Nuôi artemia - Hướng làm kinh tế mới của người dân xứ biển Vĩnh Châu

Nuôi artemia - Hướng làm kinh tế mới của người dân xứ biển Vĩnh Châu
Người nuôi bừa nhuyễn thức ăn cho Artemia. Ảnh: Chanh Đa-TTXVN
Người nuôi bừa nhuyễn thức ăn cho Artemia. Ảnh: Chanh Đa-TTXVN

Artemia là một loại giáp xác có kích thước nhỏ, phát triển tốt trong môi trường nước có độ mặn cao, do có nhiều dinh dưỡng nên trứng của Artemia được sử dụng làm thức ăn cho tôm sú giống.

Thời gian qua, trứng Artemia mang lại lợi nhuận kinh tế cao cho các hộ nuôi, đặc biệt là Artemia lại rất phù hợp với đặc điểm tự nhiên của vùng biển thị xã Vĩnh Châu. Nghề nuôi Artemia ở thị xã Vĩnh Châu chủ yếu tập trung ở địa phương như: Vĩnh Phước, Vĩnh Tân và Lai Hòa. Trong niên vụ năm 2019, người nuôi trên địa bàn Vĩnh Châu thả nuôi trên 800 ha Artemia. Nhờ nuôi Artemia mà nhiều hộ dân xứ biển Vĩnh Châu đã ổn định cuộc sống, vươn lên khá giả, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc Khmer.

Nghề nuôi Artemia ở thị xã Vĩnh Châu phụ thuộc nhiều vào thời tiết, trong những năm gần đây do biến đổi khí hậu nên thời tiết diễn biến thất thường, nông dân nuôi Artemia cũng vì thế mà ảnh hưởng theo do Artemia cho trứng ở điều kiện độ mặn cao từ 80‰ trở lên.

Những năm trước, do mưa trái mùa nhiều nên người nuôi thu lãi thấp, riêng năm nay, từ đầu vụ nuôi đến thời gian thu hoạch, thời tiết tốt, nắng kéo dài nên Artemia cho trứng đều, người nuôi Artemia trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu vô cùng phấn khởi. Bên cạnh đó, nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền nên hệ thống cơ sở hạ tầng, thủy lợi phục vụ cho nghề nuôi Artemia trên địa bàn càng được thuận lợi, nghề nuôi cũng vì thế càng phát triển.
 
Trứng Artemia ngay khi được thu hoạch. Ảnh: Chanh Đa-TTXVN
Trứng Artemia ngay khi được thu hoạch. Ảnh: Chanh Đa-TTXVN

Ông Võ Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Lai Hòa cho biết: “Năm nay, xã Lai Hòa có 312 ha thả nuôi Artemia với tổng số 229 hộ nuôi. Đến thời điểm này nông dân đã thu hoạch được trên 6,7 tấn, diện tích nuôi cũng được mở rộng hơn so với năm ngoái do tình hình thời tiết tốt và nhiều tuyến kênh được nạo vét, đảm bảo đủ nguồn nước cho các ao nuôi.

Nếu trúng mùa và được giá thì nghề nuôi Artemia có khả năng đem về lợi nhuận từ 50 triệu đồng/ha cho nông dân".

Ông Sơn Chanh Tria, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất dịch vụ Muối-Tôm-Artemia, xã Lai Hòa cho biết: “Năm nay, hợp tác xã có 150 ha nuôi Artemia. Nếu như năm ngoái giá bán trứng Artemia dao động từ 1.050.000 đồng đến 1.100.000 đồng thì đầu vụ năm nay trứng có giá 1.200.000 đồng mỗi kg. Hiện giá vẫn ở mức ổn định, còn 1.100.000 đồng/kg. Với giá này, các hộ dân nuôi Artemia có thu nhập tốt hơn so với năm ngoái”.
 
Hệ thống thủy lợi tại vùng nuôi Artemia Vĩnh Châu được quan tâm chú trọng đầu tư. Ảnh: Chanh Đa-TTXVN
Hệ thống thủy lợi tại vùng nuôi Artemia Vĩnh Châu được quan tâm chú trọng đầu tư. Ảnh: Chanh Đa-TTXVN

Theo nhiều nông dân, vụ nuôi năm nay, có hộ nuôi đã cải tạo ao và thả nuôi từ khoảng cuối năm 2019, khi gặp thời tiết thuận lợi như thời gian qua sẽ có lãi cao hơn và có thời gian thu hoạch trứng dài hơn.

Ông Trần Lũy ở ấp Prey Chop B xã Lai Hòa chia sẻ: “Năm nay tôi thả nuôi 4 ha Artemia, sau 20 ngày là bắt đầu vớt trứng. Đến nay, đã thu hoạch được 200 kg trứng. Nếu trúng vụ thì 1 ha nuôi Artemia sẽ thu hoạch được từ 80-100 kg trứng. Thu nhập từ nghề nuôi Artemia này ổn định hơn mình nuôi tôm sú, chắc ăn hơn”.

Theo bà Lê Thị Cẩm Đương, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân thì tình hình nuôi Artemia năm nay rất thuận lợi cho người nuôi, giá bán trứng Artemia trên thị trường cũng cao với trên 1 triệu đồng/kg, số ngày cho trứng cũng sớm hơn hàng năm. Trên địa bàn xã nông dân thả nuôi được 17 ha, đã thu hoạch được trên 1 tấn trứng Artemia.

Nhờ hiệu quả kinh tế ổn định, để tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi Artemia nâng cao nguồn thu nhập và hạn chế dịch bệnh, trong những năm qua, ngành chức năng của thị xã Vĩnh Châu đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về lịch thời vụ, quy trình sản xuất để nông dân nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.

Bên cạnh đó, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn trên quy mô rộng, nhằm cải tiến môi trường kỹ thuật nuôi Artemia truyền thống để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, nhiều người dân ở Vĩnh Châu đã chuyển đổi từ làm muối hoặc nuôi tôm sang nuôi Artemia.
 
Chanh Đa
TTXVN

Có thể bạn quan tâm