Mô hình canh tác lúa thông minh cho hiệu quả kinh tế cao của nông dân xã Lình Huỳnh

Mô hình canh tác lúa thông minh cho hiệu quả kinh tế cao của nông dân xã Lình Huỳnh
Theo Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Lình Huỳnh Lê Hoàng Anh, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Cây Chôm thành lập tháng 9/2017 có quy mô 30 thành viên với 148 ha tổng diện tích canh tác lúa. Sau khi thành lập, lãnh đạo xã Lình Huỳnh tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, họp dân để tuyên truyền, định hướng, hỗ trợ người dân trong hoạt động sản xuất.

Hợp tác xã hoạt động ngày càng hiệu quả khi triển khai được 4 khâu: cung ứng giống, vật tư nông nghiệp; bao tiêu sản phẩm; bơm tát và thu hoạch. Ở khâu thu hoạch mặc dù chưa mua được máy móc nhưng Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Cây Chôm đã ký hợp đồng liên kết với chủ máy, đảm bảo gặt đúng thời vụ cho các thành viên trong hợp tác xã.

Nhờ quá trình hoạt động có hiệu quả, đầu năm 2019, Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền hỗ trợ Mô hình Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu với tổng kinh phí 500 triệu đồng, đầu tư các thiết bị ứng dụng công nghệ cao, tập huấn, vận hành quy trình kỹ thuật… Mô hình thực hiện tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Cây Chôm sử dụng hai giống lúa là OM 2517 và DS 1, mật độ gieo sạ 70kg/ha.

Theo đó, trên quy mô diện tích canh tác lúa của hợp tác xã, gắn 4 Trạm quan trắc nước, 6 thiết bị đo cảm biến, 1 cầu dao tự động; thành viên hợp tác xã thực hiện mô hình được công ty cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm sau khi thu hoạch. Ngoài ra, người dân còn được tập huấn kỹ thuật để nắm được quy trình canh tác lúa thông minh trên vùng đất phèn mặn như: kỹ thuật làm đất, quy trình bón phân và thuốc đúng cách, quản l‎ý nước, phòng trừ sâu bệnh...

Ông Lê Hoàng Anh cho biết, các trạm quan trắc nước được lắp đặt ở đầu nguồn các cửa sông để kiểm soát các yếu tố môi trường nước như: Độ mặn, độ pH, kiềm…. Còn trên cánh đồng, các thiết bị đo cảm biến canh tác ướt, khô xen kẽ giúp người dân giám sát bề mặt ruộng tự động. Khi nước trong ruộng cao, nông dân có thể chủ động bơm tát tháo nước ra bên ngoài và ngược lại. Tất cả các thiết bị này đều được cài sẵn ứng dụng trên điện thoại di động kết nối Internet, người nông dân có thể theo dõi mực nước, độ mặn của nước, các yếu tố môi trường bất lợi cho đồng ruộng.

Nhờ vậy, giúp người dân luôn nắm được thời điểm thích hợp để bơm nước vào ruộng, đặc biệt giúp tránh bơm nhầm nước mặn vào như trước đây. Đồng thời, quyết định việc đóng mở van, mở tắt cầu dao điện qua điện thoại dù bất cứ đâu mà không cần phải ra ruộng lúa thực hiện các thao tác này.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Thu, ngụ tổ 3, ấp Cây Chôm, xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất canh tác hơn 3 ha giống lúa DS 1. Bà Thu cho biết, khi thấy lợi ích của việc vào hợp tác xã, bà đã tự nguyện hiến hơn một công đất (1.000 m2) để làm đê bao giúp thuận tiện trong việc chủ động nguồn nước. Từ đó, diện tích lúa đạt năng suất hơn trước từ 20% trở lên. Đặc biệt, gần đây lại được ứng dụng các công nghệ vào sản xuất lúa, giúp chi phí thấp hơn rất nhiều, lợi nhuận cũng được tăng cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Vui, ngụ ấp Cây Chôm, xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất phấn khởi cho biết: “Chúng tôi được tham gia tập huấn quy trình thực hiện mô hình nên trong quá trình canh tác, chủ động trong việc theo dõi mực nước, thuận tiện trong việc bơm tát, giúp cắt giảm chi phí sản xuất nhiều. Chúng tôi ai cũng vui mừng, có nhiều thời gian rảnh rỗi, đỡ vất vả hơn so với trước đây trong khi hiệu quả sản xuất lại cao hơn”.

Theo ông Lê Hoàng Anh, Lình Huỳnh là vùng lõm nên trong quá trình canh tác lúa trước đây thường gặp rủi ro mỗi khi xảy ra mưa cục bộ, dẫn tới ngập úng, người dân sẽ không chủ động kịp thời bơm tháo nước, ảnh hưởng năng suất. Bên cạnh đó, sau khi lũ về, để chuẩn bị cho vụ Đông Xuân, nước rút chậm phụ thuộc vào cống, nên năm nào cũng gieo sạ trễ, ảnh hưởng han mặn sau Tết.

Với việc đầu tư trạm bơm, hệ thống kênh mương nội đồng và triển khai mô hình Canh tác lúa thông minh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, người nông dân đã chủ động được việc bơm nước và gieo sạ sớm hơn các năm trước. Nhờ vậy, lúa phát triển tốt, đảm bảo lịch thời vụ lại không chịu ảnh hưởng hạn mặn, năng suất ổn định gấp 1,5 lần so với trước đây, khu vực cánh đồng thông minh của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Cây Chôm bình quân đạt năng suất 6,7 - 6,8  tấn/ha.

Có thể nói, mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu trên đất phèn mặn mang lại hiệu quả cao trong sản xuất. Trong năm 2020 này, xã Lình Huỳnh sẽ vận động thêm nông dân tham gia vào hợp tác xã, mở rộng diện tích sản xuất. Qua đó, giúp người dân nông thôn nâng cao giá trị sản xuất, tăng lợi nhuận, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Hồng Đạt

Có thể bạn quan tâm