Nhãn Sông Mã góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân

Nhãn Sông Mã góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân
Ngày hội nhãn Sông Mã được tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực như: Hội thi nhãn ngon, an toàn; hội thi trưng bày gian hàng nông sản; tôn vinh những người trồng nhãn, từ đó giới thiệu mảnh đất, con người Sông Mã đến với du khách mọi miền của đất nước.  
 
Gian giới thiệu sản phẩm nhãn của các địa phương tham gia hội thi. Ảnh: TTXVN phát
Gian giới thiệu sản phẩm nhãn của các địa phương tham gia hội thi.
Ảnh: TTXVN phát

Chủ tịch UBND huyện Sông Mã Lê Thị Yến cho biết: Từ những năm 1961, cây nhãn trên địa bàn huyện Sông Mã đã được khẳng định là loại cây ăn quả chủ lực; loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cho nhân dân địa phương và đã góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân. Lúc đầu, cây nhãn được trồng chủ yếu ở các hộ gia đình sinh sống hai bên bờ sông Mã thuộc các xã Nà Nghịu, Chiềng Sơ, Chiềng Khoong - nơi có người dân Hưng Yên sinh sống và đến nay, đã mở rộng diện tích trên địa bàn toàn huyện. 

Hiện nay, toàn huyện Sông Mã có trên 34.000 hộ dân tại 19 xã, thị trấn trồng nhãn với diện tích 6.098 ha, chiếm trên 83% diện tích cây ăn quả của địa phương. Cây nhãn đã từng bước khẳng định được vị thế của mình. Nhiều hộ gia đình trồng nhãn có thu nhập vài trăm triệu đồng/năm, trong đó, một số hộ có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm từ trồng nhãn.  

Đặc biệt, xác định được tầm quan trọng của cây nhãn, trong những năm qua, huyện Sông Mã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả chủ trương của Tỉnh ủy Sơn La về phát triển cây ăn quả trên đất dốc đến năm 2020; tích cực cải tạo vườn nhãn. Tháng 6/2017, sản phẩm nhãn Sông Mã đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn Sông Mã”. Đây là cơ hội lớn để sản phẩm nhãn Sông Mã được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến với chất lượng thơm ngon, đặc trưng hương vị núi rừng Tây bắc. 

Các địa phương giới thiệu về sản phẩm nhãn của mình tại hội thi. Ảnh: TTXVN phát
Các địa phương giới thiệu về sản phẩm nhãn của mình tại hội thi.
Ảnh: TTXVN phát

Theo báo cáo, tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện Sông Mã năm 2018 là 7.279 ha, trong đó diện tích nhãn có 6.098 ha (diện tích cho sản phẩm là 4.223 ha). Năng suất nhãn trung bình ước đạt 9,4 tấn/ha và sản lượng quả trên 40.000 tấn quả tươi; sản lượng long nhãn bình quân khoảng 400 tấn/năm. Hiện nay, ở Sông Mã chủ yếu là giống nhãn chín muộn Hưng Yên PH-M99-1 và PH-M99-2; giống chín muộn T6 (Hà Nội). Đến nay, diện tích nhãn ghép toàn huyện Sông Mã đạt khoảng 4.500ha, tương đương trên 70% tổng diện tích nhãn trên địa bàn. Giá bán nhãn quả tươi bình quân tại địa phương từ 20.000-25.000 đồng/kg...  

Chủ tịch UBND huyện Sông Mã Lê Thị Yến cho biết thêm, trong thời gian tới, huyện Sông Mã phấn đấu đến năm 2020 có 9.435 ha cây ăn quả các loại, trong đó, diện tích nhãn trên 7.000 ha, sản lượng 75.000 tấn. Cùng với đó, huyện Sông Mã tập trung nhân rộng mô hình ghép cải tạo diện tích cây nhãn hiện có và đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm canh nhãn tại các xã có đường giao thông thuận tiện để sản xuất nhãn tập trung, an toàn; tiếp tục mở rộng và triển khai xây dựng các vùng sản xuất nhãn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (VIETGAP, GLOBALGAP,…) trong sản xuất, chế biến, bảo quản quả an toàn. Huyện Sông Mã cũng sẽ có kế hoạch xuất khẩu nhãn sang thị trường Úc, Mỹ, Trung Quốc và một số nước khác.
                                                                                                                                                         Nguyễn Cường

Có thể bạn quan tâm