Kỹ thuật trồng tre lấy măng

Kỹ thuật trồng tre lấy măng
1. Sửa soạn đất Tre phải được trồng trên đất cao ráo, không bị ngập úng. Đất thấp có thể làm thối măng tre sau nầy. Hầu hết đất ở Đồng Bằng Sông Cửu Long có thành phần cơ giới nặng, nhiều sét nên cần được cuốc xới trước khi đào hố trồng tre. Riêng những vùng đất chân núi, đất giồng cát có thành phần cơ giới nhẹ chỉ cần chuẩn bị hố trồng tốt là được. Hố trồng cần được chuẩn bị trước khi đặt cây con từ nửa tháng đến một tháng. Hố có kích thước mỗi cạnh 60 cm và sâu 60 cm. Để giúp cây nhanh bén rễ và phát triển tốt sau nầy cần cung cấp khoảng 10-15 kg phân hữu cơ đã hoai mục (như phân chuồng, phân rơm rạ, …) cộng với 0,5-1 kg phân lân trộn đều với đất mặt và lấp đầy hố. Tùy loại đất, tùy điều kiện đầu tư, tre được trồng với nhiều mật độ khác nhau: 3 x 3 m (1.100 cây/ha); 4 x 4 m (620 cây/ha); 4,5 x 4,5 (500 cây/ha); 5 x 5 m (400 cây/ha)... Ở những nơi đất thấp, cần phải đánh rãnh thoát nước và đấp mô. Đường kính mặt mô khoảng từ 0,8-1 m, cao từ 30-50 cm để nâng cao tầng mặt, thoát nước khi mưa dầm, để cây phát triển tốt. Trong hai năm đầu có thể trồng xen rau, màu hoặc những loại cây ăn trái ngắn ngày khác giữa hàng tre để tăng thêm thu nhập.
Hình minh họa. Nguồn ảnh: canthostnews.vn
Hình minh họa. Nguồn ảnh: canthostnews.vn
2. Cách trồng Nếu có đủ nước tưới có thể trồng bất cứ tháng nào trong năm. Riêng vùng đất chân núi, đất giồng thiếu nước thì nên trồng vào đầu mùa mưa. Đặt cây con bằng cách đào một lỗ rộng và sâu tương đương với bầu cây con. Để bầu đất không bị bể nên dùng lưỡi lam hay dao bén rạch xung quanh bọc nylon ở phần sát dưới đáy bầu để loại bỏ lớp nylon ở đáy. Sau đó đặt cây con vào hố, tiếp tục rạch một đường bên hong bọc nylon thẳng từ trên xuống dưới rồi rút bỏ phần nylon còn lại nầy. Cây được đặt thẳng đứng, lấp đất chung quanh ngang với mặt bầu và nén chặt vừa phải để đất còn đủ độ thông thoáng. Ở những nơi đất cao có thể đặt bầu thấp hơn mặt đất từ 5-10 cm. Để cây không bị lung lay hay đỗ ngã làm đứt rễ non đang phát triển, cần phải cố định bằng cách dùng cây chỏi, tốt nhất chỏi ba cây theo kiểu chân kiềng.3. Chăm sóc Một tuần sau khi trồng, cây đã bén rễ, có thể hòa phân urê với liều lượng 1 muỗng canh trong thùng 20 lít tưới cho 3-4 bụi, mỗi tuần tưới một lần. Chỉ tiến hành bón phân khi rễ đã phát triển mạnh và có nhiều lá mới (khoảng 1-2 tháng sau khi trồng). Vào năm thứ nhất, cứ mỗi 2 tháng nên bón 100-200 g/bụi phân N-P-K (20-20-15). Bón bằng cách đánh rãnh chung quanh cách buội từ 20-40 cm, tùy theo sự phát triển của rễ, rồi rải đều phân, lấp đất và tưới nước. Từ năm thứ hai trở đi liều lượng phân tăng từ 200-300 g/bụi. Để giúp đất tơi xốp cần bón thêm phân hữu cơ từ 25-35 kg/bụi trước mùa mưa một tháng. Vào mùa khô, lúc còn nhỏ cần cung cấp đủ nước để cây sinh trưởng và phát triển (đặc tính tre Lục Trúc rất ưa ẩm) tăng nhanh số cây trên bụi. Đến 2-3 năm sau khi trồng (bắt đầu khai thác măng), thì việc tưới nước trong mùa khô có thể cho thu hoạch măng trái vụ. Sau khi trồng được 15 tháng, nếu chăm sóc tốt, cây con từ một nhánh chiết ban đầu sẽ phát triển thành bụi cho nhiều cây con, mỗi bụi trung bình có từ 35 đến 45 cây, thời điểm nầy có thể chiết từ 20-30 nhánh/bụi để phát triển thêm vườn tre.
Theo: caab.ctu.edu.vn

Có thể bạn quan tâm