Tiền Giang chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây ăn quả đặc sản

Tiền Giang chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây ăn quả đặc sản
Xây dựng vùng chuyên canh sầu riêng trên vùng ngập lũ. Ảnh : Nguyễn Minh Trí - TTXVN
Xây dựng vùng chuyên canh sầu riêng trên vùng ngập lũ.
Ảnh : 
Nguyễn Minh Trí - TTXVN
Theo báo cáo của UBND huyện Cái Bè, chỉ trong vòng 3 năm qua (2016 – 2018) toàn huyện chuyển đổi 2.945 ha đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm; trong đó mít Thái là trên 1.700 ha, sầu riêng trên 600 ha, còn lại là các cây ăn quả khác. Diện tích chuyển đổi tập trung vùng nằm giữa phía Nam đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (dự kiến đang xây dựng) và bắc Quốc lộ 1, vùng phía Bắc tuyến đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuân đang xây dựng, diện tích ruộng đan xen vườn trong các tuyến dân cư vượt lũ... Dự kiến trong năm 2019, toàn huyện chuyển đổi thêm trên 1.300 ha và năm 2020 tiếp tục chuyển đổi thêm 1.170 ha đất lúa nằm trong các khu ô bao khép kín hoặc đất trong các khu vực tiếp giáp các khu dân cư sang trồng cây lâu năm. Hiện nay, một số diện tích cây mít chuyên canh trồng trước đây tại Cái Bè đã cho thu hoạch ổn định với giá trị lợi nhuận mang lại cho nông dân lên đến trên 1 tỷ đồng/ha/năm, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân, đáp ứng nhu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và thích ứng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc chuyển đổi sản xuất trong thời gian qua chủ yếu mang tính tự phát, dễ đưa đến hệ lụy làm phá vỡ quy hoạch sử dụng đất của xã chưa kể nhiều hộ nông dân tự chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm trong vùng quy hoạch sản xuất lúa gây khó khăn trong quản lý điều tiết nước, dẫn đến tranh chấp nguồn nước trong vùng đan xen giữa trồng lúa và trồng cây ăn trái. Ngoài ra, do thiếu hệ thống đê bao ngăn lũ và triều cường bảo vệ nên vườn cây sẽ bị thiệt hại nặng nếu có thiên tai xảy ra. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Bè, địa phương kiến nghị các cấp, các ngành hữu quan điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất từ đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm đối với diện tích nằm giữa phía Nam đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Bắc Quốc lộ 1 do sản xuất lúa kém hiệu quả lại đan xen với vườn cây ăn trái hiện hữu. Đối với vùng phía Bắc đường cao tốc có điều kiện chuyển đổi trồng cây ăn trái như các khu vực ô bao khép kín trong các cụm, tuyến dân cư, vùng xen với vườn cây ăn trái và vùng có hệ thống thủy lợi đảm bảo cho vườn chuyên canh. Riêng đối với vùng quy hoạch chuyên lúa theo mô hình cánh đồng lớn cần tăng cường quản lý, không cho người dân tự ý chuyển đổi một cách tràn lan và tự phát như hiện nay.
Minh Trí

Có thể bạn quan tâm