Kon Tum cấp bách phòng, chống hạn hán

Kon Tum cấp bách phòng, chống hạn hán

UBND tỉnh Kon Tum vừa ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước mùa khô 2023 trên địa bàn tỉnh.

Kon Tum cấp bách phòng, chống hạn hán ảnh 1Công trình cấp nước thôn 1, xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai (Kon Tum) được đưa vào sử dụng năm 2020, cung cấp nước sinh hoạt cho gần 20 hộ dân. Ảnh: Dư Toán - TTXVN.

Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Ban Quản lý các công trình thủy lợi tỉnh và các đơn vị quản lý, khai thác các công trình thủy lợi rà soát, xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2022 - 2023 phù hợp với thực trạng nguồn nước, lưu ý các khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước trong mùa khô; theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, nguồn nước trữ, nước đến của các công trình để thực hiện kế hoạch gieo trồng, giảm thiểu thiệt hại khi nguồn nước không đảm bảo.

Đặc biệt, chủ động điều tiết nước cho các công trình trên cùng một hệ thống như hồ chứa Đăk Sia 1, đập Đăk Sia 2, đập Đăk Car (huyện Sa Thầy); hồ chứa Đăk Yên, đập Đăk Tía, hồ chứa Tân Điền và Trạm Bơm Vinh Quang, Trạm bơm chuyền Tân Điền (thành phố Kon Tum); hồ chứa Đăk Uy, hồ chứa Cà Sâm, đập Đăk Căm, đập Ông Phiêu và hệ thống công trình hồ chứa Đăk Loh, đập Kon Trang Kla, đập Bà Tri, đập Cà Ha (huyện Đăk Hà);…

Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện kế hoạch, phương án phòng, chống hạn; hướng dẫn cơ cấu giống, cây trồng, thời vụ, các biện pháp, kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc và bảo vệ cây trồng phù hợp với nguồn nước; khuyến cáo cho các địa phương giảm diện tích gieo sạ để giảm áp lực tưới; hướng dẫn, phổ biến, kinh nghiệm tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, sử dụng nước hiệu quả để các địa phương, đơn vị và người dân áp dụng;…

Sở Công Thương, Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum có nhiệm vụ theo dõi, chỉ đạo các đơn vị, tổ chức quản lý các đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành hồ chứa các công trình thủy điện, bảo đảm việc vận hành xả nước của các hồ chứa phù hợp với yêu cầu sử dụng nước ở hạ du…

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Kon Tum tình hình thời tiết diễn biến bất thường, trời nắng nóng, gió lốc và khô, lượng mưa không đáng kể, nguy cơ hạn hán, thiếu nước. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum, từ tháng 2 - 3/2023, mực nước trên trên các sông, suối có dao động với biên độ đạt từ 0,1 - 0,35 m theo xu thế giảm chậm.

Mực nước trên các sông Đăk Bla tại thành phố Kon Tum, sông Pô Kô tại huyện Đăk Tô, Ngọc Hồi có lượng dòng chảy thấp hơn từ 40-60% so với cùng kỳ nhiều năm. Từ tháng 5-6/2023, mực nước và lưu lượng trên các sông, suối tại Kon Tum giảm 10-30% so với cùng kỳ các năm; riêng sông Đăk Bla tại huyện Kon Rẫy và thành phố Kon Tum thấp hơn từ 50-70%.

Hiện nay, nguồn nước của 80 hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh Kon Tum có dung tích trữ đạt từ 86% dung tích thiết kế trở lên, cơ bản đảm bảo phục vụ tưới vụ Đông - Xuân năm 2022- 2023. Tuy nhiên, có một số hồ diện tích tưới tương đối lớn nhưng dung tích trữ còn thiếu hụt so với dung tích thiết kế, có khả năng xảy ra tình trạng thiếu nước ở cuối vụ.

Dự báo từ giữa tháng 2 đến tháng 4 năm 2023, khô hạn, thiếu nước có khả năng xảy ra ở thành phố Kon Tum và các huyện Đăk Hà, Sa Thầy, Ia H’Drai, Kon Rẫy, Đăk Tô gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, gây khó khăn cho đời sống sinh hoạt của nhân dân và ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Với diện tích gieo trồng vụ Đông - Xuân 2022 - 2023 của tỉnh Kon Tum đạt gần 6.600 ha; trong đó, có hơn 5.000 ha lúa thì việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay là điều cần thiết. Qua đó, giảm thiệt hại do thiên tai xảy ra cho bà con nông dân.

Dư Toán

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm