Ông Phạm Ngọc Thành - Tỷ phú giữa vùng quê xứ Quảng

Ông Phạm Ngọc Thành - Tỷ phú giữa vùng quê xứ Quảng
Ông Phạm Ngọc Thành (68 tuổi) được người dân của thôn Hòa Thạch, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam nhắc đến như một người con ưu tú của vùng quê nơi đây. Nhờ "dám nghĩ - dám làm", ông Phạm Ngọc Thành đã xây dựng cho mình cơ ngơi bạc tỷ và góp công giúp vùng đất Đại Quang ngày càng thay da, đổi thịt.
Mô hình chăn nuôi heo, gà là bước đi khởi nghiệp để ông Thành có được cơ ngơi như ngày hôm nay. Ảnh: danviet.vn
Mô hình chăn nuôi heo, gà là bước đi khởi nghiệp để ông Thành có được cơ ngơi như ngày hôm nay. Ảnh: danviet.vn
Tham gia vào đội du kích xã Đại Quang khi chỉ mới 14 tuổi, đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông trở về quê hương và được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Đại Quang năm 27 tuổi. Đến khi về hưu, với số tiền lương hưu ít ỏi của mình, việc phải chăm lo cho 4 người con ăn học đã khiến gia đình ông Thành gặp muôn vàn khó khăn. Có những lúc, ông Thành tính bán đi 3 sào ruộng có được khi về hưu để kiếm vốn vào miền Nam lập nghiệp. Sau nhiều đêm trăn trở tìm hướng thoát nghèo cho gia đình mình, ông Thành quyết định vay mượn vài chục triệu đồng của người thân, bạn bè để xây dựng mô hình khởi nghiệp từ chăn nuôi gà. Trang trại bắt đầu với chỉ vài chục con gà, lợi nhuận đem lại chỉ đủ đóng tiền học phí cho con cái. Tuy nhiên, đến khi trái gió, trở trời, dịch bệnh bùng phát làm ảnh hưởng đến việc buôn bán. Người nông dân này lại trắng tay, gia đình tiếp tục lâm vào cảnh khốn khó.
Mỗi năm 3 xưởng gỗ chế biến mộc dân dụng, pallet đem lại doanh thu từ 15-17 tỷ đồng. Ảnh: danviet.vn
Mỗi năm 3 xưởng gỗ chế biến mộc dân dụng, pallet đem lại doanh thu từ 15-17 tỷ đồng. Ảnh: danviet.vn
Thế nhưng, bằng ý chí kiên cường cùng sự giúp sức của chính quyền xã Đại Quang, việc kinh doanh của ông Phạm Ngọc Thành bắt đầu khởi sắc hơn. Ông vay mượn thêm và dùng số tiền tiết kiệm mở rộng mô hình kinh doanh chuồng trại; đồng thời thành lập Công ty TNHH Thành Phát với nhiều ngành nghề như: khai thác đá, sản xuất nguyên vật liệu xây dựng; trồng rừng và chế biến gỗ. Tính đến nay, ông Thành đã có hơn 35 ha rừng keo lai, độ tuổi trồng 5 năm; xây dựng thêm 3 nhà xưởng chế biến đồ gỗ có diện tích 8.000 m2, chủ yếu là chế biến gỗ rừng trồng được hoặc mua tại các địa phương trong cả nước. Từ đó, ông còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 65 lao động và hơn 30 lao động thời vụ với thu nhập 5 – 6 triệu đồng/tháng/người. Cùng với việc sản xuất kinh doanh, ông Thành đã đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi theo quy mô công nghiệp, áp dụng mô hình VAC khép kín có tổng diện tích xây dựng 3.670 m2 với giá trị đầu tư khoảng 19 tỷ đồng; trong đó, có 2 khu chăn nuôi lợn thịt và 1 trại nuôi gà lấy trứng có diện tích gần 3.000 m2. Mỗi năm, trang trại của ông cho xuất chuồng hơn 500.000 kg thịt lợn và 2,5 triệu quả trứng gà. Hàng năm, lão nông Phạm Ngọc Thành thu vào không dưới 40 tỷ đồng, trừ hết các khoảng chi phí, lãi ròng mà ông đạt được từ 5 - 7 tỷ đồng/năm; mỗi năm nộp ngân sách nhà nước hơn 1 tỷ đồng.
