Tiềm ẩn nhiều hệ lụy từ tình trạng ồ ạt trồng mít Thái

Tiềm ẩn nhiều hệ lụy từ tình trạng ồ ạt trồng mít Thái

Mít Thái giá tăng cao, nông dân lại đua nhau trồng. Ảnh: Hoàng Thị Nhị - TTXVN
Mít Thái giá tăng cao, nông dân lại đua nhau trồng.
Ảnh: Hoàng Thị Nhị - TTXVN

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Cao Văn Hóa, chỉ tính trong 2 năm gần đây, các huyện phía Tây đã chuyển gần 2.500 ha đất lúa sang trồng mít Thái, nâng diện tích trồng mít Thái toàn tỉnh lên 6.000 ha. Diện tích cây trồng này vẫn chưa dừng lại ở đó mà còn tiếp tục tăng nhanh theo thời gian.

Nông dân Trần Văn Phải, cư ngụ tại ấp Bình Hưng, xã Bình Phú, huyện Cai Lậy chuyển đổi khoảng 1 ha đất lúa sang trồng chuyên canh mít Thái cho biết, chi phí đầu tư ban đầu khoảng 300 triệu đồng; sau 2 năm, mít đã cho thu hoạch. Với giá bán từ 30.000 đến 50.000 đồng/kg tùy theo thời điểm trong năm, trừ chi phí, mỗi ha cho lợi nhuận ròng từ 700 đến 850 triệu đồng – một nguồn thu nhập rất hấp dẫn trong tình hình giá lúa bấp bênh. Ông Phải cũng cho biết, tại ấp Bình Hưng, bà con đã chuyển khoảng 15 ha đất lúa sang trồng mít Thái siêu sớm.

Tương tự, ông Bùi Văn Dễ, cư ngụ tại ấp Bình Long, xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, trồng 1,7 ha mít Thái. Tranh thủ mít Thái đang hút hàng, nhu cầu cây giống lớn, ông còn học cách ghép mít và cung ứng cây giống cho bà con trong vùng phục vụ việc chuyển đổi cây trồng trên địa bàn.

Ông Dễ cho biết, bình quân mỗi năm cung ứng cho thị trường 72.000 cây mít Thái giống chất lượng, thu 1,152 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi ròng 576 triệu đồng. Cộng cả hai nguồn thu từ bán trái và cây giống, mỗi năm ông lãi ròng đến 2 tỷ đồng.

Mặc dù, lợi nhuận cao nhưng người trồng mít Thái vẫn lo sợ về thị trường tiêu thụ không chắc chắn, trong khi nông dân đua nhau trồng tràn lan, không theo quy hoạch. Theo ông Cao Văn Hóa, sở dĩ có tình trạng “đua nhau trồng mít Thái” bởi mít Thái trong những năm qua có giá, dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí thấp nên lợi nhuận cao hơn hẳn nhiều loại cây trồng khác, đặc biệt là cây lúa.

Ông Cao Văn Hóa so sánh, nếu năm 2016, lợi nhuận thu được từ cây mít Thái bình quân chưa đến 40 triệu đồng/ha, bằng khoảng 1,3 lần so với cây lúa; còn năm 2018, lợi nhuận bình quân của cây mít Thái mỗi năm đạt 604 triệu đồng/ ha, gấp 10,9 lần cây lúa. Lợi nhuận mang lại là động lực thúc đẩy nông dân địa phương ồ ạt chuyển đất trồng lúa sang trồng mít Thái.

Tuy nhiên, đã có nhiều bất cập trong việc phát triển trồng mít tràn lan, rõ nhất là việc chuyển đổi rời rạc, không theo quy hoạch, không tuân thủ khuyến cáo của ngành chức năng. Trong khi hệ thống thủy nông vùng ngập lũ chủ yếu phục vụ mục tiêu thâm canh lúa. Do vậy, chuyển đổi từ lúa sang mít Thái một cách tự phát, thiếu hệ thống thủy lợi tưới tiêu thì nguy cơ bị thiệt hại lớn khi có lũ lụt xảy ra. Chưa kể việc điều tiết nước tưới không đồng bộ giữa một bên là cây lúa và một bên là cây mít Thái, khó kiểm soát côn trùng gây hại, ảnh hưởng đến việc sản xuất trong nội bộ ngành trồng trọt địa phương.

Ngoài ra, việc liên kết sản xuất – tiêu thụ các sản phẩm trồng trọt thời gian qua tại các địa phương vùng ngập lũ phía Tây chỉ thực hiện trên cây lúa. Còn rau, quả nói chung thì việc tiêu thụ chủ yếu thông qua thương lái, các chợ đầu mối nên ảnh hưởng thị trường rất lớn. Chỉ riêng về giá tiêu thụ, vừa qua, có lúc mít Thái giảm còn 16.000 đến 18.000 đồng/kg do nhiều loại trái cây khác ở Nam bộ đang vào thời điểm thu hoạch chính vụ. Trước đây, đã có lúc giá mít Thái xuống chỉ còn 5.000 – 6.000 đồng/kg.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, đối với cây mít Thái, ngành đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp tổng thể, từ tuyên truyền, vận động đến rà soát quy hoạch, lập các đề án, dự án khả thi; có giải pháp chuyển giao về kỹ thuật, về khoa học công nghệ; đồng thời tổ chức lại sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị gắn với xúc tiến thương mại..

 
Minh Trí

Có thể bạn quan tâm