Thuốc bảo vệ thực vật như dao hai lưỡi

Thuốc bảo vệ thực vật như dao hai lưỡi
Nông dân xã Hòa An, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên phun thuốc trừ sâu bệnh. Ảnh: Thế Lập - TTXVN
Nông dân xã Hòa An, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên phun thuốc trừ sâu bệnh.
Ảnh: Thế Lập - TTXVN
Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp sạch có lợi thế là người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao để bảo đảm mua được các sản phẩm an toàn, bởi thế việc giữ thói quen sản xuất không an toàn sẽ khiến cho người nông dân bị thua thiệt trên chính sân nhà. Trong bối cảnh nền nông nghiệp chuyển mạnh từ tự sản tự tiêu sang sản xuất hàng hóa cấp độ cao, tham gia chuỗi thực phẩm toàn cầu thì một trong những nỗi lo là tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, đòi hỏi công tác bảo vệ thực vật phải có những hướng đi mới phù hợp với yêu cầu thực tế.Vẫn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật Trải qua gần 60 năm hình thành phát triển, không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của hệ thống ngành bảo vệ thực vật (BVTV) trong đó có việc bảo vệ tốt năng suất cây trồng, ngăn chặn các dịch hại, góp phần đưa đất nước trở thành quốc gia hàng đầu về xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp với tổng giá trị 36,2 tỷ USD năm 2017. Trong đó, riêng ngành trồng trọt chiếm tới hơn 20 tỷ USD về kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường còn trăn trở bởi tình trạng lạm dụng thuốc BVTV vẫn còn tồn tại dẫn đến làm tăng giá thành nông sản, tác động không nhỏ tới môi trường. Chia sẻ tại hội nghị “Định hướng về công tác bảo vệ thực vật trong tình hình mới”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Trước thách thức của biến đổi khí hậu, nguy cơ làm gia tăng dịch bệnh đối với cây trồng và những đòi hỏi yêu cầu về chất lượng sản phẩm trồng trọt từ thị trường, đòi hỏi công tác BVTV phải có sự thay đổi, khắc phục tình trạng lạm dụng thuốc BVTV, giảm giá thành sản phẩm, gia tăng chất lượng nông sản, đồng thời bảo vệ tốt môi trường. Để làm điều này, ngành trồng trọt cần hướng tới giảm sử dụng phân bón hóa học, tăng sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học… Về vấn đề này, ông Hoàng Trung, Cục trưởng BVTV (Bộ NN-PTNT) cho biết, trong thời gian qua, ngành BVTV cũng tập trung áp dụng tiến bộ kỹ thuật, mô hình sản xuất thân thiện với môi trường để triển khai, nhân rộng đến nông dân, cụ thể như: Chương trình ba giảm ba tăng, một phải năm giảm và mô hình “công nghệ sinh thái” được nhiều tỉnh triển khai trên gần hai triệu ha/năm từ nhiều nguồn kinh phí hỗ trợ khác nhau; Năm 2017 tổ chức được 1.123 lớp tập huấn và triển khai nhiều mô hình với khoảng 87 nghìn lượt nông dân tham gia. Chương trình thâm canh lúa cải tiến (SRI) vẫn tiếp tục được nhân rộng với diện tích gần 700 nghìn ha, đã mở gần 700 lớp huấn luyện nông dân và có khoảng 1,5 triệu nông dân ứng dụng. Chương trình gieo sạ né rầy: hầu hết các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ áp dụng lịch gieo sạ né rầy để chỉ đạo, hướng dẫn nông dân xuống giống trên diện tích gieo cấy khoảng 3,2 triệu ha/3 vụ/năm. Tuy nhiên, trong tình hình mới, có một số yếu tố đã và đang phát sinh ảnh hưởng đến hoạt động của ngành BVTV, trong những năm gần đây biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng rõ nét. Hạn hán, lũ lụt, mưa trái mùa, mùa đông ấm, rét đậm kéo dài,… tác động mạnh mẽ đến sản xuất trồng trọt, không những làm ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng của cây trồng, mà còn làm bùng phát nhiều sinh vật gây hại (SVGH) mới hoặc thay đổi quy luật phát sinh gây hại của SVGH. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu được sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng ngày càng cao, việc tổ chức sản xuất nông nghiệp phải khoa học hơn, trong đó chú trọng việc sử dụng cân đối giữa phân bón vô cơ và hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc BVTV hóa học là vấn đề cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một bộ phận lớn nông dân chỉ quan tâm đến năng suất, lợi nhuận mà không chú ý đến chất lượng nông sản. Vì thế, việc lạm dụng thuốc BVTV hóa học và phân bón vô cơ vẫn đang diễn ra ở nhiều địa phương. Ngoài ra, nhiều nước tham gia các Hiệp định thương mại tự do đang sử dụng triệt để các hàng rào kỹ thuật ở mức rất cao, cả về kiểm dịch thực vật (KDTV) và ATTP để bảo vệ sản xuất của họ. Cụ thể là về mặt KDTV, các nước hầu như đòi hỏi nước xuất khẩu phải cung cấp một bộ tài liệu kỹ thuật rất chi tiết về thành phẩn dịch hại, biện pháp phòng trừ, sản lượng, phân bố vùng trồng.Hướng tới sản xuất sạch Theo ông Hoàng Trung, trước xu thế và nhu cầu về sản xuất sạch, bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường, công tác quản lý vật tư nông nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Cục BVTV đang đứng trước rất nhiều thách thức. Cụ thể, phải có một Danh mục thuốc BVTV thực sự hiệu quả, an toàn và thân thiện với môi trường. Để làm được điều này, trước mắt là phải quản lý chặt đầu vào khảo nghiệm và loại bỏ được các loại thuốc kém chất lượng, độc hại với con người và môi trường. Tuy nhiên cơ sở dữ liệu và các căn cứ khoa học liên quan đến vấn đề này còn thiếu rất nhiều. Vì vậy, việc loại bỏ thuốc BVTV ra khỏi danh mục gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, số lượng thuốc BVTV trong danh mục hiện nay còn đang mất cân đối, chủ yếu là thuốc phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa, các đối tượng cây trồng khác chưa được tập trung phát triển. Bên cạnh đó, số lượng nhà máy sản xuất (735 nhà máy) cũng như sản phẩm phân bón (gần 20 nghìn sản phẩm) đang rất lớn và mất cân đối, chủ yếu là phân bón vô cơ. Đặc biệt, hiện tồn tại hơn 200 chỉ tiêu chất lượng bao gồm cả vi sinh và hóa lý được công bố áp dụng cho các sản phẩm phân bón nhưng lại không có phương pháp thử được phê duyệt trong nước đang tạo ra áp lực không nhỏ cho công tác quản lý nhà nước. Ngoài ra, việc lạm dụng thuốc BVTV hóa học và phân bón vô cơ của người dân vẫn đang rất đáng báo động, dẫn đến các nguy cơ về mất ATTP, gây ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất và đặc biệt là tình trạng kháng thuốc của SVGH. Để xử lý tốt hơn vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: cần phải giảm lượng thuốc BVTV. Hiện, chúng ta đang sử dụng khoảng 100 nghìn tấn/năm. Trong đó, việc đầu tiên cần phải tập trung vào nhóm thuốc trừ cỏ; nhóm thuốc trừ sâu, trừ bệnh, nhóm có độc tố cao mà được sản xuất từ những năm trước và đến bây giờ không còn phù hợp với sinh thái; nhóm thuốc sử dụng rất nhiều trên một đối tượng cây trồng. Bên cạnh đó, cần phải kiểm soát chặt thuốc nhập lậu qua biên giới. Song song với đó, phải chấn chỉnh mạng lưới thuốc BVTV. Phải minh bạch và phải quản lý thông qua các chi cục BVTV địa phương. Đối với người sản xuất, cần tuyên truyền cho bà con vào sản xuất chuỗi. Có như vậy, bà con nông dân sẽ tuân thủ theo nguyên tắc phun thuốc đúng bệnh, đúng thời điểm, đúng liều lượng, đúng đối tượng. Tránh tình trạng cứ có sâu là dùng thuốc. Đồng thời, cần có các chính sách khuyến khích các nhà sản xuất, phân phối và người nông dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Khuyến khích các DN khảo nghiệm nghiên cứu, mở rộng sản xuất các nhóm thuốc BVTV sinh học để thay thế dần nhóm thuốc hóa học…. Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Trung cho rằng, cần tiếp tục rà soát, quản lý chặt chẽ vật tư nông nghiệp ở tất cả các khâu từ khảo nghiệm, đăng ký đến sử dụng. Kiên quyết loại bỏ các loại vật tư nông nghiệp kém chất lượng, gây hại cho sức khỏe con người và môi trường ra khỏi danh mục. Ngành nông nghiệp phấn đấu đến năm 2021, tăng lượng phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp để sử dụng trong nước ít nhất là ba triệu tấn/năm và xuất khẩu đạt 0,5 triệu tấn/năm; tăng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ so với tổng số sản phẩm phân bón từ 5% hiện nay lên 10%. Rút ngắn 30% số lượng tên thương phẩm trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam; tăng 30% lượng thuốc BVTV sinh học được đăng ký và sử dụng.
Theo nhandan.com.vn

Có thể bạn quan tâm