Ông Phạm Ngọc Thành là một trong 63 gương mặt nhà nông tiêu biểu của cả nước được bình chọn nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019". Ảnh: danviet.vn
Ông Phạm Ngọc Thành là một trong 63 gương mặt nhà nông tiêu biểu của cả nước được bình chọn nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019". Ảnh: danviet.vn
Không chỉ làm giàu cho riêng gia đình mình, ông Thành còn tham gia vào Ban Chủ nhiệm Trang trại chăn nuôi của huyện Đại Lộc với mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm vốn có cho bà con cùng làm ăn. Ông đã giúp các hội viên phát huy tinh thần tự lực, tự cường đoàn kết, giúp đỡ nhau, cùng nhau phát triển. Ban Chủ nhiệm Trang trại chăn nuôi của huyện Đại Lộc đã thành lập 30 tổ hợp tác với số vốn đầu tư kinh doanh trên 15 tỉ đồng. Các Tổ hợp tác trên địa bàn huyện đã giải quyết việc làm cho gần 200 lao động nông thôn, góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới cũng như thành tựu chung về phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đại Lộc. Hiện huyện Đại Lộc có 12 trang trại và gần 200 gia trại; trong đó, phần lớn là trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đã được cấp giấy công nhận đạt tiêu chuẩn và một số trang trại, gia trại được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi công việc mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình, ông Thành cùng với vợ là bà Lê Thị Thanh vận động, đóng góp hàng trăm triệu đồng vào các công trình phúc lợi tại xã; tổ chức nhiều hoạt động từ thiện, giúp đỡ bà con lối xóm.
Cơ ngơi bạc tỷ của lão nông Phạm Ngọc Thành, ở thôn Hòa Thạch, xã Đại Quang, Đại Lộc, Quảng Nam. Ảnh: danviet.vn
Cơ ngơi bạc tỷ của lão nông Phạm Ngọc Thành, ở thôn Hòa Thạch, xã Đại Quang, Đại Lộc, Quảng Nam. Ảnh: danviet.vn
Mỗi năm, ông đóng góp gần 50 triệu đồng cho Quỹ Khuyến học của xã; ủng hộ hơn 100 triệu đồng vào việc xây dựng cổng làng Phước Lộc và làng Hoà Thạch; quyên góp gần 2 tỷ đồng cho nhiều hộ gia đình cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn; đóng góp hơn 100 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa, làm đường bê tông nông thôn; ủng hộ 500 nghìn đồng cho 20 hộ có hoàn cảnh khó khăn vào dịp Tết... Ngoài ra, ông còn tham gia vào các Quỹ chất độc da cam, Quỹ vì người nghèo, Quỹ Khuyến học trên địa bàn xã. Bất kể hoạt động nào cần quyên góp, gia đình ông đều hết lòng hưởng ứng. Xuất phát từ hai bàn tay trắng, qua gần 30 năm lao động mệt mỏi, giờ đây ông Thành đã trở thành một tỷ phú với cơ ngơi bạc tỷ giữa vùng quê yên bình. Những mô hình phát triển kinh tế của ông đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng; một số mô hình đem lại giá trị cao về mặt kinh tế - xã hội tại địa phương. Với những nỗ lực ấy, ông Phạm Ngọc Thành đã nhận được Bằng khen của Thủ tướng chính phủ năm 2016 và nhiều bằng khen cấp bộ, tỉnh và cấp hội… Ông Phạm Ngọc Thành cũng chính là 1 trong 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019” vinh dự được nhận bằng khen do Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng.
Trần Tĩnh – Khoa Chương
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm