Trồng chanh leo cho giá trị kinh tế cao

Trồng chanh leo cho giá trị kinh tế cao
Cây chanh leo tại vườn huyện Hướng Hóa cho nguồn thu nhập cao hơn so với loại cây trồng khác trên cùng một đơn vị diện tích. Ảnh : quangtritv.vn
Cây chanh leo tại vườn  huyện Hướng Hóa cho nguồn thu nhập cao hơn so với loại cây trồng khác trên cùng một đơn vị diện tích. Ảnh : quangtritv.vn

Ông Lê Đình Phức, chủ trang trại trồng chanh leo dưới chân đèo Sa Mù ở thôn Xa Ri, xã Hướng Phùng, huyện miền núi Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) cho biết, với 1 ha chanh leo, sản lượng bình quân mỗi năm trên 20 tấn chanh thành phẩm. Hiện giá bán trên thị trường khoảng 15.000 đồng/kg. Doanh thu mỗi năm đạt trên 300 triệu đồng/ha.

Năm đầu tiên, sau khi trừ chi phí đầu tư khoảng 180 triệu đồng trồng 500 cây giống và hệ thống cơ sợ hạ tầng (giàn, lưới B40 rào bảo vệ xung quanh, cột, thép căng giàn, hệ thống ống tưới nhỏ giọt, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, điện), lãi sẽ là 120 triệu đồng. Những năm tiếp theo, do không tốn chi phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bình quân mỗi ha chanh leo lãi ròng khoảng 250 triệu đồng/năm.

Cây chanh leo cho thu hoạch sau thời gian trồng khoảng 7 tháng với thời gian sống từ 3 - 4 năm và cho thu hoạch quanh năm. Mỗi tháng, chanh leo cho thu hoạch trên 1,5 tấn/ha, trọng lượng bình quân khoảng 15 - 16 quả/kg; trong đó, khoảng 40 % quả đạt trọng lượng và chất lượng để xuất khẩu.

Ông Lê Đình Phức cho biết thêm, theo đánh giá các chuyên gia của Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc (chi nhánh tại Nghệ An) là đơn vị cung cấp cây giống và bao tiêu sản phẩm cho trang trại, do được trồng trên cao, điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng phù hợp để cây phát triển nên chất lượng chanh của người dân huyện miền núi Hướng Hóa màu sắc đẹp, hương vị thơm ngon, đạt trọng lượng, chất lượng để xuất khẩu sang thị trường khó tính châu Âu.

Chanh leo là loại cây khó trồng, nhiều bệnh nên đòi hỏi người trồng phải chăm sóc, theo dõi hàng ngày để kịp thời phát hiện và xử lý dịch bệnh. Trường hợp dịch bệnh được phát hiện sớm và xử lý kịp thời sẽ không gây hại đến sự phát triển, năng suất, sản lượng và chất lượng của cây. Xét hiệu quả kinh tế với các loại cây trồng khác trên địa bàn huyện, cây chanh leo có giá trị kinh tế cao hơn, nhanh thu hồi vốn và dễ phòng trừ dịch bệnh.

Do đó, thời gian tới, gia đình ông Phức sẽ đầu tư hệ thống lưới chống côn trùng và tia tử ngoại, chăm bón hữu cơ, sản xuất nông sản sạch để nâng giá trị sản phẩm. Dự kiến, giá chanh leo hữu cơ khoảng 30.000 đồng/kg, sản lượng 15 tấn/năm nên mỗi ha chanh leo doanh thu khoảng 450 triệu đồng. Trừ chi phí, năm đầu tiên lãi trên 250 triệu đồng, 2 năm tiếp theo mỗi năm lãi trên 300 triệu đồng/ha.

Tuy mới xuất hiện trên địa bàn 1 - 2 năm, nhưng hiện huyện Hướng Hóa có gần 50 hộ dân tham gia trồng khoảng 32 ha chanh leo, cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước khoảng 500 tấn/năm, với giá cả thị trường khoảng 15.000 đồng/kg với doanh thu đạt khoảng 7,5 tỷ đồng/năm.

Trịnh Bang Nhiệm

Có thể bạn quan tâm