Kon Rẫy - huyện nghèo đã nỗ lực thoát nghèo thành công

Kon Rẫy - huyện nghèo đã nỗ lực thoát nghèo thành công
Với địa hình đất dốc, bạc màu không mấy thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp, việc tìm hướng đi giúp dân giảm nghèo ở huyện Kon Rẫy là việc khó khăn. Không để “cái khó bó cái khôn”, trong những năm gần đây, Huyện ủy, UBND huyện Kon Rẫy đã mở nhiều hướng đi giúp dân giảm nghèo, góp phần tạo ra những chuyển biến quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Kon Rẫy bây giờ không còn những vạt đồi trơ trọi mà thay vào đó là màu xanh của cao su, cà phê, bời lời, mì, bắp lai, chuối tiêu… đang căng tràn nhựa sống. Những tuyến đường bê tông mới vươn dài vào các thôn làng của các xã Đăk Tờ Lung, Tân Lập, Đăk Ruồng, Đăk Kôi, Đăk Tờ Re... đã và đang minh chứng cho những nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân nơi đây.
Nhiều mô hình làm kinh tế phát triển giúp huyện Kon Rẫy thoát nghèo. Ảnh: Quang Thái - TTXVN
Nhiều mô hình làm kinh tế phát triển giúp huyện Kon Rẫy thoát nghèo.
Ảnh: Quang Thái - TTXVN
Bằng nhiều nỗ lực, đến nay, huyện Kon Rẫy đã phát triển được gần 4.000 ha cao su, 3.000 ha bời lời, gần 500 ha cà phê, 50,21 ha tiêu, hơn 3.200 ha mì, gần 2.000 ha bắp; đàn bò đạt hơn 6.500 con, đàn dê gần 2.000 con, đàn heo trên 13.000 con… Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt 15 - 25 triệu đồng/năm. Với những chủ trương phát triển kinh tế phù hợp với địa phương, sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước thông qua các chương trình chính sách, toàn huyện Kon Rẫy có 2 xã (Đăk Ruồng, Tân Lập) đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã đang hoàn thiện hồ sơ để công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 (Đăk Tơ Lung 19 tiêu chí), 1 xã đạt 15 tiêu chí (Đăk Tờ Re), 1 xã đạt 12 tiêu chí (Đăk Pne), 1 xã đạt 11 tiêu chí (Đăk Kôi). Theo ông Lê Văn Dẫu, Phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Kon Rẫy, công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện trong năm 2019 đã có những bước chuyển biến tích cực. Dù địa phương gặp khó khăn về điều kiện tự nhiên, các nguồn lực thúc đẩy kinh tế phát triển, nhưng với sự nỗ lực của các ngành, cấp, sự tự giác của người dân nên công cuộc thoát nghèo của huyện vẫn gặt hái được những kết quả khả quan. Trong năm 2019, huyện đã giảm được 488 hộ nghèo so với năm 2018; hiện còn 1924 hộ nghèo, cận nghèo (giảm 7,06 % so với kế hoạch hàng năm). Nhiều hộ gia đình người địa phương đã có những mô hình làm kinh tế mang lại giá trị cao như gia đình anh chị A Nuôi và Y Byenh, làng Kon Tơ Neh, xã Đăk Tờ Ve - một trong những hộ đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo là một điển hình. Cũng như nhiều gia đình người dân tộc thiểu số, cái nghèo của gia đình chị Y Byenh là do sinh nhiều con cùng với việc thiếu phương thức phát triển kinh tế dù có đất đai. Nhưng với sự nỗ lực của bản thân, sự hậu thuẫn của chính quyền địa phương, gia đình chị đã vươn lên phát triển kinh tế từ hơn 2 ha sắn, trên 200 cây cao su cộng với cây bời lời rồi chăn nuôi bò, gà vịt… Giờ đây, mỗi năm gia đình chị Y Byenh đã có thu nhập vài chục triệu đồng. Đây thực sự là một số thu nhập không hề nhỏ so với người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Gia đình vợ chồng anh chị A Nuôi và Y Byenh ở làng Kon Tơ Neh là một trong 5 hộ dân ở xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum tự nguyện xin thoát nghèo. Ảnh: Quang Thái- TTXVN
Gia đình vợ chồng anh chị A Nuôi và Y Byenh ở làng Kon Tơ Neh là một trong 5 hộ dân ở xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum tự nguyện xin thoát nghèo. Ảnh: Quang Thái- TTXVN
Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Dẫu, Phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Kon Rẫy chia sẻ, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Kon Rẫy vẫn còn gặp vô vàn khó khăn, thách thức. “Thứ nhất, trình độ dân trí người dân ở đây còn thấp, một số hộ dân còn trông chờ, ỷ lại vào những chính sách của Nhà nước, chưa thực sự có ý thức vươn lên thoát nghèo. Thứ hai, địa hình chia cắt bởi đồi núi nên chưa tập trung được diện tích đất lớn vào phát triển nông nghiệp có yếu tố đầu tư khoa học, kỹ thuật; thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất chưa cao. Thứ ba, chưa xây dựng được các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, mới dừng lại ở mô hình, thí điểm”- ông Dẫu phân tích. Hy vọng, với những kết quả đã đạt được, cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, nhân dân kết hợp với những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong những năm tới, huyện Kon Rẫy sẽ có những bước đột phá về công tác xóa đói giảm nghèo. Làm cầu nối để phát triển vùng kinh tế Kon Plong - Kon Rẫy- thành phố Kon Tum; làm cầu nối phát triển giữa tỉnh Kon Tum - Quảng Ngãi
Quang Thái

Có thể bạn quan tâm