Kỹ thuật ươm trồng ổi

Kỹ thuật ươm trồng ổi
Nông dân xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ chăm sóc ổi. Ảnh Hoàng Nguyên/TTXVN
Nông dân xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ chăm sóc ổi.
Ảnh Hoàng Nguyên/TTXVN

Là thành phần của khu hệ sinh thái khép kín (VAC) và còn là cây cảnh (như ổi tầu) cho dáng đẹp (bon sai khi trồng trong bồn chậu) hoa đẹp và thơm thuộc loại bon sai có hoa quả, nên ổi ngày càng được trồng nhiều, ít đòi hỏi chủ nhân chăm sóc, bởi thích nghi cao, chịu đựng tốt với bất lợi của ngoại cảnh (môi trường sống).

Nhân giống ổi rất dễ dàng bằng cả hai con đường: Sinh sản hữu tính và vô tính.

– Nhân hữu tính bằng lấy hạt từ những quả chín tự nhiên (chín cây) từ cây mẹ dãi nắng có tuổi từ 5 – 15 năm (đang sung sức). Chọn những quả to, nây đều rồi bổ, nạo hạt đem xát bỏ vỏ nhầy bọc ngoài đem phơi dưới nắng nhẹ cho khô giòn rồi bảo quản nơi kín và khô đảm bảo được tỷ lệ nảy mầm cao (tới trên 90%) sau 1 – 2 năm.

Gieo vào đầu xuân, tới giữa mùa hạ khi cây giống cao từ 15 – 20cm hãy ươm tiếp trên nền đất mầu, cao ráo và thường xuyên ẩm sau 1 – 2 tháng rồi mới ra ngôi (định vị) gốc cách gốc tối thiểu 4m (trung bình 4,5 – 5m) để trưởng thành khép tán không xảy ra cạnh tranh sinh tồn (cây chạm lá). Chỉ sau 3 –4 năm là bói, cây gieo từ hạt có tuổi thọ rất cao (từ hàng chục đến hàng trăm năm).

– Nhân vô tính chủ yếu bằng chiết cành vào mùa nóng ẩm khi cây phát nhựa. Chọn những cành “bánh tẻ” (có mầu vỏ trung gian gốc–ngọn, chưa hóa bần “xù xì”) ở cây mẹ đã bói để khoanh bóc vỏ, cạo sạch “tơ” (là mô phân sinh – tượng tầng) để tránh “dẫn thủy liền sẹo” rồi để ráo nhựa, hình thành mô sẹo sau 3 –5 ngày mới bọc đất, bó bầu. Đây là kinh nghiệm quý của bà con nông dân ở những vùng thâm canh ổi như Bo ở Thái Bình. Nên chọn những cành dãi nắng (lộ sáng) phát ra ở hướng đông đến nam được hưởng vi khí hậu tối ưu thì vỏ dầy chứa nhiều nhựa sống, sớm phát nhanh và nhiều rễ. Sau 3 –4 tháng khi thấy rễ thứ cấp mang lông hút lan tỏa như tơ nhện ở ngoại vi bầu là ta cắt cành hạ thổ. Trồng ổi bằng chiết (hoặc giâm, cấy mô v.v… nếu có đủ điều kiện kích thích mô phân sinh phát rễ) thì “chóng ăn” nhưng cũng “chóng tàn” vì tuổi cây giống tiếp theo tuổi của cây mẹ mà thôi, sớm cỗi (thoái hóa). Đây là biện pháp bổ sung nhanh cho vườn để sớm thu hoạch.

– Gốc ghép được 5 – 6 tháng tuổi thì có thể bắt đầu ghép. Chọn cành ghép ở các giống ổi có năng suất cao, ít hạt, vị ngọt , giòn… để ghép, chọn những cành 1 tuổi đường kính 10 – 12mm, 10 ngày trước khi lấy mắt ghép cắt bớt lá để cho mắt sưng lên, dễ bật. Cành ghép, sau khi cắt xong, nhúng hai đầu vào sáp hay nến có thể giữ được 6 – 7 ngày nhưng vừa cắt xong ghép ngay là tốt nhất, tránh những tháng mưa quá nhiều.

