Phát triển cây thanh trà theo tiêu chuẩn VietGAP

Phát triển cây thanh trà theo tiêu chuẩn VietGAP
Nông dân phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, chăm sóc cây thanh trà. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN
Nông dân phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, chăm sóc cây thanh trà.
Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh xây dựng mô hình thâm canh, cải tạo vườn cây già cỗi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Các địa phương trong vùng tập trung ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây thanh trà, thay đổi nhận thức và kỹ thuật sản xuất cho người nông dân. Điều này nhằm hướng đến nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất theo tiêu chuẩn Thừa Thiên - Huế phát triển cây thanh trà theo tiêu chuẩn VietGAP. Tỉnh tạo sự dịch chuyển mang tính bền vững từ phương thức sản xuất cũ sang phương thức sản xuất mới, áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, bảo vệ nguồn gen, bảo tồn văn hóa nhà vườn Huế.

Thanh trà được xem là một loại cây quả đặc sản của Thừa Thiên - Huế. Đặc sản "Thanh trà Huế" được trao bằng xác lập kỷ lục đặc sản châu Á và Việt Nam, đồng thời được công nhận là 50 loại đặc sản quả nổi tiếng ở Việt Nam. Ở Thừa Thiên - Huế, thanh trà được trồng tập trung những vùng phù sa, ven sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương..., nhưng nổi tiếng nhất là thanh trà Thủy Biều, bởi đây là sản vật tiến vua ngày trước.

Sử sách của nhà Nguyễn ghi chép rằng, cây thanh trà đã gắn liền với vùng đất Thủy Biều ngót hơn 200 năm trước, cùng với những của ngon vật lạ người dân đem dâng lên vua như gạo An Cựu, nhãn Kim Long, hay chè Tuần... thì thanh trà Nguyệt Biều đã góp mặt như một đặc sản vườn nổi tiếng ở vùng đất kinh đô Phú Xuân (thành phố Huế ngày nay).

Phường Thủy Biều nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 km về phía Tây. Đây là vùng bãi bồi ven sông Hương, với những ngôi nhà vườn thơ mộng nổi tiếng hoa thơm trái ngọt. Thống kê, phường Thủy Biều có gần 150 ha đất trồng thanh trà, với khoảng hơn 1.000 hộ dân theo nghề, tập trung ở các thôn: Lương Quán, Trung Thượng, Đông Phước. Mỗi vụ thanh trà, người nông dân thu nhập hàng trăm triệu đồng, cuộc sống người dân ở đây nhờ đó tương đối ổn định, sung túc.

Ông Hoàng Trọng Di, Giám đốc Hợp tác xã Thanh trà Thủy Biều cho biết, trồng thanh trà chi phí đầu tư thấp, khoảng 5 năm sau khi trồng cho thu hoạch lứa đầu, bình quân thu nhập 200 triệu đồng/ha, cá biệt có khi lên đến 400 triệu đồng/ha.

Thanh trà Thủy Biều được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể từ năm 2007. UBND phường Thủy Biều đã có nhiều chương trình, kế hoạch tạo điều kiện giúp người dân trồng giống cây đặc sản này, nhằm tăng sản lượng thu hoạch và nâng cao thu nhập, tiêu biểu địa phương tổ chức thành công "Lễ hội Thanh trà" hàng năm. Hiện, doanh thu từ trái thanh trà trên địa bàn phường Thủy Biều hiện đã đạt khoảng 3 tỷ đồng/năm.

Phường Thủy Biều đã có kế hoạch lâu dài là xây dựng chỉ dẫn địa lý thanh trà và xây dựng tiêu chuẩn thanh trà theo chuẩn VietGAP. Hiện, địa phương đang tiến hành cải tạo lại vườn tạp, sắp xếp lại quỹ đất nông nghiệp đang có nhằm để phát triển giống cây đặc sản này. Bà con được tập huấn nâng cao kỹ thuật trồng trọt, chăm bón để tăng thu nhập. Đồng thời, phường tiếp tục quảng bá thương hiệu thanh trà đến thị trường trong nước rộng rãi hơn thông qua việc quảng bá sản phẩm vào các lễ hội, kết hợp du lịch và xuất khẩu tại chỗ.

Tại phường Hương Vân, thị xã Hương Trà tập trung phát triển thanh trà theo hướng "Phát triển chuỗi giá trị thanh trà Huế theo tiêu chuẩn VietGAP để cải thiện sinh kế cho người dân, gắn với bảo tồn đa dạng sinh học". Dự án "Trường Sơn Xanh" thực hiện từ tháng 5/2019 đến tháng 8/2020 hỗ trợ phường Hương Vân phát triển giá trị bưởi thanh trà Huế theo chuẩn VietGAP để cải thiện sinh kế cho ngưởi dân, gắn với bảo tồn đa dang sinh học cho 65 hộ dân sản xuất thanh trà của phường.

Dự án sẽ hỗ trợ cho người dân vật tư thiết yếu và xây dựng 1 mô hình sản xuất bưởi thanh trà theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích khoảng 10 ha; xây dựng chỉ dẫn địa lý bưởi thanh trà Huế; xây dựng hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc ứng dụng hệ thống quản lý nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Tổng kinh phí cho dự án khoảng 1,1 tỉ đồng.

Với mục tiêu "chung tay để Trường Sơn Xanh mãi", dự án đẩy mạnh khuyến khích cải thiện sinh kế bền vững phối hợp thực hiện các hoạt động sử dụng đất phát thải thấp, giảm áp lực đối với rừng tại địa phương và các khu vực lận cận. Qua đó, nâng cao chất lượng và vị thế thương hiệu thanh trà Huế, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần quản lí tài nguyên bảo tồn đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đáng chú ý, phường Hương Vân ứng dụng hệ thống tưới nhỏ phun cho thanh trà. Mô hình này ứng dụng kỹ thuật tưới nhỏ phun cho vườn bưởi thanh trà thời kỳ sản xuất đã đem lại hiệu quả lớn cho bà con nông dân, vừa tiết kiệm tiền, chi phí nhân công, lại tăng năng suất và chất lượng cho thanh trà thương phẩm. Cách tưới này thay cho cách tưới tràn trước đây, khắc phục được các hạn chế như không tiết kiệm lượng nước, rửa trôi đất, phân bón ... và chỉ cung cấp nước cục bộ không cải thiện được tiểu vùng khí hậu.

Các hộ tham gia mô hình tưới phun được hỗ trợ một phần các vật tư đường ống, máy bơm, thiết kế và thi công lắp đặt đường ống phần còn lại người dân tự bỏ kinh phí để hoàn thành hệ thống tưới cho vườn thanh trà của mình.

Các nhà vườn thanh trà tại phường Hương Vân được tập huấn về hệ thống tưới, cách vận hành hệ thống, các biện pháp thâm canh cây thanh trà. Hàng tuần có cán bộ kỹ thuật thăm điểm, theo dõi, tư vấn xử lý các tình huống trong quá trình chăm sóc cây thanh trà. Hệ thống tưới được lắp đặt trong các điểm của mô hình hoạt động tốt, cung cấp đủ nước trong mùa khô đảm bảo nhu cầu sinh trưởng của cây thanh trà.

Chính nhờ cách làm hệ thống tưới phun, cộng với các biện pháp thâm canh như tăng cường bón phân hữu cơ nên năng suất và chất lượng thanh trà tăng lên rõ rệt. Đến nay, phường Hương Vân, thị xã Hương Trà đã nâng vùng chuyên canh thanh trà lên diện tích khoảng 120 ha... 
Quốc Việt

Có thể bạn quan tâm