Kon Tum: Bảo vệ và tận dụng phát triển sinh kế từ rừng

Kon Tum là tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất ở khu vực Tây Nguyên, với khoảng 63%. Để bảo vệ và phát triển rừng, tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều dự án, chính sách nhằm khuyến khích người dân chung tay cùng chính quyền giữ vững “lá phổi xanh” trên địa bàn và phát triển sinh kế nhờ rừng.

Kon Tum: Bao ve va tan dung phat trien sinh ke tu rung hinh anh 1Lực lượng kiểm lâm và chính quyền xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum kiểm tra diện tích rừng trồng của người dân. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Huyện Tu Mơ Rông hiện có hơn 85,7 nghìn ha rừng tự nhiên. Thời gian qua, các đơn vị chủ rừng là tổ chức và Ủy ban nhân dân xã đã giao khoán hơn 12,8 nghìn ha rừng cho các hộ gia đình, cộng đồng trên địa bàn huyện bảo vệ. Từ nguồn giao khoán này, trung bình mỗi năm hộ dân các hộ dân thu về khoảng 12,7 triệu/năm; đối với cộng đồng là 197 triệu/năm thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Tại thôn Tu Mơ Rông (xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông) có 12 hộ đồng ý chung tay bảo vệ hơn 20 ha rừng tại địa phương. Ông A Bút (thôn Tu Mơ Rông) chia sẻ, ông cùng người dân trong thôn thường xuyên tổ chức đi tuần tra rừng từ 2-3 lần/tháng. Khi phát hiện những đối tượng nghi vấn hoặc phá rừng làm nương rẫy thì ông đề nghị họ dừng lại và báo cáo ngay với chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời. Trung bình mỗi năm, cộng đồng tham gia bảo vệ rừng tại thôn Tu Mơ Rông nhận được gần 30 triệu đồng/hộ nhờ tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Đây được xem là số tiền lớn đối với những người dân vùng khó khăn như Tu Mơ Rông.

Theo đánh giá của huyện Tu Mơ Rông, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã và đang mang lại lợi ích kép, vừa giúp người dân phát triển kinh tế, vừa phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo vệ rừng. Nhờ đó, trong năm năm 2022, huyện xảy ra 3 vụ vi phạm trên lĩnh vực lâm nghiệp, giảm trên 57% số vụ vi phạm so với năm 2021. Đặc biệt, nhiều năm liền trên địa bàn huyện không xảy ra phá rừng, cháy rừng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông Phạm Xuân Quang cho biết, khi tham gia quản lý bảo vệ rừng, chính người dân được hưởng lợi từ nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Kết quả rõ nhất cho thấy, việc phá rừng trên địa bàn đã giảm đi rõ rệt. Người dân còn chung tay cùng chính quyền địa phương tăng cường công tác trồng rừng, phủ xanh diện tích đồi trọc để sau này khi đạt được độ che phủ theo quy định thì sẽ tiếp tục được hưởng những lợi ích từ rừng.

Năm 2022, diện tích trồng rừng và trồng cây phân tán của huyện Tu Mơ Rông vượt kế hoạch đề ra. Theo kế hoạch, năm 2022, huyện được giao trồng 348 ha rừng. Nhưng đến cuối năm, con số này lên đến trên 380 ha. Các loài cây được người dân trồng chủ yếu gồm: Bạch đàn cự vỹ, Thông ba lá, Sơn tra, Keo tai tượng, Hơ Man…

Xã Đăk Tơ Lung (huyện Kon Rẫy) có hơn 6.720 ha rừng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Diện tích rừng này được chính quyền địa phương giao cho 429 chủ rừng là hộ gia đình và 7 cộng đồng quản lý, bảo vệ. Ước tính mỗi năm, các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn xã được nhận số tiền hơn 10 triệu đồng nhờ công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tơ Lung Đỗ Xuân Linh cho biết, địa phương thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan định hướng cho người dân sử dụng số tiền nhận được một cách tiết kiệm, cũng như đạt hiệu quả tối đa; trong đó, tập trung vào các mục đích phát triển sinh kế, vươn lên thoát nghèo bằng cách xây dựng mô hình chăn nuôi nhỏ, phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương như nuôi heo sọc dưa, bò sinh sản và đầu tư tái sản xuất nông nghiệp.

Điển hình như hộ gia đình anh A Phai (thôn 7, xã Đăk Tơ Lung) được giao quản lý và bảo vệ 15 ha rừng. Thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, hằng năm, anh A Phai nhận được hơn 11 triệu đồng. Với số tiền này, một phần được anh dùng vào việc phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ rừng như đổ xăng, mua nhu yếu phẩm. Ngoài ra, anh A Phai còn đi học tập kinh nghiệm mô hình nuôi hươu sao ở tỉnh Gia Lai và mô hình của một số hộ gia đình tại xã Tân Lập (huyện Kon Rẫy). Sau khi nắm chắc kỹ thuật nuôi, anh mạnh dạn đầu tư gần 100 triệu đồng, nuôi 4 con hươu sao với mục đích là lấy nhung cung cấp ra thị trường, hướng đến thoát nghèo.

Những tháng đầu năm 2023, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã thu hơn 103 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng; trong đó, 99% nguồn thu từ các thủy điện trên địa bàn. Nhờ nguồn thu này, những bước chân tuần tra rừng càng thêm vững vàng, người dân dần có thể sống dựa vào rừng, tập trung công tác quản lý, bảo vệ rừng, phủ xanh những khoảng đất trống, đồi trọc.

Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum Hồ Thanh Hoàng cho biết, thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo nguồn thu bền vững cho các chủ rừng để bảo vệ và phát triển rừng. Chính sách còn tạo ra nhiều việc làm cho các cộng đồng dân cư thôn, gia đình, nhất là những cộng đồng được nhà nước giao đất, giao rừng, có nhận khoán quản lý bảo vệ rừng. Các diện tích rừng ở các lưu vực cung ứng đã được bảo vệ tốt, không bị xâm lấn. Nhờ đó, rừng được bảo vệ tốt hơn, nhiều tổ đội quần chúng bảo vệ rừng được thành lập, nhiều mô hình phát triển sinh kế được người dân triển khai có hiệu quả. Các cộng đồng dân cư thôn, người dân tự giác bảo vệ rừng.

Khoa Chương

Tin liên quan

Tạo sinh kế cho người dân vùng đệm rừng đặc dụng

Tại Tọa đàm bảo tồn thiên nhiên và phát triển vùng đệm các khu rừng đặc dụng Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng UBND tỉnh Nghệ An tổ chức ngày 29/7 tại Nghệ An, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, lâu nay chúng ta tiếp cận rừng dưới góc độ kỹ thuật lâm sinh, lâm nghiệp mà chưa tiếp cận theo giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng. Đã đến lúc nhìn rừng ở tính đa dụng, đa chức năng, đa văn hóa để phát triển sinh kế cho người dân ở vùng đệm các khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn.


“Vượt nắng, thắng mưa”, làm sạch đất, tạo sinh kế cho người dân tuyến biên giới phía Bắc

Hơn 500 cán bộ, chiến sỹ, nhân viên của các đơn vị đang nỗ lực “vượt nắng, thắng mưa”, vượt qua địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt để rà phá bom mìn, vật nổ phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ; đồng thời, làm “sạch” đất để tạo sinh kế cho người dân Hà Giang.


Chuyển đổi mô hình sinh kế, giảm nghèo bền vững cho miền đất mặn Tân Phú Đông

Huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang, gồm quần thể cù lao nhiễm mặn nằm ở hạ lưu sông Tiền, tiếp giáp biển Đông, từng là vùng căn cứ kháng chiến vững chắc trong suốt hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nơi đây, điều kiện thiên nhiên khắt nghiệt, sản xuất khó khăn, đời sống nhân dân nghèo khó.


Thanh Hóa: Chính sách dịch vụ môi trường rừng tạo sinh kế cho người dân vùng biên

Tỉnh Thanh Hóa đã triển khai có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2012-2023, từ đó góp phần nâng cao nhận thức người dân miền núi trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Nhiều hộ dân miền núi xứ Thanh đã có việc làm kết hợp thực hiện các mô hình sinh kế để tạo thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo



Đề xuất