Ông Trần Văn Đen trồng dừa xiêm lùn cho thu nhập cao

Ông Trần Văn Đen trồng dừa xiêm lùn cho thu nhập cao
Cây giống Dừa Xiêm Lùn Xanh. Ảnh:caytrong.vn
Cây giống Dừa Xiêm Lùn Xanh. Ảnh:caytrong.vn 
Đi trong hàng dừa rộng, rợp bóng mát cho trái sai trĩu buồng, ít ai nghĩ rằng trước đây khu này là vườn tạp. Ông Trần Văn Đen, chủ nhân vườn dừa cho biết, ở vùng này, mọi người hay phá bỏ vườn tạp trồng hoa màu nhưng cũng bấp bênh vì đầu ra thiếu ổn định. Tình cờ, ông đọc báo và có được thông tin trồng dừa xiêm lùn đỏ và xanh ở các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, nhất là Bến Tre cho nhà vườn thu hoạch khá. Ông Đen bắt đầu ấp ủ kế hoạch trồng cây dừa xiêm lùn từ đó. Năm 2010, ông Trần Văn Đen, thuê người phá bỏ vườn tạp, trồng 500 cây dừa trên diện tích 2 ha. Giống dừa xiêm lùn đỏ và xanh ông trực tiếp tới tỉnh Bến Tre để mua về trồng. Để cải thiện bữa ăn hàng ngày và để “lấy ngắn muôi dài”, ở dưới ao ông Đen nuôi nhiều loại cá nước ngọt, trên bờ ông nuôi gà, vịt, heo… Sau ba năm, dừa bắt đầu cho trái và thu hoạch. Ông Trần Văn Đen cho biết: Khi dừa cho trái, gia đình ông rất mừng. Cây nhỏ cho trái nhỏ, cây lớn cho trái lớn, mỗi buồng dừa có từ 30 - 40 trái. Quá bất ngờ với thành quả mang lại, nhiều người trong xã đến tham quan và chúc mừng gia đình ông. Ông Đen nhẩm tính, 500 cây dừa hiện nay cho trái quanh năm, mỗi cây trung bình một năm cho thu hoạch từ 80 - 100 trái, mỗi trái dừa tươi thương lái đến tận nhà mua hiện nay là 8.000 đồng. Như vậy, sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông Đen lãi 200 triệu đồng từ trái dừa tươi. Ông Mã Ru Y, Chủ tịch UBND xã Ngọc Thành cho biết, với hiệu quả bước đầu mang lại từ mô hình trồng dừa xiêm lùn đỏ và xanh của ông Trần Văn Đen, hiện nay xã đang nhân rộng mô hình này. Đến nay, trên địa bàn đã có thêm 5 hộ thực hiện theo mô hình này và cũng cho thu nhập khá. Thời gian tới, UBND xã Ngọc Thành tiếp tục vận động bà con có diện tích vườn tạp hoặc trồng các loại cây không hiệu quả mạnh dạn phá bỏ để thực hiện theo mô hình trồng dừa xiêm lùn của ông Trần Văn Đen.
Lê Sen

Có thể bạn quan tâm