Kịp thời chăm lo, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Kịp thời chăm lo, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Ngày 4/1, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác dân tộc năm 2022, sơ kết 1 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Kịp thời chăm lo, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ảnh 1Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: cema.gov.vn

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cùng các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: Y Vinh Tơr, Nông Quốc Tuấn, Lê Sơn Hải, Y Thông, đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự có đại diện một số bộ, ngành Trung ương, UBND các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi; các vụ, đơn vị trực thuộc Ủy ban Dân tộc.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh Chính phủ vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương tổng kết công tác năm 2022 và triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Năm 2022, Chính phủ đã cùng các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả. Trong những kết quả chung đó, công tác dân tộc, chính sách dân tộc tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm sâu sát. Các bộ, ngành Trung ương và địa phương tích cực phối hợp, tổ chức thực hiện góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo ông Hầu A Lềnh, năm 2022 là năm đầu tiên tổ chức triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030, giai đoạn I: từ 2021 - 2025. Trong năm, Ủy ban Dân tộc đã cùng 15 bộ, ngành được giao nhiệm vụ thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia, đã hoàn thành 32/33 văn bản hướng dẫn; 60 văn bản trao đổi, quy trình… Đây là cơ sở pháp lý để các địa phương triển khai có hiệu quả Chương trình.

Kịp thời chăm lo, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ảnh 2Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.Ảnh: cema.gov.vn

Năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi có chuyển biến tích cực, đúng hướng. Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc luôn nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND và UBND các tỉnh, thành phố. Ban Dân tộc, Cơ quan công tác dân tộc các tỉnh, thành phố luôn chủ động, tích cực tham mưu cho UBND tỉnh trong việc thực hiện chính sách dân tộc, quan tâm chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, kịp thời hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh…

Cùng với việc tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Ủy ban Dân tộc tiếp tục đôn đốc thực hiện các chính sách dân tộc khác còn hiệu lực như: Đề án Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018 - 2025 theo Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016, Quyết định số 771/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Chính sách đối với Người có uy tín theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025 theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ…

Bên cạnh những thuận lợi, việc thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc năm 2022 tại các địa phương cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; thời tiết, thiên tai ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các chính sách dân tộc và công tác chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số…

Kịp thời chăm lo, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ảnh 3Quang cảnh Hội nghị.Ảnh: cema.gov.vn

Trên cơ sở kết quả đạt được trong năm 2022, để Chương trình công tác năm 2023 và các năm tiếp theo đạt được những mục tiêu đề ra, Ủy ban Dân tộc xác định tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Triển khai thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến công tác dân tộc. Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; tập trung xây dựng các đề án, chính sách dân tộc trong Chương trình công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2023 (gồm 7 đề án, chính sách); rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chương trình, chính sách dân tộc để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của chính sách giai đoạn 2021 - 2025...

PV

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm