Kinh tế tư nhân - động lực tạo sự tăng trưởng đột phá cho Thành phố Hồ Chí Minh (Bài 2)

Kinh tế tư nhân - động lực tạo sự tăng trưởng đột phá cho Thành phố Hồ Chí Minh (Bài 2)
Để đạt được mục tiêu trên, cần có những giải pháp mang tính quyết liệt và sự đồng lòng từ cả chính quyền và các doanh nghiệp.

Bài 2 (tiếp theo và hết): Tạo đà để bứt phá

Cải thiện hiệu quả thực thi chính sách
Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cơ chế chính sách về phát triển kinh tế tư nhân hiện nay khá đầy đủ. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và khối tư nhân nói riêng, cần phải nâng cao hiệu quả thực thi của cơ chế, chính sách.
 
Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh phải nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù theo tinh thần của Nghị quyết 54 của Quốc hội (Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh) để phát huy các lợi thế của một trung tâm kinh tế trong việc huy động triệt để mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển kinh tế.

Song song đó, cần hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên cơ sở cải thiện các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh/thành, tạo niềm tin cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh. Triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu và ứng dụng thành tựu khoa học – công nghệ vào sản xuất, đẩy mạnh các dịch vụ hỗ trợ phát triển thị trường để nâng cao khả năng cạnh tranh của từng doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.
Hệ thống máy sản xuất linh kiện nhựa tại nhà máy Công ty cổ phần công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên (Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: An Hiếu - TTXVN
Hệ thống máy sản xuất linh kiện nhựa tại nhà máy Công ty cổ phần công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên (Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: An Hiếu - TTXVN 
 
Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình, các cơ quan chức năng của Thành phố Hồ Chí Minh cũng phải tích cực trong việc đề xuất giải quyết những bất cập trong cơ sở pháp lý và cách thực thi pháp luật của các cơ quan Trung ương, đặc biệt trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, xây dựng và đầu tư.
 
Mặt khác, Thành phố Hồ Chí Minh cũng cần xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích thành phần tư nhân tham gia đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giao thông và tạo sự đột phá trong hình thức đối tác công tư (PPP).
 
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, muốn nâng cao số lượng và chất lượng hoạt động của doanh nghiệp tư nhân, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp không nên chỉ tập trung vào việc thành lập doanh nghiệp mà phải đồng hành, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong suốt thời gian hoạt động. Cụ thể, phải cắt giảm tối đa các loại giấy phép con, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia vào thị trường mua sắm công.
 
Ông Chu Tiến Dũng cũng khuyến nghị, đối với nhiệm vụ thu ngân sách, Thành phố Hồ Chí Minh cần cân nhắc kỹ tác động của việc tăng mức thuế suất đối với doanh nghiệp. Thay vào đó, nên có chính sách nuôi dưỡng nguồn thu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp gia tăng lợi nhuận từ đó sẽ đóng góp nhiều hơn cho ngân sách.
 
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Food cho rằng, để doanh nghiệp tư nhân có thể lớn mạnh, không chỉ cần chính sách hay mà phải đưa được chính sách vào thực tiễn, cắt giảm chi phí thực tế để tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.
 
Theo đó, các chương trình hỗ trợ của Nhà nước không nên phân bổ dàn trải mà có sự chọn lọc, ưu tiên cho các doanh nghiệp có thể sản xuất ra sản phẩm có thể cạnh tranh, thay thế được hàng ngoại nhập. Như vậy chính sách hỗ trợ mới mang lại hiệu quả thực tế và khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư phát triển sản phẩm mới, có chất lượng, góp phần xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường.
 
Nỗ lực từ chính doanh nghiệp
Phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân, bên cạnh nhiệm vụ xây dựng và thực thi chính sách của cơ quan chức năng không thể thiếu sự chủ động của chính các doanh nghiệp.

Các chuyên gia phân tích: Khối kinh tế tư nhân ở Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đều có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Rất nhiều doanh nghiệp được thành lập từ hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, ở đó ông chủ doanh nghiệp kiêm luôn nhiệm vụ quản lý, thậm chí nhân viên kinh doanh. Chưa có nhiều doanh nghiệp đạt được mức độ chuyên môn hóa, phân cấp quản lý và người hoạch định chiến lược. Trong khi đó, muốn phát triển lâu dài, doanh nghiệp phải có tầm nhìn dài hạn.
 
Ông Hoàng Đình Trọng, Chủ tịch Công ty Đào tạo Tư vấn PDCA cho rằng, khác biệt giữa các doanh nghiệp chính là năng suất và tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu. Doanh nghiệp thành công nhờ năng suất làm việc của các thành viên cao, tỷ suất lợi nhuận so với doanh thu cao, nhờ đó họ có thể phát triển bền vững trong thời gian dài và mở rộng địa bàn hoạt động ra nhiều quốc gia khác nhau.
 
Ngược lại, nếu doanh nghiệp có năng suất làm việc thấp, tỷ suất lợi nhuận thấp thì khó duy trì lâu dài. Vì vậy, muốn doanh nghiệp phát triển, người chủ doanh nghiệp phải có giải pháp nâng cao năng suất lao động và tăng tỷ suất lợi nhuận.
 
Một trong những giải pháp giúp “nâng cấp” doanh nghiệp hiệu quả là ứng dụng khoa học công nghệ vào quản trị và sản xuất. Ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội tin học Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nếu hợp lý hóa quy trình quản lý nội bộ, doanh nghiệp Việt Nam có thể tiết kiệm từ 42 -76% chi phí quản lý. Đầu tư công nghệ sản xuất tiên tiến có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm nguyên vật liệu, kiểm soát tỷ lệ tiêu hao, hư hỏng, tồn đọng hàng hóa, từ đó tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh…
 
Từ kinh nghiệm của bản thân, ông Trần Lâm Thắng, Giám đốc Công ty Travi cho rằng, muốn phát triển doanh nghiệp không nên chỉ trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà phải tích cực tự thân vận động. Bởi mấu chốt của một doanh nghiệp thành công lâu dài là chinh phục được khách hàng. Theo đó, doanh nghiệp cần hoàn thiện bộ máy nhân sự, quy trình sản xuất để cho ra sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Đồng thời, thường xuyên đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, có giá trị gia tăng và lợi nhuận cao.
 
Chung quy lại, để phát triển bền vững doanh nghiệp tư nhân phải hoàn thiện chính mình trước, sau đó mới có thể vận dụng hiệu quả các chính sách ưu đãi của nhà nước. Nói cách khác, vai trò của Nhà nước là tạo ra lộ trình thông thoáng để “những cỗ xe” doanh nghiệp có thể chạy nhanh hơn và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước./.
  Xuân Anh
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm