Phật thủ - cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao

Phật thủ - cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao
Ông Thanh bên vườn phật thủ cho thu nhập cao
Ông Thanh bên vườn phật thủ cho thu nhập cao
Theo tìm hiểu của ông Thanh thì Phật thủ là cây cùng họ với cam, chanh, bưởi và quýt… Sau một thời gian trồng, chăm sóc và tìm hiểu thêm qua các thông tin từ ti vi, báo, mạng internet… ông được biết thêm chỉ sau 1 năm trồng là cây Phật thủ cho quả bói. Nhưng, điều đặc biệt khiến ông lưu tâm là Phật thủ cho quả quanh năm và có thể bảo quản được 6 - 7 tháng. Tuy nhiên, năm đầu tiên Phật thủ cho quả bói, do cây còn nhỏ nên ông Thanh chỉ để mỗi cây 3 - 5 quả làm cảnh và tặng bạn bè, anh em, bà con trong xóm chưng tết. Song, bước sang năm thứ 2, khi 25 cây Phật thủ của ông cho quả trĩu cành thì nhiều bà con hàng xóm đã cùng nhau tìm đến vườn nhà ông để ngắm nhìn quả tay Phật. “Khi người dân trong thôn tìm đến vườn nhà tôi để ngắm nhìn quả Phật thủ, ai cũng bán tính, bán nghi vì đây là lần đầu tiên họ được tận mắt chứng kiến loại cây trồng mới và đặc biệt này. Ban đầu, nhiều người còn thắc mắc, tại sao thân và lá giống cây bưởi, nhưng trái thì giống các bàn tay Phật ghép lại với nhau. Tôi giải thích với họ, đây chính là đặc tính để đặt tên cho loại cây này là Phật thủ” - ông Thanh chia sẻ.
Tiếng lành đồn xa, chẳng mấy chốc, thương lái từ khắp nơi tìm đến ông để đặt mua Phật thủ, nhất là vào các ngày lễ, tết. Và rồi, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, 25 cây Phật thủ của ông Thanh cho đến hơn 800 quả. Với giá bán từ 100 - 250 ngàn đồng/quả và mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập khoảng 140 triệu đồng. Từ những tín hiệu đáng mừng đó, ông Thanh quyết định nhân giống (bằng phương pháp chiết cành) để trồng thêm 2 sào, với hơn 200 cây Phật thủ. Nói đến cây Phật thủ, từ trước tới nay, có lẽ người dân xã Lộc Nam (Bảo Lâm) đã nghe nói nhiều, nhưng để được nhìn tận mắt thì đây là lần đầu tiên. Trong đời sống tâm linh, Phật thủ là loại quả thờ cúng được người dân ưa chuộng. Vì vậy, trong các ngày lễ, tết, quả Phật thủ thường được người dân lựa chọn trong “mâm ngũ quả” mang lên chùa cúng hay thờ gia tiên để cầu tài, lộc. Đây chính là lý do, khiến Phật thủ ngày càng được thị trường ưa chuộng, với giá bán hấp dẫn. Cùng với đó, Phật thủ còn có công dụng để làm thuốc chữa các bệnh tức ngực, khó thở, mất ngủ và cao huyết áp… khi được sấy khô.
Hiện nay, với nhu cầu cây giống khá cao nên ông Thanh đang chiết cành nhân giống được hơn 2.000 cây Phật thủ để cung cấp cho người dân. Trong đó, nhiều người từ Tân Lạc (Bảo Lâm), Phước Lộc (Đạ Huoai) hay cả Đắk Nông… khi biết tin đã tìm đến ông để đặt mua giống. Cây giống được ông Thanh bán với giá từ 70 - 90 ngàn đồng/cây. Đặc biệt, ông Thanh đang hướng tới phát triển mô hình trồng Phật thủ theo dạng cây kiểng (bonsai) để cung cấp thị trường tết. “Hiện, tôi đã vào được hơn 100 chậu Phật thủ để bán cây kiểng trong dịp tết tới. Vì đây là cây thuộc họ bưởi, cam, chanh… nên tới đây tôi sẽ ghép với các loại cây khác như bưởi da đỏ, quýt hồng, chanh, tắc… Khi thành công, chắc chắn Phật thủ bonsai sẽ “chinh phục” được khách hàng bởi vẻ mới và lạ…”, ông Thanh cho biết thêm.
Từ bước đi tiên phong trồng Phật thủ của ông Thanh, xã Lộc Nam đang tiến tới nhân rộng mô hình này cho người dân địa phương. ông Đào Duy Phi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Nam, cho biết: “Mô hình cây Phật thủ của gia đình ông Thanh là một mô hình mới cho thu nhập cao và rất tiềm năng để nhân rộng cho bà con. Nhưng, đây là loại cây trồng mới và lạ đối với đất và bà con nông dân ở nơi đây. Vì vậy, trong thời gian tới, để nhân rộng mô hình, chính quyền địa phương sẽ xem xét và đưa vào trồng thí điểm tại một diện tích cà phê cằn cỗi, năng suất thấp. Khi thành công, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng để bà con đa dạng hóa cây trồng và nâng cao thu nhập”.
Báo Lâm Đồng

Có thể bạn quan tâm