Kinh nghiệm ứng dụng công nghệ quốc tế vào nông nghiệp Việt Nam

Kinh nghiệm ứng dụng công nghệ quốc tế vào nông nghiệp Việt Nam
Ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp: kinh nghiệm từ Israel và Nhật Bản

- Isarel - quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến nhất thế giới

Mô hình áp dụng công nghệ thông tin vào nông nghiệp được nhắc nhiều trên thế giới là ở Isarel - quốc gia đã làm nên điều kỳ diệu về nền nông nghiệp xanh công nghệ cao trên hoang mạc.

Có diện tích rất nhỏ, trên 20.000 km2, nhưng Israel lại được mệnh danh là “thung lũng silicon” của thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ nước. Chỉ với 2,5% dân số làm nông nghiệp nhưng Israel là một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, khoảng trên 3 tỷ USD nông sản. Nếu như năm 1955, mỗi nông dân Israel nuôi được trung bình 15 người thì đến nay mỗi nông dân có thể nuôi được hơn 150 người khác.

Tính riêng trong lĩnh vực trồng trọt, quốc gia có 2/3 diện tích lãnh thổ là sa mạc này đã có năng suất tăng vượt trội nhờ ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. Sau khi đã nạp đủ thông tin về độ ẩm, không khí, đất đai, tuổi và nhu cầu tăng trưởng, bằng phần mềm điều khiển tự động, chất dinh dưỡng theo các ống dẫn nước tưới nhỏ giọt cho từng gốc cây, gốc rau. Hệ thống này tự động đóng mở van khi độ ẩm của rễ cây đạt tới mức nhất định thông qua các cảm biến điện tử. Hầu như toàn bộ các khâu từ canh tác đến thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ hiện nay ở Israel đều được áp dụng CNTT.

Người nông dân có thể tự quản lý toàn bộ các khâu sản xuất với diện tích canh tác 5-6 nghìn hécta mà không còn phải làm việc ngoài đồng ruộng. Theo đó, chỉ cần một chiếc máy tính bảng hay điện thoại thông minh có kết nối mạng, các thiết bị cảm ứng và phần mềm điều khiển tự động từ xa sẽ giúp nông dân biết vườn cây nào cần bón phân gì, số lượng bao nhiêu, diện tích nào cần tưới nước, tưới bao nhiêu là vừa. Căn cứ vào các dữ liệu đó, máy tính sẽ cho nông dân biết cần phải điều chỉnh các chỉ tiêu nào và mọi hoạt động đều được điều khiển thông qua các thiết bị thông minh.

Đến nay, vùng sa mạc Arava khô cằn nhất Israel, lượng mưa chỉ 20 mm/năm đã trở thành vùng sản xuất rau quả hết sức trù phú. Một hécta đất có thể cho năng suất hơn 3 triệu bông hồng, hay hơn 500 tấn cà chua mỗi vụ; mỗi năm, một con bò của Israel cho tới 11 tấn sữa.

- Nhật Bản - khẳng định vai trò của một cường quốc về nông nghiệp

Với lợi thế phát triển về công nghiệp điện tử, nền nông nghiệp của Nhật Bản cũng được hỗ trợ mạnh mẽ bằng những sản phẩm công nghệ cao. Cho tới nay, Nhật Bản đã áp dụng CNTT trong rất nhiều công đoạn sản xuất nông nghiệp.

Đơn cử như Hệ thống định vị toàn cầu, lắp đặt các thiết bị GPS để tiếp nhận thông tin truyền qua vệ tinh của các máy kéo, máy liên hợp và máy móc thiết bị nông nghiệp khác, đã giúp hoạt động canh tác nông nghiệp được vận hành chính xác. Mạng lưới cảm biến được sử dụng để đo nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, carbon dioxide hay những yếu tố cần thiết giúp phát triển tốt nhất một số cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu. Mạng lưới này đi kèm với những điều chỉnh tự động trong hệ thống thông gió, che chắn ánh sáng và các yếu tố khác giúp duy trì mức độ carbon dioxide phù hợp nhất để phát triển và hỗ trợ môi trường tối ưu cho từng loại cây trồng. Song, trợ thủ đắc nhất đối với người nông dân ở quốc gia này là robot nông nghiệp - công nghệ tiên tiến được sử dụng để tự động hóa sản xuất. Không chỉ tự động lựa chọn và thu hoạch nông sản, robot còn làm thay những công việc khác như tiếp xúc với thuốc trừ sâu hay hóa chất.

Nhằm giúp người nông dân có thể tiếp thị sản phẩm một cách chủ động, Nhật Bản cũng xây dựng hệ thống điều hành thương mại nông sản điện tử giúp cho việc phân phối nông sản, giám sát và phân tích thị trường được nhanh chóng, chính xác và khoa học.

Nguyên Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama cho biết, việc ứng dụng CNTT là điều kiện tiên quyết để quản lý hiệu quả tất cả các quy trình, nó chính là chìa khóa cho Chính phủ trong việc nắm bắt tình hình nông nghiệp của đất nước, xác định được bao nhiêu trong số cây trồng đó là cần thiết, sản lượng tại các khu vực và hợp tác xã nông nghiệp như thế nào và sau đó mới quyết định loại và khối lượng tối ưu để phát triển.

