Mô hình chăn nuôi bò sữa giúp các hộ khó khăn, đồng bào dân tộc Khmer thoát nghèo

Mô hình chăn nuôi bò sữa giúp các hộ khó khăn, đồng bào dân tộc Khmer thoát nghèo
Đến đầu năm 2019, toàn tỉnh Sóc Trăng đã phát triển gần 9.500 con bò sữa, tập trung ở các huyện Châu Thành, Mỹ Xuyên, Trần Đề và Mỹ Tú, với sản lượng sữa bình quân mỗi ngày đạt 28 tấn. Ngoài ra, 124 nhóm tham gia dự án với gần 3.000 thành viên, trong đó thành viên nữ chiếm trên 60%.

Sau 5 năm triển khai, dự án đạt nhiều kết quả nổi bật, trong đó có thu nhập bình quân của nông hộ. Nếu trước đây thu nhập đạt 43 triệu đồng/hộ, nay đã tăng lên gần 132 triệu đồng/hộ/năm, là mức tăng mạnh về thu nhập cũng như sự tiến bộ trong việc xóa đói giảm nghèo của hộ chăn nuôi khi tham gia dự án.

Ông Sơn Hang, hộ nuôi bò sữa ở ấp Trà Bết, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên cho biết: Dự án đã hỗ trợ gia đình từ vốn vay làm chuồng, mua máy cắt cỏ, máy vắt sữa cho đến việc hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò. Nhờ vậy, sản lượng và chất lượng bò sữa không ngừng nâng cao. Từ khi tham gia dự án, kinh tế gia đình được cải thiện rõ rệt. Khi tham gia dự án, gia đình còn được hỗ trợ xây dựng công trình hầm Biogas, giúp cho môi trường xung quanh được đảm bảo, không gây ô nhiễm môi trường. Các hộ nghèo, người đồng bào dân tộc Khmer khi tham gia vào dự án sẽ có nguồn thu nhập ổn định và giảm thiểu tình trạng đi làm ăn xa.

Bên cạnh thu nhập, dự án còn giúp tạo việc làm cho các hộ, tạo động lực thúc đẩy phong trào nuôi bò tại địa phương, giúp các hộ sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn bao gồm lao động, đất đai, phụ phế phẩm nông nghiệp... Dự án còn giúp tăng cường năng lực của các cấp lãnh đạo địa phương trong quản lý phát triển nông thôn, quản lý nhóm, quản lý tài chính cho các thành viên trong nhóm tham gia dự án. Khi tham gia dự án, các nông hộ hình thành thói quen trồng cỏ, trữ rơm, ủ chua cỏ và bắp để đảm bảo đủ thức ăn chăn nuôi khi có hạn hán xảy ra, tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi. Các hộ chăn nuôi được tiếp cận kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, cải thiện cả về chất lượng và số lượng sữa trong chăn nuôi.

Theo ông Phạm Minh Tú, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Mỹ Tú, từ khi có Dự án Heifer hỗ trợ, nhiều mô hình trong chăn nuôi được hình thành tại địa phương như mô hình trồng cỏ, mô hình tự chế biến, dự trữ thức ăn đủ dinh dưỡng cho đàn bò, bảo vệ môi trường… Ngành chăn nuôi của huyện không ngừng phát triển. Người dân còn được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, quy trình chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao cũng như cách phòng ngừa, trị bệnh cho đàn bò sữa và trong kết nối cộng đồng.

Dự án “Phát triển chăn nuôi bò sữa tỉnh Sóc Trăng” giúp người chăn nuôi tăng cường về bình đẳng giới, về dinh dưỡng, biến đổi khí hậu, năng lực quản lý kinh tế nông hộ và tiếp cận thị trường, áp dụng kỹ thuật tiên tiến giảm chi phí sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm, tham gia vào chuỗi giá trị hướng tới phát triển chăn nuôi bò một cách bền vững. Qua hơn 5 năm triển khai, dự án đã hỗ trợ người dân trong việc nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, nhất là đối với các nông hộ là người đồng bào dân tộc Khmer tại vùng sâu, vùng xa. Chỉ vài năm gắn bó với con bò sữa, nhiều hộ nông dân Sóc Trăng đã thoát nghèo, xây được nhà mới khang trang, sắm sửa phương tiện đi lại, cải thiện đời sống... cho thấy hiệu quả thiết thực của dự án.
Chanh Đa

Có thể bạn quan tâm