Người nông dân Khmer thành công từ mô hình Vườn - Ao - Chuồng

Người nông dân Khmer thành công từ mô hình Vườn - Ao - Chuồng
Mô hình kinh tế tổng hợp vườn ao chuồng của ông Danh Hóa. Ảnh: Hồng Đạt – TTXVN
Mô hình kinh tế tổng hợp vườn ao chuồng của ông Danh Hóa.
Ảnh: Hồng Đạt – TTXVN

Ông Danh Hóa cho biết, khi mới lập gia đình, gia đình ông chỉ có vài công đất nên phải làm lụng vất vả mới dành dụm mua được 17 công (1 công = 1.200 m2) đất sản xuất lúa. Việc sản xuất lúa ngày càng bấp bênh do giá cả và chi phí lại cao nên kinh tế của gia đình ông luôn thiếu trước hụt sau.

Từ năm 2000, sau nhiều lần tham quan học hỏi về các mô hình hiệu quả, ông quyết định phát triển mô hình Vườn - Ao - Chuồng trên diện tích 4.000 m2 đất quanh nhà. Theo đó, ông tiến hành xây chuồng nuôi lợn và dùng phân lợn để nuôi các loài cá chép, cá trôi, tai tượng, mè, trắm, trê. Ngoài ra, ông còn thả gà quanh vườn và dùng phân gà sau khi ủ để làm phân bón các loại hoa màu.

Ngoài nỗ lực tự thân, dám nghĩ dám làm, ông Danh Hóa được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vốn, Hội Nông dân địa phương tạo điều kiện cho tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Từ các lớp trồng lúa, rau màu cho đến các lớp về chăn nuôi lợn, gà, phòng bệnh trên cây trồng, vật nuôi, ông đều tích cực tham gia và ứng dụng ngay vào thực tiễn sản xuất.

Hệ thống tưới nước tự động cho vườn hẹ tiết kiệm chi phí gấp nhiều lần so với cách tưới nước thông thường. Ảnh: Hồng Đạt – TTXVN
Hệ thống tưới nước tự động cho vườn hẹ tiết kiệm chi phí gấp nhiều lần so với cách tưới nước thông thường. Ảnh: Hồng Đạt – TTXVN

Ông Danh Hóa còn mạnh dạn đầu tư lắp đặt hệ thống phun tưới nước tự động cho vườn hẹ có diện tích khoảng 100 m2 và hệ thống tưới cho trên 50 gốc ổi. Theo ông Danh Hóa, khi lắp đặt hệ thống tưới tự động tiết kiệm được chi phí gấp nhiều lần so với cách tưới nước thông thường; đồng thời tiết kiệm nước, thời gian lao động, giữ độ ẩm cho đất, giúp cây hẹ phát triển nhanh hơn. Hẹ là loại hoa màu dễ trồng, chi phí lại thấp nên cho lợi nhuận rất cao. Bình quân mỗi ngày, ông cung cấp ra thị trường 20 kg hẹ, lợi nhuận đạt khoảng 300.000 đồng/ngày.

Ông Danh Hóa cũng cho biết, đối với lĩnh vực chăn nuôi, do được các nhà khoa học chỉ dẫn, ông luôn chú trọng tiêm phòng đúng định kỳ, đúng liều lượng nhằm giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi. Nhờ vậy, mặc dù dịch tả lợn Châu Phi bùng phát vào tháng 5/2019, nhưng đàn lợn trên 10 con của gia đình ông không bị ảnh hưởng, dự kiến khi xuất bán thu được hơn 50 triệu đồng.

Năm 2017, ông Danh Hóa còn học cách nuôi bồ câu và mua về nuôi thử nghiệm 20 cặp giống. Sau thời gian gây đàn, ông có trên 100 cặp bồ câu, mỗi tháng sinh sản một lần. Sau khi bồ câu sinh sản, ông đem bán thịt bồ câu mẹ, mỗi cặp có giá 100.000 đồng.

Nhờ chăm chỉ, tích cực học hỏi kinh nghiệm và áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật, mô hình vườn ao chuồng của ông Hóa luôn đạt năng suất với hiệu quả kinh tế cao. Tổng thu nhập từ mô hình này giúp gia đình ông có lợi nhuận ổn định khoảng 150 triệu đồng/năm.

Ông Danh Hóa thu hoạch hẹ. Ảnh: Hồng Đạt – TTXVN
Ông Danh Hóa thu hoạch hẹ. Ảnh: Hồng Đạt – TTXVN

Chia sẻ với chúng tôi, ông Danh Hóa cho biết, là người dân tộc thiểu số nhưng ông luôn ý thức chăm chỉ, cần cù trong sản xuất nông nghiệp; sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ đồng bào mình thoát nghèo, vươn lên làm giàu bằng chính sức lao động, trí tuệ của mình. Ông tâm niệm rằng, kinh tế gia đình phải ổn định mới lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn được. Hiện cả hai con của ông đều đã tốt nghiệp đại học với chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp và Bảo vệ thực vật.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Mong Thọ B Danh Lý cho biết: “Ông Danh Hóa là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng có trình độ văn hóa cao, lại siêng năng trong sản xuất. Nhờ chịu khó học hỏi kỹ thuật nuôi trồng, tìm mua con giống tốt, mô hình Vườn - Ao - Chuồng của ông Hóa luôn phát triển bền vững. Mô hình này từ lâu đã được nhân rộng cho nhiều hộ gia đình khác trong vùng làm theo và đều đạt hiệu quả cao”.

Ông Danh Hóa chăm sóc đàn lợn. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
Ông Danh Hóa chăm sóc đàn lợn. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Ông Danh Lý cho biết thêm, ngoài sản xuất giỏi, ông Danh Hóa còn luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào của địa phương. Cụ thể, ông tham gia đóng góp các loại quỹ của địa phương như: Quỹ vì người nghèo, quỹ xây dựng đường giao thông nông thôn, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ khuyến học. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, ông Danh Hóa vừa tham gia vừa vận động bà con cùng đóng góp ngày công làm cầu, đường giao thông; tham gia cất nhà Đại đoàn kết cho người nghèo; thu gom rác thải, giữ gìn vệ sinh môi trường… giúp diện mạo nông thôn trong xã ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Với những kết quả đáng ghi nhận trên, ông Danh Hóa được công nhận là Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện giai đoạn 2017 - 2019; Nông dân điển hình tiên tiến huyện Châu Thành giai đoạn 2010 - 2015.
Hồng Đạt

Có thể bạn quan tâm