Tại Việt Nam

Đến nay, nhiều mô hình, giải pháp ứng dụng CNTT trong ngành nông nghiệp đã được triển khai và đem lại hiệu quả tích cực như: sàn giao dịch nông sản, hệ thống thông tin nông nghiệp, giải pháp ứng dụng CNTT trong chăn nuôi và hệ thống giám sát môi trường nông nghiệp…

Sử dụng công nghệ SmartAgri trong trồng dưa lưới tại Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Nguồn ảnh: qdnd.vn
Sử dụng công nghệ SmartAgri trong trồng dưa lưới tại Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Nguồn ảnh: qdnd.vn

Hiện cả nước có 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các tỉnh: Hậu Giang, Phú Yên và Bạc Liêu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thẩm định và công nhận cho 25 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tính đến tháng 3-2017, có 15 dự án ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp đang được Nhà nước hỗ trợ với số vốn 156,3 tỷ đồng. Tính từ tháng 6-2016 đến 2-2017, cả nước đã có 25 dự án đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với số vốn 21.200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại cuộc hội thảo “Phát triển nông nghiệp chất lượng, hiệu quả” mới diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2017 do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, bất cập.

Mặc dù ứng dụng công nghệ cao giải quyết phần nào những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, thế nhưng người nông dân vẫn còn lo ngại đầu tư công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Bởi họ sợ rủi ro trong quá trình sản xuất, cũng như không phải người nông dân nào cũng có điều kiện đầu tư công nghệ cao vào sản xuất, vì giá các sản phẩm công nghệ nhập nội rất cao. Do đó, rất cần những sản phẩm công nghệ của người Việt, phù hợp cho người Việt. Các nhà khoa học trong nước cần tạo ra những sản phẩm công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp với giá thành rẻ để nông dân ứng dụng công nghệ cao một cách rộng rãi.

Mặt khác, vẫn còn tồn tại một bất cập, đó là, trong thời đại công nghệ như hiện nay, người sản xuất nông nghiệp lại không biết nhiều về công nghệ, trong khi người làm công nghệ thông tin lại không biết nhiều về nông nghiệp. Hai bên không gặp nhau thì không bao giờ đẩy được năng suất nông sản lên được. Chính vậy, các nhà khoa học trong nước không chỉ tạo ra sản phẩm công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp ngay tại trong nước với giá thành rẻ, mà cần đơn giản hóa sản phẩm để người nông dân dễ sử dụng.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần có cách tiếp cận mới

Trước đây, nói tới nông nghiệp công nghệ cao là chỉ nói tới dáng dấp của nhà kính, nhà lưới, là tự động hóa. Tuy nhiên hiện nay khái niệm ấy ngày càng rộng, bao gồm cả sự kết hợp của nhiều lĩnh vực như sinh học, vật lý, viễn thám, kỹ thuật nanô. Vì vậy phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại nước ta giai đoạn tới cũng phải có cách tiếp cận mới.

Theo đánh giá của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát (cũng tại cuộc hội thảo “Phát triển nông nghiệp chất lượng, hiệu quả”), thời gian qua, nhiều chính sách dành cho nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều bất cập, điều đó có thể do chính sách chưa ổn hoặc do việc triển khai chưa tốt. Bởi vậy, theo ông Cao Đức Phát, thời gian tới để nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền nông nghiệp, các bộ, ngành cần rà soát, sửa đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp theo hướng cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận chính sách, đồng thời sửa đổi Luật Đất đai, tháo gỡ khó khăn để hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy cho rằng, cần khuyến khích các doanh nghiệp thành lập trung tâm, viện nghiên cứu, tham gia thực hiện các nhiệm vụ có hỗ trợ từ ngân sách nhà nước như các đơn vị nghiên cứu độc lập; hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp liên kết với các tổ chức công nghệ để thúc đẩy quá trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. “Đặc biệt, yếu tố quan trọng nhất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao là thị trường. Bên cạnh đó cần tăng cường đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại để giúp doanh nghiệp tiếp cận với thị trường, định hướng sản xuất doanh nghiệp cho phù hợp với nhu cầu thị trường”, bà Thủy nhấn mạnh.

Có thể nói, ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ giúp tháo gỡ triệt để những hạn chế của tình trạng sản xuất manh mún, giá trị gia tăng thấp, chất lượng và sản lượng không đồng đều của ngành nông nghiệp nước ta hiện nay. Hạ tầng mạng của nước ta cơ bản phủ sóng các vùng miền - điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ. Nông dân tại các vùng chuyên canh lớn cũng có ý thức ứng dụng công nghệ, nhất là CNTT vào quá trình canh tác, chăn nuôi. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp có thể sẽ không đem lại nguồn lợi nhanh chóng như một số lĩnh vực khác, nhưng là nguồn lợi bền vững và có tính lan tỏa cao, doanh nghiệp nên nắm bắt cơ hội này.
Lan Khanh (tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm