Phụ nữ Sóc Trăng có nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả

Phụ nữ Sóc Trăng có nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả
Đến nay, nhờ thực hiện các Chương trình trên các cấp hội phụ nữ Sóc Trăng đã xây dựng được hơn 1.020 tổ tiết kiệm vay vốn với hơn 46.000 hộ vay vốn sản xuất, đầu tư buôn bán nhỏ, chăn nuôi, mở rộng ngành nghề kinh doanh hoặc phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ…Nhiều mô hình của chị em phụ nữ đã và đang hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm và cải thiện cuộc sống gia đình. Điển hình có mô hình nuôi gà thả vườn của Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Châu Thành đã vận động chị em ở các tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm nhân rộng để tăng thêm thu nhập.
 
Mô hình “Biến rác thành tiền” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng qua 5 năm thực hiện đã góp phần đẩy lùi tình trạng xả rác bừa bãi, bảo vệ môi trường có hiệu quả. Ảnh :Hoài Thu (TTXVN)
Mô hình “Biến rác thành tiền” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng qua 5 năm thực hiện đã góp phần đẩy lùi tình trạng xả rác bừa bãi, bảo vệ môi trường có hiệu quả. Ảnh :Hoài Thu (TTXVN)
Phần lớn những hộ tham gia mô hình là hộ có ít đất sản xuất và quanh năm làm thuê kiếm sống như vợ chồng chị Lê Thị Đỉnh ở xã Hồ Đắc Kiện, nhờ nuôi gà thả vườn đã tiết kiệm, tích lũy, có được khoản chi tiêu khi cần thiết. Mỗi tháng, gia đình chị xuất bán được vài lứa gà cũng có ít vốn, tích cóp lại để sắm sửa trong gia đình, nhân rộng đàn lên. Hội phụ nữ huyện còn hỗ trợ chị em về kỹ thuật nuôi; phát động các tổ, nhóm góp vốn xoay vòng và tranh thủ các nguồn vốn đang quản lý để hỗ trợ chị em nghèo mua gà giống, thức ăn để phát triển chăn nuôi. Nhờ đó, sau vài năm thực hiện, đã có hàng trăm hộ có thêm thu nhập từ nuôi gà thả vườn và hiệu quả của mô hình đang được nhân rộng vì đây là mô hình cần ít vốn đầu tư, dễ nuôi, đầu ra tương đối ổn định.
Mô hình đan giỏ từ cây lục bình, bẹ chuối, giỏ nylon của một số tổ nhóm ở các địa phương, trong đó có cơ sở làm giỏ nylon của gia đình chị Kim Thị Ngọc Mai với mỗi ngày sản xuất ra hàng ngàn sản phẩm đan từ dây nylon. Đến nay, cơ sở đã giải quyết khoảng 200 lao động thời vụ ở các huyện Long Phú, Châu Thành, Cù Lao Dung, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu tham gia. Bình quân mỗi ngày sản xuất hơn 1 ngàn chiếc giỏ ra thị trường, giá thành từ 12 ngàn đến 50 ngàn đồng/giỏ, tạo thu nhập từ 50 ngàn đến 100 ngàn đồng/ngày cho hàng trăm chị em… góp phần giải quyết lao động khi nông nhàn và thời gian rảnh trong ngày.

Theo bà Nguyễn Thị Huệ Chi, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Sóc Trăng, những mô hình sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm mà các cấp Hội phụ nữ Sóc Trăng đạt được trong thời gian gần đây đã thực sự mang lại hiệu quả và góp phần không nhỏ để xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập. Thông qua các tổ nhóm, chị em có điều kiện sinh hoạt, học tập và nâng cao hiểu biết, nhận thức cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống gia đình. Những mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả đã và đang được các cấp Hội tiếp tục nhân rộng, phấn đấu giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, khó khăn ở nông thôn, nhất là với gia đình chị em ở vùng đồng bào dân tộc Khmer còn nhiều khó khăn.

Trung Hiếu 

Có thể bạn quan tâm