Tạo nguồn nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao

Tạo nguồn nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao
Thương lái thu mua sầu riêng ở xã Long Trung, huyện Cai Lậy. Ảnh : Minh Trí - TTXVN
Thương lái thu mua sầu riêng ở xã Long Trung, huyện Cai Lậy.
Ảnh : Minh Trí - TTXVN
Lập vườn trồng chuyên canh sầu riêng mà có cuộc sống ấm no, thịnh vượng là cách làm hay, cụ thể hóa chủ trương trên của ông Nguyễn Văn Lập, cư ngụ tại ấp Hiệp Ngãi, xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy. Nói về con đường đến với cây sầu riêng, ông Nguyễn Văn Lập tâm sự: "Sẵn đam mê nghề làm vườn trồng cây ăn quả, tôi mạnh dạn vay mượn vốn tậu 10.000 m2 đất nông nghiệp. Có đất, tôi đầu tư lên líp, chuyển từ trồng lúa sang lập vườn trồng sầu riêng, các giống RI6 và Mong Thong chất lượng ngon, thị trường rất ưa chuộng. Trên diện tích 10.000 m2 (1 ha), ông Lập trồng được gần 200 gốc sầu riêng trong đó, một nửa diện tích là giống RI6, còn lại là Mong Thong. Ông Nguyễn Văn Lập thừa nhận, buổi đầu chưa có kinh nghiệm nên gặp không ít khó khăn trong quá trình canh tác, chăm sóc. Với quyết tâm vươn lên từ vườn sầu riêng đặc sản, ông Lập không ngừng tìm tòi, học hỏi, nâng cao trình độ canh tác thông qua nhiều kênh thông tin như: chia sẻ từ kinh nghiệm của những nông dân giỏi đi trước, sự hỗ trợ của các cấp Hội nông dân, của cán bộ kỹ thuật nông nghiệp và qua tài liệu, sách báo,… Đặc biệt, ông không bao giờ bỏ qua các buổi tập huấn, hội thảo, tham quan những điểm trình diễn về canh tác sầu riêng đạt hiệu quả. Trên cơ sở đó, đúc kết kinh nghiệm, qui trình sản xuất cho bản thân phù hợp với điều kiện thực tế tại khu vườn của mình. Năm 2013, khi vườn cây đã được 5 năm tuổi, ông Lập bắt đầu áp dụng kỹ thuật xử lý cho trái theo ý muốn. Thường thời điểm xử lý ra hoa tháng tư âm lịch hàng năm để vườn cho thu hoạch vào tháng 9, 10 âm lịch, lúc sầu riêng trên thị trường có giá rất cao. Cách làm của ông như sau: Khi thấy cây ra cơi đọt thứ 3 (lần ra đọt thứ ba) thì rải phân DAP 2 lần, mỗi lần cách nhau 7 ngày. Kế tiếp rải từ 5 đến 7 kg lân/ gốc và tưới thêm 0,5 kg ka li trắng (K2SO4) cho mỗi gốc. Sau đó, phun thuốc tạo mầm,  khoảng 7 ngày thì bắt đầu đậy kín gốc bằng mũ nylon. Bước tiếp theo là phun Baclor 1 lần cho ướt cành và mặt lá trong của cây theo liều lượng đã được khuyến cáo kết hợp với bơm rút cạn nước trong hệ thống ao mương vườn nhằm mục đích hỗ trợ cho cây ra hoa tốt và đồng loạt… Hàng năm, nhờ cách làm như trên kết hợp với thời tiết thuận lợi nên ông thành công với khu vườn sầu riêng 1 ha của mình. Ông Nguyễn Văn Lập cho biết, năm đầu tiên, khu vườn đạt sản lượng 12 tấn quả, bán với giá 35.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí còn lãi 230 triệu đồng. Năm thứ hai, sản lượng đạt 15 tấn quả, bán giá 46.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi 520 triệu đồng. Mới đây nhất, trong năm 2017, khu vườn cho ông thu hoạch 18 tấn quả, bán giá bình quân 50.000 đồng/kg, thu 900 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi đến 700 triệu đồng. Hiện nay, ông đang xử lý cho vụ mới trong năm 2018. Nói về hiệu quả chuyển đổi sản xuất, ông Nguyễn Văn Lập phấn khởi cho biết, nhờ vào khu vườn chuyên canh sầu riêng, trong những năm qua, gia đình ông chẳng những vượt qua nghèo khó mà còn tạo dựng nên cơ nghiệp vững vàng bên bờ sông Tiền, trở thành điển hình làm giàu tại miệt vườn Tiền Giang. Ông Lý Văn Cẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy đánh giá cao mô hình và cách chuyển đổi sản xuất hiệu quả của ông Nguyễn Văn Lập, một nông dân năng động tiêu biểu của miệt vườn địa phương. Theo ông Lý Văn Cẩm, không chỉ làm giàu cho riêng mình, ông Lập còn là một tấm gương hết lòng vì cộng đồng. Ông thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm trồng sầu riêng hiệu quả, tích cực ủng hộ gia đình nghèo, hộ chính sách khó khăn; ủng hộ các công trình công ích xã hội tại địa phương…Tổng kinh phí đóng góp cho các hoạt động trên hàng năm lên đến hàng chục triệu đồng chưa kể việc thâm canh vườn cây ăn quả còn giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động nghèo tại địa phương. Riêng Hiệp Đức, từ một xã thuần nông, độc canh cây lúa, qua chuyển đổi sản xuất đã định hình được vùng chuyên canh sầu riêng trên 300 ha, cho sản lượng mỗi năm từ 5.000 đến 6.000 tấn quả. Có được như thế, đóng góp của mô hình trồng sầu riêng của ông Nguyễn Văn Lập không nhỏ, đã thúc đẩy phong trào tái cơ cấu nông nghiệp cũng như phát triển kinh tế - xã hội địa phương một cách mạnh mẽ.
Minh Trí

Có thể bạn quan tâm