Kinh tế tập thể góp phần làm thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp Kiên Giang

Kinh tế tập thể góp phần làm thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp Kiên Giang

Nhằm phát huy vai trò nòng cốt của kinh tế tập thể và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, những năm qua, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang đã tập trung phát triển nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác để định hướng nông dân có hướng đi phù hợp, sản xuất hiệu quả, góp phần làm thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Kinh tế tập thể góp phần làm thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp Kiên Giang ảnh 1Thu hoạch lúa Đông Xuân 2020 - 2021 ở xã Định Hòa, huyện nông thôn mới Gò Quao (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Theo ông Nguyễn Văn Thế, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang, sau khi Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể được ban hành, các nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện; nhiều hợp tác xã được thành lập mới và hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực cho việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 513 hợp tác xã, 2.228 tổ hợp tác; tạo việc làm cho hơn 12.600 lao động.

Đến nay trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã xây dựng trên 100 mô hình sản xuất, bao gồm mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, mô hình nâng cao năng suất. Mô hình ứng dụng công nghệ cao dần được hình thành, sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Việc bảo vệ môi trường nông thôn có bước đột phá lớn, nhất là vấn đề rác thải ở khu dân cư và cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh- sạch- đẹp. Đến cuối năm 2021 thu nhập bình quân khu vực nông thôn ước đạt trên 50 triệu đồng/người năm, tăng 3,9 lần so với năm 2002.

Kiên Giang đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang cây trồng khác và kết hợp nuôi thủy sản được 32.864 ha. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái và điều kiện tự nhiên đã mang lại hiệu quả cao hơn, đồng thời tăng cường chuyển đổi cơ cấu giống, ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa để tăng năng suất, chất lượng và giảm chi phí sản xuất. Tỉnh đã giảm dần diện tích lúa vụ 3 còn 78.674 ha, giảm 20.160 ha so với thời điểm chưa tái cơ cấu nông nghiệp. Diện tích lúa chất lượng cao từ 438.626 ha lên 520.243 ha, tăng 81.617 ha. Sản lượng lúa năm 2021 đạt hơn 4,5 triệu tấn, vượt 4,98% so kế hoạch.

Dịch chuyển cơ cấu kinh tế nông nghiệp, Kiên Giang đã đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất, nhằm giảm tổn thất, giá thành, nâng cao số lượng và chất lượng. Năm 2002 tỉnh chưa có trạm bơm điện, đến năm 2021 đã hỗ trợ 1.182 trạm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; trong sản xuất đã cơ bản cơ giới hóa trên 98%, máy phun xịt thuốc, phân bón, cấy lúa là 30.888 cái đảm bảo phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Đối với trồng rau màu và cây ăn quả, đã nâng từ 18.029 ha lên 22.900 ha, tăng 4.871 ha, diện tích tăng phần lớn do cải tạo vườn tạp và chuyển đổi đất kém hiệu quả. Cây ăn trái phát triển ngày càng ổn định, mang lại nguồn thu nhập khá cho nhà vườn với nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Kiên Giang còn chú trọng phát triển ngành thủy sản tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển nhanh hình thức nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp với 3.200 ha; diện tích trồng lúa chuyển sang mô hình tôm - lúa đến năm 2021 tăng 28,4% về diện tích và tăng 50,6% về sản lượng. Việc chuyển đổi diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang mô hình tôm - lúa đã mang lại hiệu quả cho người sản xuất, từ thu nhập bình quân khoản 50 triệu đồng/ha, tăng lên từ 100 - 130 triệu đồng/ha.

Hiệu quả kinh tế tập thể

Chủ tịch Liên Minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang Trần Thanh Dũng cho biết, trong tổng số 513 hợp tác xã, có 52 hợp tác xã hoạt động tiêu biểu theo tiêu chí “tổ chức sản xuất” của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Theo đó, các hợp tác xã trong lĩnh vực xây dựng, thương mại dịch vụ và lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp đã hình thành một số hợp tác xã có cách làm hay, khởi nghiệp sáng tạo, tận dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương, phát huy nghề truyền thống sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ đan đệm bàng, đan lục bình, mây tre đan, sản xuất rượu và các loại bánh truyền thống của địa phương, trong đó sản phẩm của 8 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp được cấp chứng nhận OCOP.

Từ đó, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã năm 2020 - 2021 đều tăng so với năm 2002. Doanh thu bình quân của hợp tác xã đạt trên 8,1 tỷ đồng/năm/hợp tác xã; thu nhập bình quân của thành viên đạt 56 triệu đồng/người/năm; thu nhập bình quân của lao động đạt 51 triệu đồng/người/năm.

Theo ông Trần Thanh Dũng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Kiên Giang, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong tỉnh bên cạnh thuận lợi, có không ít khó khăn, thách thức, vì vậy thời gian tới tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; tổng kết các mô hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động hiệu quả sản xuất gắn với chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh để nhân rộng; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để tăng cường liên kết, tư vấn, cung ứng dịch vụ cho thành viên, thành lập các câu lạc bộ hợp tác xã chuyên ngành để tập hợp và liên kết với nhau.

Với tinh thần tự lực, tự cường, năng động sáng tạo, Liên minh hợp tác xã Kiên Giang và các thành viên phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục đổi mới, quyết tâm khắc phục khó khăn, đồng tâm hiệp lực, đoàn kết nhất trí, chung sức, chung lòng, tương trợ, hợp tác cùng nhau ra sức thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Kiên Giang ngày càng giàu mạnh.

Lê Sen

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm