Trồng chè giúp bà con vùng cao Con Cuông tăng thu nhập

Trồng chè giúp bà con vùng cao Con Cuông tăng thu nhập
Vùng trồng chè tại xã Yên Khê (Con Cuông, Nghệ An). Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN
Vùng trồng chè tại xã Yên Khê (Con Cuông, Nghệ An). Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN
Đến cánh đồng trồng chè của gia đình ông Nguyễn Công Huynh, xã Yên Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) những ngày này ai cũng đang tất bật thu hoạch chè. Theo từng luống trồng chè, có ba người đang dùng máy để cắt những ngọn chè xanh biếc, một số người khác lại thu gom ngọn chè đã cắt cho vào từng bao tải lớn để chờ thương lái tới thu mua. Mồ hôi đầm đìa, song ai cũng phấn khởi bởi đây là nguồn thu nhập chính của bà con nhân dân nơi đây từ nhiều năm nay. Ông Nguyễn Công Huynh cho biết, trước đây đất ở dưới chân núi này rất khô cằn, trồng các loại cây màu khác đều cho năng suất rất thấp, đời sống kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Năm 2011, được sự vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng của chính quyền địa phương, gia đình ông bắt đầu chuyển sang trồng cây chè. Hiện gia đình ông có 1,7 ha chè đến thời kỳ thu hoạch, sau khi trừ chi phí, trung bình hàng năm cho thu nhập từ 50 – 70 triệu đồng. Theo nhiều hộ dân, cây chè rất phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây, dễ chăm sóc và chi phí đầu tư ít. Bằng phương pháp trồng giâm cành, chỉ sau 2-3 năm là có thể thu hoạch. Cây chè mỗi năm cho thu hoạch 7 lứa, mỗi lứa cách nhau từ 30 - 45 ngày. Nếu thời tiết thuận lợi, năng suất chè càng cao, trung bình khoảng 4 - 5 tấn/ha. Hiện nay, giá bán bình quân 4- 5 ngàn đồng/kg, so với các cây trồng khác thì trồng chè cho thu nhập cao và ổn định hơn nhiều.
Người dân xã miền núi Yên Khê đóng bao chè đã thu hoạch bán cho thương lái. Ảnh: Tá Chuyên – TTXVN
Người dân xã miền núi Yên Khê đóng bao chè đã thu hoạch bán cho thương lái. Ảnh: Tá Chuyên – TTXVN
Đặc biệt, người trồng chè không lo đầu ra, trong những năm gần đây, chè búp rất được ưa chuộng, các thương lái tới tận vườn để thu mua. Bên cạnh đó, các gia đình trồng chè tại xã Yên Khê cũng đã đầu tư máy cắt chè để vừa thu hoạch cho gia đình vừa kiếm thêm thu nhập từ việc cho thuê máy, người thu hái cũng có thu nhập cao từ tiền công. Hiện toàn xã Yên Khê có khoảng 20 chiếc máy cắt chè. Ông Vi Văn Đậu, Chủ tịch UBND xã Yên Khê cho biết, Yên Khê là địa phương có 70% là đồng bào dân tộc Thái, còn lại là đồng bào dân tộc Kinh, Đan Lai (nhóm địa phương thuộc dân tộc Thổ) và Ê Đê. Phát huy lợi thế của địa phương, những năm qua, chính quyền xã Yên Khê đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển các loại cây trồng mũi nhọn là cây chè và cây cam. Để khuyến khích người dân trồng chè, Nhà nước cũng đã hỗ trợ 400 đồng/ bầu chè, hỗ trợ tiền làm đất 5 triệu đồng/ha. Đến nay, Yên Khê đã trở thành xã trồng chè trọng điểm của huyện Con Cuông với hơn 200 hộ trồng chè, trên diện tích 245 ha, tổng sản lượng chè hàng năm trên 2.000 tấn. Nhờ phát triển cây chè, không chỉ thoát nghèo mà đời sống người dân ở đây được nâng cao, nhiều hộ còn giàu lên một cách chính đáng. Năm 2015, xã Yên Khê là xã miền núi đầu tiên của huyện Con Cuông đạt chuẩn nông thôn mới. Theo ông Vi Văn Đậu, hiện người trồng chè tại xã Yên Khê cũng đang gặp phải một số khó khăn nhất định, trong đó khó khăn nhất là nguồn nước tưới chè vào mùa nắng nóng. Bởi Yên Khê nằm dọc dưới chân núi, vào mùa khô đất phía dưới bị nứt nẻ, trong khi nước khe cũng rất ít, dễ dẫn đến cây chè bị chết cháy. Mong muốn lớn nhất của người trồng chè hiện nay là Nhà nước cần có hướng hỗ trợ cho người dân tìm được nơi có nguồn nước và đào giếng lấy nước tích trữ để tưới chè trong mùa nắng nóng. Ông Lô Văn Lý, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Con Cuông cho biết, huyện Con Cuông hiện có 357 ha trồng chè, tập trung ở các xã Yên Khê, Bồng Khê và Chi Khê. Từ trồng chè, đời sống kinh tế của người dân ngày càng ổn định. Trong thời gian tới, trên cơ sở các địa phương có thổ nhưỡng phù hợp với trồng chè, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Con Cuông sẽ chỉ đạo các địa phương tích cực tuyên truyền, động viên người dân mở rộng diện tích trồng chè, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, từ nguồn hỗ trợ 100 triệu đồng của tỉnh Nghệ An, huyện Con Cuông cũng đang tích cực lập kế hoạch xây đập chứa nước để khắc phục tình trạng thiếu nước tưới trong mùa nắng nóng ở các vùng có diện tích trồng chè.

Tá Chuyên

Có thể bạn quan tâm