho người thu mua nông sản; trong đó, Đăk Tô 3 cân, Tu Mơ Rông 4 cân.

Việc thu mua nông sản của tư nhân, nhà máy không can thiệp. Tuy nhiên, ông Hiệp lại khẳng định đầu tư cân phức tạp, tốn chi phí. Do trạm cân nhiều, nhà máy hay các trạm muốn mua sắn phải “chạy” tài xế để chở nông sản bán cho mình. Các trạm “lôi kéo” không lành mạnh tài xế để chở sắn đến bán cho trạm cân và việc này, nhà máy và chính quyền không thể kiểm soát được.

Theo ông Hiệp, các trạm cân thường bồi dưỡng tài xế bình quân từ 150.000-320.000 đồng/tấn tùy địa bàn, ở vùng sâu thì bồi dưỡng cao hơn. "Đúng ra tiền này của dân (nâng giá thu mua) nhưng trạm lại chi cho tài xế. Công ty khuyến khích dân bán sắn trực tiếp cho nhà máy để được lợi nhất, còn dân bị thua thiệt khi bán cho các trạm”, ông Hiệp khẳng định.

Cũng theo ông Hiệp, hiện nhà máy thu mua củ sắn với giá khoảng 2.400 đồng/kg nhưng các trạm thu mua thấp hơn. Ngoài ra, khi dân bán sắn cho nhà máy thì dân bị trừ tạp chất ít, từ 1,5-7,5% sản lượng.

Vì không có xe để chở nông sản nên phải thuê phương tiện để thu gom, bán sắn cho tư thương. Việc bán sắn cho ai thường do tài xế, chủ xe áp đặt. Ngoài ra, các chủ xe, tài xế thường liên kết để chạy nên nhà máy khó can thiệp được khi muốn đứng ra thu gom.

Trong khi đó, theo khảo sát của phóng viên, giá thu mua sắn tại hộ kinh doanh Thúy Cảnh ở thôn Ngọc Leang xã Đăk Hà huyện Tu Mơ Rông giá chỉ 1.800 đồng/kg. Các trạm ở 4 xã phía Tây của Tu Mơ Rông cũng chênh lệch không nhiều với mức giá trên. Ngoài ra, khi người dân bán sắn, tư thương cào bằng trừ tạp chất 10% sản lượng. Giá mua thấp, trừ tạp chất nhiều nên có tình trạng người dân trộn đất vào sắn khi bán tại các trạm.

Đụng đâu, sai đó


Theo chân đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện huyện Tu Mơ Rông, Quản lý thị trường, Sở Khoa học và công nghệ… kiểm tra các trạm cân đã phát hiện rất nhiều sai phạm.

Kon Tum chấn chỉnh tình trạng các trạm cân nông sản tự phát ảnh 3Đoàn liên ngành làm việc với chủ cơ sở thu mua nông sản tại thôn Đăk Prông, xã Đăk Tơ Kan, huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: Cao Nguyên-TTXVN

Kiểm tra các trạm từ ngã ba Đăk Trăm (huyện Đăk Tô) vào 4 xã phía Tây huyện Tu Mơ Rông, tất cả cho đáp án chung là đụng đâu, sai đó. Cá biệt, có trạm cân không có bất kỳ giấy phép nào. Cụ thể, tại trạm thu mua nông sản thôn Mô Bành xã Đăk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông, chủ cơ sở tên Lâm Thanh Hiệp hoàn toàn không có giấy tờ. Khi làm việc với đoàn kiểm tra, anh Lâm Thanh Hiệp bao biện cho biết đây chỉ là nhà kho, trạm cân không mua bán.

Để làm trạm cân, chủ cơ sở bạt mái ta luy đường tỉnh 678, làm ảnh hưởng đến kết cấu giao thông đường bộ; tự ý san lấp đất nông nghiệp để làm mặt bằng. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trạm cân không có hồ sơ; không niêm yết giá, cân không có nhãn hàng hóa, số hiệu cân và năm sản xuất….

Tại các trạm cân khác dọc trên tuyến đường này, khi kiểm tra cũng đều vi phạm. Một lỗi cơ bản nhất là các trạm đều mở đường đấu nối trái phép ra đường chính. Ông Nguyễn Thái Hoàng Anh, Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum khẳng định: Qua kiểm tra thực tế các trạm cân thu mua sắn trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông, nhất là 4 xã phía Tây của huyện thì phát hiện các trạm cân mở đường đấu nối trái phép vào đường chính mà không được sự cho phép của cơ quan chức năng. Việc này sẽ gây ra những xung đột giao thông tại những địa điểm mà các trạm cân này mở đường đấu nối.

Theo ông Nguyễn Thái Hoàng Anh, trước khi có giấy phép kinh doanh, tư thương phải có giấy phép đấu nối, nhưng đây lại làm ngược lại là có giấy phép kinh doanh rồi mở đường đấu nối để kinh doanh. Trước mắt, Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo cho Thanh tra Sở lập biên bản toàn bộ các điểm đấu nối trái phép này, chuyển chính quyền địa phương xử lý và tháo dỡ, trả lại nguyên trạng ban đầu.

Theo ông Phạm Xuân Quang, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông, huyện đã chỉ đạo các xã quản lý chặt chẽ, không cho các trạm cân hình thành mới. Đối với các trạm cân vi phạm, huyện đã chủ động liên hệ với Thanh tra giao thông, Chi cục Đo lường của Sở Khoa học và Công nghệ, Quản lý thị trường cùng vào cuộc để xử lý. Thời gian tới, huyện sẽ phối hợp lực lượng chức năng để kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng các trạm cân tự phát. Nếu đơn vị nào vi phạm sẽ yêu cầu phải tháo dỡ theo đúng quy định.

Cao Nguyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm