Kinh nghiệm sớm về đích nông thôn mới của huyện Triệu Sơn

Nhà văn hoá thôn 11, xã Thọ Bình, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa), được đầu tư khang trang, hiện đại. Ảnh: baothanhhoa.vn
Nhà văn hoá thôn 11, xã Thọ Bình, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa), được đầu tư khang trang, hiện đại. Ảnh: baothanhhoa.vn

Từ việc bàn bạc công khai dân chủ, niêm yết thanh quyết toán công khai công trình tại nhà văn hóa thôn, đến việc lãnh đạo chủ chốt các xã cũng trực tiếp đến tận nhà dân tuyên truyền, vận động việc xây dựng nông thôn mới..., với những cách làm này đã tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, qua đó giúp huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã sớm về đích nông thôn mới trước 1 năm so với kế hoạch.

Kinh nghiệm sớm về đích nông thôn mới của huyện Triệu Sơn ảnh 1Nhà văn hoá thôn 11, xã Thọ Bình, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa), được đầu tư khang trang, hiện đại. Ảnh: baothanhhoa.vn

Xác định mục tiêu xây dựng nông thôn mới là phải nâng cao mức sống, mức hưởng thụ cho người dân, huyện Triệu Sơn đã xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ các hộ gia đình tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hỗ trợ khoa học kỹ thuật cho các mô hình nhà lưới, nhà màng.... với kinh phí lên đến hàng trăm tỷ đồng trong 11 năm qua. Qua đó, các hộ dân đã đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh góp phần xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, tại các xã miền núi, bán sơn địa như xã Bình Sơn, Thọ Bình, Triệu Thành... do nguồn lực của các xã này còn khó khăn nên ngoài những cơ chế, chính sách khuyến khích của trung ương, của tỉnh, huyện còn có thêm các cơ chế hỗ trợ nguồn lực như xã được hưởng 80% tiền từ sử dụng đất nộp ngân sách nhà nước. Các xã này đạt chuẩn nông thôn mới được thưởng 500 triệu đồng và được ưu tiên hỗ trợ nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, mạng lưới điện, trường học, trạm xá...

Bên cạnh đó, để huy động thêm nguồn lực, các xã cũng kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn xã, người con xa quê hỗ trợ xây dựng nông thôn mới. Qua đó, tổng nguồn vốn được huy động trong 11 năm để xây dựng nông thôn mới trên toàn huyện đạt hơn 9.752 tỷ đồng; trong đó, có khoảng 6.876 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư từ nhân dân.

Ông Lê Phú Quốc, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn cho biết, việc xây dựng nông thôn mới muốn thành công, trước hết phải tạo sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân. Với những cá nhân còn chưa thông suốt, cán bộ huyện, chủ tịch UBND, bí thư đảng ủy xã cũng đến tận các gia đình này để vận động tuyên truyền. Nếu bất đồng về quyền lợi thì phải đưa ra các giải pháp phù hợp để mọi người đều có lợi trong việc xây dựng nông thôn mới. Với những gia đình khó khăn, các xã sẽ sử dụng ngân sách từ nguồn xã hội hóa, kinh phí tài trợ của doanh nghiệp, con em xa quê… để đồng lòng xây dựng nông thôn mới.

Ông Dương Văn Giang, Phó Chánh văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa cho biết, Triệu Sơn là một trong những huyện có cách làm khoa học, sáng tạo và đưa ra các giải pháp, các chương trình kế hoạch rất sát với thực tế. Từ đó, Triệu Sơn đã phát huy tối đa sự vào cuộc của người dân nên đã đẩy nhanh được tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Là địa phương xa nhất so với trung tâm huyện, nhưng nông thôn mới đã đem lại diện mạo mới cho xã Bình Sơn từng rất nhiều khó khăn so với thời điểm khoảng 5 năm trước. Trở lại xã vùng 135 những ngày này, dễ bắt gặp hình ảnh những vạt chè trải dài tít tắp trên các triền đồi, ở mọi thôn làng trên địa bàn xã. Mỗi năm, xã có khoảng 3 tấn chè khô được doanh nghiệp bao tiêu, chưa kể người dân bán tự bán ra thị trường.

Những dãy núi đồi trùng điệp trước đây chưa được khai thác thì nay đã được người dân địa phương phát triển kinh tế hiệu quả. Gần 1.000 ha đất lâm nghiệp đã được xã hợp tác liên kết với các công ty, doanh nghiệp trong tỉnh để trồng nguyên liệu giấy, trồng rừng gỗ lớn. Trên các cánh rừng, hoạt động chăn nuôi phát triển mạnh với hàng chục nghìn gia súc, gia cầm được nuôi thả, 800 đàn ong cho thu hoạch khoảng 7.000 lít mật mỗi năm.

Đến thời điểm này, xã Bình Sơn đã có 4 sản phẩm OCOP gồm chè sạch, mật ong, trà xanh túi lọc và trà gai leo túi lọc và là một trong những xã có nhiều sản phẩm OCOP nhất tỉnh Thanh Hoá. Trong xây dựng nông thôn mới, xã đã huy động hơn 212 tỷ đồng để hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới.

Về thăm xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn - một xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào những ngày này sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của một vùng quê thuần nông. Giờ đây, Vân Sơn đã khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn mới. Con đường dẫn vào trung tâm xã đã được nhựa hóa rộng rãi, sạch, đẹp.

Xã đã có hơn 30 km đường thôn và đường dân sinh được bê tông hóa; trong đó, có hơn 20 km đường hoa và cây bóng mát trải dài các ngả đường trong xã, những hàng rào hoa dây leo xen lẫn sắc trắng của những bức tường vôi mới, những khu vườn mẫu với mô hình rau sạch, nhà lưới, vườn cây ăn quả, những vườn đào cảnh xanh mướt. Trường học, công sở, hội trường xã khang trang, sạch đẹp. Xã cũng gắn 36 camera giám sát an ninh tại các điểm trọng yếu về an ninh trật tự.

Ông Hoàng Trọng Cường, Bí thư Đảng ủy xã Vân Sơn cho biết, khi làm nông thôn mới, Thường vụ Đảng ủy xã đã giao nhiệm vụ, công việc cụ thể cho từng cá nhân, từng tập thể, và phải bám sát cơ sở như Hội phụ nữ thực hiện trồng hoa ven đường, hội cựu chiến binh tham gia đảm bảo an ninh trật tự, cho từng tổ, đội. Khi triển khai thì cán bộ, đảng viên phải là người gương mẫu đi đầu để nhân dân noi theo. Đồng thời, cán bộ cũng phải xắn tay vào từng công việc cụ thể.

Với cách làm này, xã Vân Sơn đã vận động nhân dân hiến được hàng chục nghìn mét vuông đất, đóng góp hàng chục nghìn ngày công và hỗ trợ kinh phí trên 400 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Đại Đông ở thôn 4, xã Vân Sơn, Triệu Sơn, năm nay, với 48 năm tuổi Đảng, ông luôn gương mẫu trong việc xây dựng nông thôn mới như đóng góp kinh phí, ủng hộ mua châu hoa, cây cảnh, quét đường xá… Từ ngày xây dựng nông thôn mới, đường làng ngõ xóm, phong cảnh trong làng sạch sẽ, an ninh trong nông thôn được đảm bảo, nên người dân ở đây cũng rất phấn khởi.

Với những kinh nghiệm, cách làm sáng tạo trên, đến nay Triệu Sơn không chỉ hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trước thời hạn một năm mà đang nỗ lực phấn đấu tiếp tục duy trì ổn định và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới.

Huyện cũng phấn đấu đến năm 2025 có 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 12% xã nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người đạt 75 triệu đồng/năm. Toàn huyện có trên 50 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Duy Hưng-Khiếu Tư

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm