Mở hướng thoát nghèo nhờ trồng rừng gỗ lớn ở Bắc Trà My

Mở hướng thoát nghèo nhờ trồng rừng gỗ lớn ở Bắc Trà My
Người dân khai thác gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN
Người dân khai thác gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN
Vươn lên từ rừng Điều dễ nhận thấy nhất ở huyện Bắc Trà My chính là màu xanh của những cánh rừng bạt ngàn. Những năm trở lại đây, chính quyền huyện Bắc Trà My xác định việc trồng rừng gỗ lớn, đặc biệt là trồng cây keo là xu hướng tất yếu để cải thiệu đời sống của người dân. Keo được chọn làm cây chủ lực trong việc tìm hướng thoát nghèo vì có đặc điểm trồng mọc nhanh, cành lá phát triển mạnh, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt và thích ứng với nhiều địa hình khác nhau; trong đó, điển hình là các xã Trà Đông, Trà Dương, Trà Nú, cho đến Trà Đốc, Trà Ka, Trà Giáp nơi nào cũng bạt ngàn keo - tài sản “để dành” của đồng bào ở vùng rừng núi. Là một trong những gia đình thuộc diện khó khăn, chị Nguyễn Thị Nữ ở thôn 1, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My chia sẻ, việc làm nông tốn rất nhiều công sức nhưng số tiền thu về không đủ để trang trải cho gia đình. Nhờ sự vận động, hỗ trợ nhiệt tình của các cán bộ và chuyên gia trong huyện, gia đình chị đã quyết định chọn trồng cây keo, như một hướng đi mới để hi vọng được đổi đời, thoát khỏi đói, nghèo. Thời gian đầu, gia đình chị chỉ trồng gần 3 ha keo để thử nghiệm. Chị Nữ đã cùng chồng nỗ lực học hỏi về kỹ thuật trồng, cách chăm sóc cây và đi tìm đầu ra cho sản phẩm. Không phụ công sức của chị, số cây trong vườn nhà ngày càng phát triển. Sau khoảng từ 5-7 năm đủ độ tuổi thương lái đã thu mua và với giá bán hiện tại vào khoảng 10 – 12 triệu đồng/tấn, trừ hết mọi chi phí, gia đình chị đã thu về số tiền lãi lên hơn 200 triệu đồng. Không chỉ riêng gia đình chị Nữ, nhiều hộ dân tại huyện miền núi Bắc Trà My cũng đã từng bước tháo gỡ được nút thắt trong việc tìm hướng thoát nghèo thông qua mô hình trồng cây keo. Hiểu được giá trị kinh tế từ việc trồng rừng đem lại, gia đình anh Lê Đình Quân (trú thôn 2, xã Trà Giang) đã mạnh dạn đầu tư vào trồng hơn 20 ha keo. Kết hợp với các mô hình nuôi bò, gà vịt và trồng thêm các loại cây ăn quả như: cam sành, bưởi da xanh tại nhà, đã giúp gia đình anh Quân thu nhập được hơn 120 triệu đồng/năm. Qua đó, không những giúp gia đình anh thoát nghèo mà còn trở thành một trong những hộ khá giả trong vùng.Hướng đi mới Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bắc Trà My Huỳnh Ngọc Thiệu cho biết, huyện Bắc Trà My có hơn 34.000 ha diện tích trồng rừng sản xuất; trong đó, số lượng khai thác và trồng lại rừng sau khai thác (tính riêng cây keo) hằng năm trên địa bàn đạt khoảng 700 - 900 ha, tương đương 70.000 - 90.000 tấn keo nguyên liệu, vượt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra là 500 ha/năm. Việc lồng ghép các mô hình phát triển sinh kế, chăn nuôi nông hộ, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ cây giống, con vật nuôi, lấy ngắn nuôi dài, cũng góp phần làm ổn định đời sống cho người dân. Đồng thời, chính quyền huyện Bắc Trà My cũng đã tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng một cách bền vững. Việc phát triển rừng trồng cây lấy gỗ nguyên liệu phải đi đôi với bảo vệ, khoanh nuôi hiệu quả diện tích rừng phòng hộ, trồng và khai thác các sản phẩm dưới tán rừng, duy trì diện tích trồng cây nguyên liệu, đặc biệt là cây keo. Bên cạnh đó, huyện Bắc Trà My cũng thực hiện giao hơn 27.000 ha đất lâm nghiệp và giao rừng tự nhiên, rừng sản xuất cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng quản lý, bảo vệ. Ngoài ra, chính quyền huyện Bắc Trà My cũng đưa ra nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích người dân đầu tư phát triển cánh rừng trồng gỗ lớn như: chính sách ưu đãi về tiền thuế đất, vốn hỗ trợ, vốn vay cho người dân có điều kiện chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn. Cùng đó, triển khai các lớp tập huấn, hỗ trợ nông dân tiếp cận các biện pháp kỹ thuật phù hợp, cũng như tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, trong năm 2019, huyện Bắc Trà My cũng đã thực hiện Dự án trồng rừng gỗ lớn với tổng diện tích 106,92 ha tại các xã như Trà Đông, Trà Bui, Trà Dương, Trà Giác, Trà Giang, Trà Nú, Trà Sơn, Trà Tân và thị trấn Trà My. Bước đầu, Dự án đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân và chính quyền địa phương. Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Thái Hoàng Vũ cho biết, việc triển khai Dự án trên địa bàn huyện đã mở ra hướng đi mới, vừa góp phần vào việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vừa hạn chế tình trạng phá rừng làm nương rẫy, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Trong năm 2019, huyện Bắc Trà My đã nâng tổng giá trị sản xuất năm 2019 theo giá hiện hành ước đạt 2.123,7 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, ngành nông lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 547,7 tỷ đồng tăng 5,95% so với năm 2018.
Trần Tĩnh – Khoa Chương

Có thể bạn quan tâm