– Chiết cành: Chọn cây ổi thấp nhiều cành lá, chỉ cần bóc vỏ, uốn cong sát mặt đất, phủ đất lên cho ra rễ, 2 – 3 tháng có thể cưa cành chiết đem trồng. Có thể không bóc vỏ, dùng một sợi dây thép xoắn chặt quanh cành chiết, ở chỗ cành bị vùi xuống đất, rễ sẽ mọc ra ở phía trên sợi dây thép. Khi cây ổi đã lớn, cành thấp sát mặt đất không còn, chiết cao theo phương pháp chiết vải, cam, bưởi… các cành có đường kính độ 1,5cm, bóc một đoạn vỏ 2cm, khô 1 – 2 ngày, bọc bằng đất bùn thật xốp, có kích thích tố như IBA, NAA 3 – 5000 ppm rắc vào chỗ chiết tỷ lệ ra rễ càng cao. Chọn cành khoẻ lấy trên một cây còn non, bầu đủ ẩm, đủ thoáng chỉ 5 – 6 tuần lễ là ra rễ, 2 – 3 tháng có thể rễ ra đầy giá thể, 6 – 8 tuần lễ nữa thì có cây con đủ tiêu chuẩn trồng.

– Trồng bằng hom rễ: moi rễ hoặc chọn chỗ rễ nổi trên mặt đất đường kính phải to hơn 1 cm, dùng dao hay xẻn cuốc chặt đứt ở chỗ cách gốc cây độ 80 – 90cm. Khúc rễ bị cắt rời khỏi cây mẹ, phía dưới còn rễ cám bật lên một cành mới. Đợi mầm non cao độ 10cm có thể trồng ra vườn ương. Khoảng 6 – 8 tháng sau khi ở vườn ương cây con sẽ phát triển đủ tiêu chuẩn trồng.

– Cắm cành: Là phương pháp nhân giống ổi có nhiều triển vọng. Cắm cành, nếu đốn tỉa bón phân cho cây mẹ đúng cách thì một cây mẹ 4 tuổi đường kính 3cm có thể cung cấp đủ hom để ương 1000 cây con. Sử dụng phương pháp cắm cành, nếu muốn đạt tỷ lệ ra rễ cao nên dùng cành con vì cành con chứa nhiều tirozin, axit aspactic và glutamic, đồng thời ít lizin hơn cành già. Nhúng cành giâm vào các dung dịch IBA, NAA 100 ppm trong 12 giờ trước khi cho vào bể giâm thì tăng tỷ lệ ra rễ. Giâm cành trong điều kiện phun mù lại càng tạo điều kiện cho hom ra rễ nhanh và nhiều hơn.

– Giâm cành trong những bể không đáy, lót đá, cát bên dưới để thoát nước tốt, sau đó phủ lớp đất bên trên, tránh mưa lớn xâm nhập vào khay.

Chuẩn bị cành giâm như sau: Trên cây mẹ cắt hết những cành nhỏ đường kính dưới 1 cm để có cành giâm khoẻ, to. sau đó bón phân tổng hợp nhiều đạm, 50 ngày sau có thể lấy một đợt cành giâm 4 – 6 lá và 35 ngày sau nữa lại cắt được 1 đợt cành thứ hai. Cành cắt xong đem giâm ngay, không để héo. Chân cành giâm phải cắt bằng dao ghép, thật sắc. Không cắt lá hoặc xén, để phòng bào tử nấm xâm nhập. Chân cành nhúng vào một hỗn hợp bột tanca và axit indola butiric (IBA) 2000ppm. Cắm chân cành xuống các sâu 2cm không để lá tiếp xúc với cát. Mật độ cắm là 50hom/m2, cành ở bể giăm khoảng 40 ngày. Phun mù từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Khi mưa to cắt nước không phun. Đến ngày thứ 30 nếu trời không nắng to, có thể cắt nước không phun 3, 4 lần 1 ngày, mỗi ngày cắt 30 phút.

Sau khi cấy 20 ngày, cành giâm bắt đầu ra rễ, sau 40 ngày không phun mù nữa, đưa ra cấy ở chậu hay túi polietilen. Đất ở chậu hay túi này 4/5 là đất mùn, 1/5 là cát cứ mỗi lít đất bón thêm 4g một loại phân tổng hợp tỷ lệ NPK là 8 – 8 – 28, 2 gam Amon Sunfat, l0g Magie Sunfat, chậu hay túi đem để ở chỗ che bóng khá dày và cố định trong thời gian 35 – 40 ngày. Khi thấy có những mầm mới người ta đưa ra chỗ nhiều ánh sáng và tưới ít hơn. Từ khi mới giâm đến khi có cây con cứng cáp có thể ra ngôi cần khoảng 7 tháng thì có thể làm cây giống để trồng.
Theo: oi.com.vn

Có thể bạn quan tâm