Hiệu quả từ những mô hình hiện đại hóa nghề cá ở Tiền Giang

Hiệu quả từ những mô hình hiện đại hóa nghề cá ở Tiền Giang
Tiền Giang là địa phương có điều kiện tự nhiên phù hợp với nghề đánh bắt hải sản xa bờ với 32 km bờ biển, án ngữ hai cửa sông lớn là Soài Rạp ở phía Bắc và Cửa Tiểu ở phía Nam. Nghề khai thác hải sản là thế mạnh, nghề truyền thống góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho nhiều lao động tại các địa phương của tỉnh như: Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, thành phố Mỹ Tho… 
Đội tàu cá công suất lớn khai thác xa bờ của ngư dân. Ảnh: Nguyên Lý-TTXVN
 Đội tàu cá công suất lớn khai thác xa bờ của ngư dân. Ảnh: Nguyên Lý-TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang Nguyễn Văn Danh đánh giá, Tiền Giang chọn nghề đánh bắt xa bờ là nghề phát triển kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Nghề "vươn khơi, bám biển" vừa đảm bảo an sinh xã hội, khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương, tạo nên sự thịnh vượng, sung túc cho những làng nghề nổi tiếng ở Tiền Giang như: thị trấn Vàm Láng, xã Tân Thành, xã Tân Phước (huyện Gò Công Đông); phường 2, phường Tân Long (thành phố Mỹ Tho).

Tuy nhiên, khai thác hải sản trên biển không phải lúc nào cũng thuận lợi bởi luôn tiềm ẩn rủi ro, vất vả. Trong quá trình hành nghề trên biển khơi xa, ngư dân đối mặt nhiều khó khăn, thách thức trong các khâu: nước ngọt luôn trong tình trạng thiếu, thiếu phương tiện máy móc hiện đại dò tìm luồng cá, làm sao tiết giảm chi phí đi biển trong tình hình giá nhiên liệu tăng cao… Những khó khăn này đã  làm hạn chế khả năng bám ngư trường dài ngày.

Hiện nay, bài toán khó này đã có lời giải nhờ tỉnh coi trọng khuyến khích đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, hiện đại hóa nghề đánh bắt hải sản xa bờ. Nhiều mô hình, dự án hiện đại hóa nghề đánh bắt xa bờ đang phát huy hiệu quả, góp phần tạo chuyển biến mới trong diện mạo kinh tế biển ở Tiền Giang.

Năm 2017 – 2018, Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang phối hợp với Công ty SDViCo giới thiệu và triển khai mô hình “Ứng dụng máy lọc nước biển thành nước ngọt trên tàu khai thác hải sản xa bờ”. Mô hình đạt kết quả khả quan, nhận được sự ủng hộ tích cực từ ngư dân. Hiện tỉnh đã nhân rộng trên 60  phương tiện, mỗi phương tiện trang bị một máy.

Công suất của máy có thể lọc 80  – 150 lít nước ngọt/giờ. Mỗi ngày máy lọc từ 1m3 – 2 m3 nước ngọt đủ phục vụ thuyền viên trên tàu. Việc trang bị máy lọc nước biển thành nước ngọt giúp tàu thu mua, dịch vụ hậu cần không phải vận chuyển nước ngọt từ bờ cung cấp cho các tàu khai thác. Cách làm này giảm chi phí chuyên chở, đảm bảo chất lượng, vệ sinh.

Thạc sĩ Huỳnh Văn Thảo (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang) cho biết, máy lọc nước biển thành nước ngọt sử dụng công nghệ lọc nước RO (thẩm thấu ngược) là công nghệ lọc tiên tiến và triệt để nhất hiện nay. Các khe hở của màng lọc RO có kích thước cỡ 0,001 micromet giống cơ chế hoạt động của thận người sẽ loại bỏ 99,98% chất rắn hòa tan, vi khuẩn, những phần tử nhỏ và hợp chất hữu cơ khác để đạt được nước tinh khiết, tiêu chuẩn nước uống của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn khi uống.

Việc ứng dụng máy lọc nước biển thành nước ngọt trên tàu cá giúp ngư dân chủ động nguồn nước uống trong các chuyến biển dài ngày, yên tâm vươn khơi, bám biển. Máy nhỏ, gọn, lắp đặt linh hoạt, không làm ảnh hưởng không gian tàu, ít hao tổn điện năng và sử dụng nguồn điện trực tiếp trên tàu, lắp đặt đơn giản, dễ vận hành và bảo trì thiết bị.

