Phát triển trồng dâu nuôi tằm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Phát triển trồng dâu nuôi tằm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều hội viên phụ nữ tại huyện Đam Rông đưa mô hình trồng dâu nuôi tằm vào sản xuất để phát triển kinh tế. Ảnh: Đặng Tuấn – TTXVN
 Nhiều hội viên phụ nữ tại huyện Đam Rông đưa mô hình trồng dâu nuôi tằm vào sản xuất để phát triển kinh tế. Ảnh: Đặng Tuấn – TTXVN
Hai năm qua, kể từ khi đưa mô hình trồng dâu nuôi tằm vào sản xuất, kinh tế gia đình anh K’Du ở thôn 4, xã Tam Bố, huyện Di Linh (Lâm Đồng) được nâng lên rõ rệt. Chỉ hơn 1 sào dâu lai cung cấp đủ nguồn thức ăn nuôi 1 hộp tằm giống, nghề trồng dâu nuôi tằm đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh K’Du, với mức lãi 8 triệu đồng/tháng. Anh K’Du cho biết: “Được Hội nông dân huyện hỗ trợ tiền mua né và gia đình có hơn 1 sào dâu để nuôi tằm. Mình cứ nuôi mỗi lứa nửa hộp tằm giống. Từ khi đến với nghề trồng dâu nuôi tằm, thì đời sống của gia đình mình ổn định hơn. Mình có ý định mở rộng thêm diện tích trồng dâu để nuôi tằm được nhiều hơn…” Tương tự, bà Ka Đim ở thôn 2, xã Gia Hiệp, huyện Di Linh cũng đưa kinh tế gia đình phát triển đi lên nhờ trồng dâu nuôi tằm. Theo bà Ka Đim, với mức giá kén tằm dao động từ 130.000 - 150.000 đồng/kg như hiện nay, gia đình bà luôn thu lãi trên 10 triệu đồng/tháng. Bà Ka Đim cho biết: “Gia đình mình có 2 sào dâu lai trồng xen trong vườn cà phê để nuôi tằm. Mình cứ nuôi mỗi lứa từ nửa hộp đến 1 hộp tằm giống. Từ khi trồng dâu nuôi tằm, cuộc sống kinh tế gia đình ổn định hơn rất nhiều”.
Nhiều hội viên phụ nữ tại huyện Đam Rông đưa mô hình trồng dâu nuôi tằm vào sản xuất để phát triển kinh tế. Ảnh: Đặng Tuấn – TTXVN
Nhiều hội viên phụ nữ tại huyện Đam Rông đưa mô hình trồng dâu nuôi tằm vào sản xuất để phát triển kinh tế. Ảnh: Đặng Tuấn – TTXVN
Nghề trồng dâu nuôi tằm hiện đang được cơ quan quản lý của chính quyền địa phương đánh giá là chi phí đầu tư thấp, quay vòng vốn nhanh và tận dụng được nguồn lao động nhàn rỗi. Trồng dâu nuôi tằm là một hướng sản xuất phù hợp với đa số hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương. Thêm vào đó, đầu ra sản phẩm đang thuận lợi, giá kén ổn định, nghề trồng dâu nuôi tằm đã được người dân và chính quyền nơi đây coi trọng. Ông K’Xuyên, cán bộ khuyến nông xã Gia Hiệp, huyện Di Linh cho biết: “Trong những năm qua, địa phương rất chú trọng phát triển kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó có đẩy mạnh phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Chính nhờ nuôi tằm đã giúp các hộ dân thời điểm nào cũng có thu nhập. Từ đó có điều kiện để đầu tư những giống cây trồng, vật nuôi dài ngày khác hiệu quả hơn. Hiện nay xã chúng tôi có hàng trăm hộ dân tộc thiểu số trồng dâu nuôi tằm với diện tích trên 200ha”. Theo thống kê tới năm 2019, trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 6.800 ha diện tích dâu tằm, chiếm gần 70% diện tích cả nước. Hàng năm, sản lượng đạt gần 125.000 tấn lá dâu, 9.000 tấn kén, và chế biến gần 1.200 tấn tơ. Đặc biệt, công nghệ chế biến tơ lụa Lâm Đồng đã được đầu tư, nâng cấp với 50 dãy ươm tơ tự động. Công nghiệp dệt lụa, dệt may từ tơ tằm, đạt bình quân 5 triệu mét và 200.000 sản phẩm mỗi năm. Tham gia  trồng dâu nuôi tằm có hơn 14.000 hộ, cung cấp nguyên liệu ổn định cho khoảng 150 cơ sở thu mua kén, 22 cơ sở ươm tơ dệt lụa. Theo thống kê tới đầu năm 2019, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 14.000 hộ dân làm nghề trồng dâu nuôi tằm, với 6.770 ha trồng dâu; sản lượng kén đạt khoảng trên 8.900 tấn/năm, cung cấp ổn định cho khoảng 150 cơ sở thu mua kén, 22 cơ sở ươm tơ dệt lụa. Qua khảo sát, giá kén hiện đang được các doanh nghiệp thu mua với mức 130.000 đồng đến 150.000 đồng/kg kén, tuy không cao như thời gian đạt đỉnh trong những năm trước, song vẫn đảm bảo cho người chăn nuôi lãi từ 30.000- 50.000 đồng/kg. Theo Đề án phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt, đến năm 2023, diện tích trồng dâu tằm trong tỉnh đạt 10.000 ha, sản lượng lá dâu đạt 210.000 tấn, cung cấp đủ giống tằm đảm bảo chất lượng phục vụ nhu cầu sản xuất, nâng sản lượng kén tằm đạt 14.500 tấn và sản lượng tơ tằm đạt 1.900 tấn. Cùng với đó, Lâm Đồng cũng chú trọng hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giúp người nông dân yên tâm, ổn định sản xuất, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm tơ tằm của địa phương. Đề án này đang từng bước được triển khai sâu rộng, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho người dân ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống mới.
Chu Quốc Hùng

Có thể bạn quan tâm