Tiền Giang ứng dụng kỹ thuật thâm canh, nâng cao hiệu quả chuyên canh cây sầu riêng

Tiền Giang ứng dụng kỹ thuật thâm canh, nâng cao hiệu quả chuyên canh cây sầu riêng
Tiền Giang xây dựng vùng chuyên canh sầu riêng ở huyện Cai Lậy. Ảnh:Nguyễn Minh Trí - TTXVN
Tiền Giang xây dựng vùng chuyên canh sầu riêng ở huyện Cai Lậy.
Ảnh:
Nguyễn Minh Trí - TTXVN
Nhờ cây sầu riêng, từ một xã thuần nông nghèo khó, Tam Bình đã vươn lên, đi đầu trong công cuộc phát huy tiềm năng đất đai, lao động và xây dựng nông thôn mới theo chuẩn quốc gia. Năm 2015, Tam Bình là một trong những xã đầu tiên của tỉnh được công nhận là xã nông thôn mới. Để phát huy tiềm năng và thế mạnh cây sầu riêng, xã Tam Bình phải làm một cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật thực sự trong canh tác. Nông dân Tam Bình đoạn tuyệt với kiểu canh tác cổ truyền dựa vào kinh nghiệm, thay vào đó chú trọng áp dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật mới trong thâm canh nhằm đạt năng suất, sản lượng cao, vừa nâng được sức cạnh tranh của sản phẩm tham gia thị trường trong nước và xuất khẩu. Hai giống sầu riêng chất lượng cao đang được trồng phổ biến ở Tam Bình, Cai Lậy là Mong thong và Ri 6. Nhiều ứng dụng kỹ thuật mới đang được ứng dụng rộng rãi và hiệu quả trong thâm canh sầu riêng như: sản xuất theo tiêu chí GAP, đầu tư lắp đặt hệ thống tưới phun tiết kiệm nước tự động điều khiển từ xa theo công nghệ Israel, sử dụng các chế phẩm và phân bón vi sinh trong canh tác... Ông Nguyễn Văn Của, ấp Bình Hòa B có vườn sầu riêng rộng 3.500 m2 trồng giống Mong Thong chia sẻ: Gia đình tôi đầu tư gần 30 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới phun tự động. Khi tưới chỉ cần bật điện lên và sử dụng điều khiển tự động là mô tơ hoạt động tưới nước cho cây. Tưới như thế chỉ mất có 15 phút trong khi trước kia cần từ 1 đến 2 lao động kéo ống dẫn tưới cả khu vườn mất gần một ngày trời. Có người còn cài đặt hệ thống điều khiển tưới phun tự động vào máy điện thoại di động có thể sử dụng tưới theo ý muốn khi đi họp hành hoặc bận việc. Theo khảo sát của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang, các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trong thâm canh cây sầu riêng tại xã Tam Bình đã giúp giảm chi phí, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế - xã hội lớn, đời sống nhân dân nâng lên. Ví dụ, ứng dụng hệ thống tưới phun tiết kiệm nước tự động điều khiển từ xa theo công nghệ Israel giúp tiết kiệm 50% lượng nước tưới, 90% công lao động và tăng thu nhập bình quân từ 5-10% so với sản xuất truyền thống. Bài toán thiếu lao động nông nghiệp hiện nay ở các vùng nông thôn được giải quyết một cách căn cơ. Sự nhạy bén của người nông dân trước những thời cơ và vận hội mới đổi đời từ loại cây trồng này đã mở ra tương lai giàu đẹp cho cả một vùng đất. Sầu riêng là cây ăn quả mỗi năm cho một vụ trái. Trước đây, vụ chính vào khoảng tháng 5, tháng 6 âm lịch, bà con thu hoạch rộ thường mất giá do trùng với mùa vụ của nhiều loại trái cây khác ở phía Nam. Hiện nay, kỹ thuật xử lý rải vụ được nông dân áp dụng rất thành công. Người dân địa phương có sáng kiến dùng mũ nilon đậy gốc sầu riêng để kích thích cho cây ra hoa vào khoảng tháng 3 âm lịch; sau 4 tuần dỡ bỏ mũ nilon và chăm sóc cây. Khi cây ra hoa, nông dân phải thụ phấn, tỉa thưa trái… để có những trái to, đẹp, chất lượng đồng đều theo yêu cầu thị trường. Đến tháng 9, 10 âm lịch, nông dân có thể thu hoạch vụ nghịch, bán giá cao gấp 3 – 4 lần sầu riêng chính vụ. 100% diện tích sầu riêng ở Tam Bình đều áp dụng kỹ thuật xử lý rải vụ, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của cây sầu riêng. Trồng theo tiêu chí Viet GAP, Global GAP là định hướng mới đang được khuyến khích. Theo Chủ tịch UBND xã Tam Bình Nguyễn Văn Lâm, địa phương đã thành lập được hai Tổ hợp tác trồng sầu riêng Bình Hòa B và Bình Hòa A. Các tổ này đóng vai trò tập hợp nông dân, chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến theo hướng Viet GAP, Global GAP nhằm đảm bảo an toàn sản phẩm, đảm bảo sức khỏe, khắc phục ô nhiễm môi trường và truy xuất được nguồn gốc. Trong đó, Tổ hợp tác trồng sầu riêng Bình Hòa B đã được cấp chứng nhận Global GAP trên tổng diện tích 21,1 ha và 35 hộ trồng sầu riêng. Ông Võ Văn Hăng, là tổ viên Tổ hợp tác sầu riêng Bình Hòa B canh tác 3.000 m2 sầu riêng đã được 15 năm. Khu vườn trên trước đây làm ruộng lúa năng suất cao nhưng thu nhập từ lúa thấp, giá bán bấp bênh, cuộc sống khó khăn. Từ khi chuyển đổi sản xuất sang lập vườn trồng sầu riêng đặc sản, thu nhập tăng lên gấp nhiều lần. Ông Hăng cho biết, trung bình mỗi năm, gia đình ông thu 5 tấn quả, bán giá 60.000 đồng/kg, thu 300 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi ròng trên 200 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Của, Tổ trưởng Tổ hợp tác sầu riêng Bình Hòa B cho biết, sản xuất theo tiêu chí Global GAP là hướng đi tất yếu đối với nông dân trồng sầu riêng trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Qua áp dụng các tiêu chí, trình độ canh tác, nhận thức về sự phát triển bền vững, bảo vệ môi sinh môi trường, sức khỏe và truy xuất nguồn gốc của nhân dân vùng chuyên canh nâng lên. Trái sầu riêng hàng hóa tăng được khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Tam Bình cây sầu riêng đã góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp – nông dân – nông thôn. Từ một xã nghèo khó, là vùng căn cứ kháng chiến chống Mỹ bị bom đạn tàn phá nặng nề, sau 44 năm miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Tam Bình đã vươn lên, trở thành xã nông thôn mới, cuộc sống nhân dân ấm no, hạnh phúc. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Cao Văn Hóa, đánh giá, hiện nay, diện tích sầu riêng chuyên canh toàn tỉnh trên 9.000 ha, tập trung tại các huyện vùng ngập lũ là Cai Lậy, thị xã Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước... Các biện pháp thâm canh hiệu quả đang được áp dụng rộng rãi trong toàn vùng chuyên canh. Khoa học công nghệ đang phát huy vai trò đắc lực đối với nền nông nghiệp hàng hóa thích ứng biến đổi khí hậu mà thành công trên cây sầu riêng của Tam Bình là minh chứng rất cụ thể.
Minh Trí

Có thể bạn quan tâm