Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới từ Trấn Yên

Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới từ Trấn Yên
Các ngành, đoàn thể của xã Vân Hội, huyện Trấn Yên ký cam kết thực hiện “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”
Các ngành, đoàn thể của xã Vân Hội, huyện Trấn Yên ký cam kết thực hiện “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Trấn Yên, việc tuyên truyền, vận động người dân, cộng đồng dân cư phát huy tính chủ động, tích cực tham gia luôn được chú trọng. Đối với những tiêu chí mà sự tham gia, vào cuộc của người dân là nhân tố quyết định như tiêu chí về hộ nghèo, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm, thu nhập..., huyện Trấn Yên chủ động triển khai, vận động sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Ở Trấn Yên, phong trào xây dựng xã hội học tập đang góp phần tạo lập những thiết chế văn hóa mới, những sinh hoạt cộng đồng sôi nổi gắn liền với phát triển kinh tế-xã hội, mang lại hiệu quả cao. Đến nay, Trấn Yên đã có 2 mô hình cộng đồng học tập cấp xã. Huyện phấn đấu trong năm 2017 đạt 5 mô hình cộng đồng học tập cấp xã; 70% số hộ, 70% số dòng họ và trên 60% số thôn, bản được công nhận gia đình, dòng họ, thôn, bản học tập. Ông Nguyễn Khánh, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Trấn Yên cho biết: Bên cạnh các gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập, huyện Trấn Yên còn thành lập được 6 câu lạc bộ khuyến học như các câu lạc bộ: Khuyến học và phát triển ngành nghề cây trồng, vật nuôi; khuyến học tiếng nói chữ viết dân tộc gắn với phát triển kinh tế- xã hội; khuyến học các làn điệu hát giao duyên, dệt vải yếm áo người Dao… Sự tham gia tích cực của người dân giúp cho phong trào xây dựng đời sống văn hóa thêm khởi sắc, góp phần thiết thực để xây dựng nông thôn mới ở Trấn Yên. Việc vận động nhân dân tham gia hiến đất, đóng góp công lao động để xây dựng các công trình phúc lợi tại địa phương được coi là kinh nghiệm quý trong việc huy động sức dân, phát huy được hiệu quả tích cực đối với một huyện nghèo. Những con đường giao thông nông thôn đã hoàn thành nhờ sự đóng góp đất đai, sức người, sức của, sự quyết tâm, đồng lòng của người dân chính là minh chứng rõ nét nhất. Xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cuối năm 2016. Đến nay, toàn bộ trục đường xã, liên xã ở Bảo Hưng đã được kiên cố hoá; hơn 70% đường trục xóm, thôn được trải nhựa và bê tông hoá giúp cải thiện đáng kể việc đi lại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Để có được kết quả đó, hơn 1,5 ha đất đã được nhân dân xã Bảo Hưng tự nguyện hiến tặng cùng tiền của và nhiều ngày công, biến các tuyến giao thông trước kia luôn là nỗi ám ảnh của nhiều người khi đến với Bảo Hưng giờ được thay thế toàn bộ bằng những con đường bê tông, đường trải nhựa. Ông Nguyễn Xuân Cầu, Chủ tịch UBND xã Bảo Hưng cho biết, một trong những tiêu chí khó nhất của chương trình xây dựng nông thôn mới của xã chính là giao thông nông thôn, bởi nó cần nguồn vốn đầu tư lớn. Nhưng nhờ sự đồng thuận của người dân, việc huy động được sức dân, việc tham gia trực tiếp của người dân là yếu tố then chốt để có được thành công, để Bảo Hưng có được diện mạo nông thôn mới khang trang, đẹp đẽ như ngày hôm nay. Việc triển khai và thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình, các nguồn vốn, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn các xã, đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình hỗ trợ giảm nghèo bền vững, tập trung các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất… được huyện Trấn Yên xác định chính là trọng tâm giải quyết các vấn đề khó khăn nhất trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở vùng cao, đó là nguồn vốn và việc hoàn thành tiêu chí nâng cao mức thu nhập của người dân. Bà Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên cho biết, một trong những kinh nghiệm trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Trấn Yên là đa dạng hóa và huy động được tối đa các nguồn lực để thực hiện chương trình; lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ trên địa bàn huyện. Huyện cũng huy động vốn đầu tư của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư trên địa bàn; khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; phát huy hiệu quả nguồn lực tại chỗ, huy động nội lực của người dân và điều kiện địa phương để đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phát triển sản xuất. Từ việc giải quyết từng bước những khó khăn, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được quan tâm đầu tư, nhiều công trình quan trọng đã được xây dựng. Đến nay, ở Trấn Yên, tất cả các tuyến đường đến trung tâm xã đã được cứng hoá, 330km đường liên thôn được mở mới và cứng hóa. Tất cả các xã trên địa bàn huyện đều đã có hệ thống lưới điện quốc gia; hệ thống các công trình thủy lợi, hồ đập, hệ thống đê bao được đầu tư nâng cấp, góp phần thiết thực thúc đẩy sản xuất của nhân dân. Tại huyện Trấn Yên đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt như vùng tre Bát Độ gần 2.000 ha, vùng quế hơn 12.000 ha, vùng trồng dâu hơn 250 ha, bước đầu hình thành vùng trồng cây ăn quả có múi hơn 500 ha…. Các hình thức tổ chức sản xuất được đổi mới; việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất và liên kết trong sản xuất dần hình thành và phát triển đã góp phần tăng năng suất, sản lượng và giá trị các sản phẩm. Diện mạo nông thôn ở Trấn Yên đang thay đổi từng ngày. Đến nay, huyện Trấn Yên có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 6 xã đạt từ 10 đến 15 tiêu chí và 9 xã còn lại đạt từ 7 đến 9 tiêu chí. Huyện phấn đấu đến năm 2020, tất cả các xã đạt đủ các tiêu chí, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái. Để đạt được mục tiêu đó, từ nay đến năm 2020, huyện Trấn Yên xác định phải hoàn thành cơ bản việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cho các xã; đảm bảo toàn bộ hệ thống giao thông từ huyện đến trung tâm xã, đường liên xã được cứng hóa; nâng thu nhập của người dân nông thôn tăng 1,5 lần so với năm 2015; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 50% và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 12%. Bên cạnh đó, huyện quan tâm nâng cao chất lượng y tế, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao mức hưởng thụ đời sống tinh thần cho người dân... Sự quyết tâm cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở; sự đồng lòng, ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân, vì mục tiêu chung là đem lại lợi ích cho người dân một cách thiết thực chính là “chìa khóa” mang lại những hiệu quả tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở huyện vùng cao Trấn Yên.
Đinh Hữu Dư

Có thể bạn quan tâm