Anh Nguyễn Văn Hân, chủ tàu đánh bắt xa bờ, thành phố Mỹ Tho lắp 4 máy lọc nước loại 150 lít nước ngọt/giờ cho 4 tàu dịch vụ hậu cho biết, từ khi lắp máy lọc nước anh không tốn chi phí vận chuyển nước ngọt từ bờ để cung cấp cho các tàu khai thác. Chỉ cần cập tàu, chuyền ống và xả van nước có thể cung cấp nước ngọt cho tàu bạn. Giá máy không quá cao, từ 49 – 64 triệu đồng/máy (tùy công suất lọc nước) phù hợp điều kiện kinh tế của ngư dân.

Thạc sĩ Huỳnh Văn Thảo đánh giá, mô hình ứng dụng máy lọc nước biển thành nước ngọt trên tàu khai thác hải sản xa bờ ở địa phương phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu nước ngọt trên biển đối với thuyền viên, cải thiện điều kiện làm việc trên tàu.

Bên cạnh đó, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được ứng dụng rộng rãi tại các phương tiện khai thác xa bờ của ngư dân như: sử dụng máy dò ngang Sonar tìm luồng cá, sử dụng bóng đèn compact tiết kiệm điện trong nghề lưới vây kết hợp ánh sáng… Từ nguồn kinh phí Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, tỉnh trang bị 8 máy dò ngang Sonar cho 8 phương tiện đánh bắt xa bờ, trang bị hàng trăm bóng đèn tiết kiệm điện công suất 200 W thay thế  bóng đèn cao áp 1.000 W trên các tàu lưới vây kết hợp ánh sáng chong đèn dẫn dụ cá.

Các tàu cá ứng dụng máy dò ngang Sonar giúp tăng sản lượng đánh bắt 50%/chuyến biển. Bóng đèn tiết kiệm điện giúp tiết kiệm 60% nhiên liệu dùng thắp sáng, bình quân khoảng 50 lít dầu/đêm. Nhiều phương tiện đánh bắt xa bờ trang bị hầm bảo quản sản phẩm bằng công nghệ PU Foams giúp kéo dài thời gian bảo quản từ 7 - 10 ngày so bình thường, giảm lượng nước đá hao hụt từ 20% xuống chỉ còn từ 2% - 4%/chuyến biển.

Nhiều thiết bị hiện đại như rada hàng hải, trang bị máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp với định vị vệ tinh GPS… là “vật bất ly thân” đối với tàu đánh bắt xa bờ. Những ứng dụng này giúp ngư dân chủ động phối hợp đánh bắt, tiêu thụ sản phẩm ngay trên biển, ứng phó sự cố và cứu hộ, cứu nạn; đảm bảo an toàn khi hoạt động, tăng hiệu quả thông tin liên lạc giữa các phương tiện.

Ngư dân Huỳnh Văn Sạch, thị trấn Vàm Láng cho biết, gia đình được hỗ trợ tích cực từ ngành thủy sản, tạo điều kiện để ngư dân tham gia lớp tập huấn kỹ thuật sử dụng máy móc, thiết bị hiện đại, phương pháp đánh bắt an toàn, chuẩn hóa trình độ, cấp bằng thuyền trưởng, máy trưởng đủ điều kiện hành nghề ngoài khơi, yên tâm hoạt động. Hiện năng suất đánh bắt được nâng lên, thu nhập cải thiện. Gia đình ông có 3 phương tiện khai thác xa bờ, mỗi năm bám biển khơi từ 8 - 10 tháng, trừ chi phí còn trên 300 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, việc tổ chức lại sản xuất, hình thành các tổ đội đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển cũng là nét mới trong nghề biển Tiền Giang, mở ra triển vọng trong việc vươn khơi, bám biển, nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội cho ngư dân vừa giữ gìn chủ quyền biển đảo Tổ quốc trên thềm lục địa phía Nam. Toàn tỉnh hiện có 42 tổ hợp tác, 1 hợp tác xã khai thác hải sản thu hút 369 tàu thuyền và 3.256 thuyền viên.

Tổ khai thác thủy sản Chí Tâm (huyện Gò Công Đông) quy mô 6 hộ ngư dân và 7 phương tiện đánh bắt. Tổ trưởng Võ Văn Xồi cho biết, trước đây, các hộ làm ăn riêng lẻ, chi phí cao, thu nhập bấp bênh, gặp nhiều rủi ro. Việc hợp tác trong khai thác, đánh bắt giúp giảm chi phí, tăng thời gian bám biển và hiệu quả kinh tế. Hàng năm, lợi nhuận đội tàu của tổ đạt trên 1 tỷ đồng.

Hiện đội tàu đánh bắt của tỉnh Tiền Giang chủ yếu hành nghề lưới kéo và lưới vây kết hợp ánh sáng. Tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng và đánh bắt hàng năm trên 288.000 tấn tôm cá các loại.
Minh Trí 

Có thể bạn quan tâm