Kỹ thuật nuôi dê thịt

Kỹ thuật nuôi dê thịt
Ảnh minh họa - TTXVN
Ảnh minh họa - TTXVN

Khi tôi lên Cao Bằng, một lão nông đã nói với tôi rằng: “Mình đã nuôi dê từ thời Tây. Đến nay mình vẫn nuôi dê. Con dê có một đặc điểm hơn hẳn các loài vật nuôi khác là: Giá thịt dê luôn luôn lên, chưa bao giờ xuống cả...”. Rất nhiều gia đình đã nuôi dê đều tán thành điều ấy.

Dê là một loài động vật tạp ăn. Nó có thể ăn nhiều loại lá cây, kể cả lá xoan mà lâu nay ta coi là rất độc. Ngoài ra, các loại phụ phẩm nông nghiệp khác dê đều ăn được. Tôi đã tới Ninh Thuận giữa những ngày nắng như đổ lửa, cây cỏ trụi hết và thấy đàn dê ăn cả lá xương rồng đầy gai. Còn ở vùng núi đá khô khốc của Hà Giang, hàng đàn dê vẫn nhảy nhót như đùa trên những sườn đá cheo leo để kiếm ăn. Chúng đúng là loài phi thường, ở đâu cũng nuôi được.

Dê rất dễ nuôi. Có thể nuôi dê theo hình thức chăn thả hoặc nuôi nhốt trong chuồng. Chúng ít bệnh tật mà lại mắn đẻ nên đàn dê tăng rất nhanh. Người ít vốn cũng nuôi được dê. Nuôi dê cũng tốn ít công sức mà lại thu hồi vốn nhanh, hiệu quả kinh tế rất rõ ràng...

Bà con có thể nuôi dê thịt hoặc dê sữa. Hiện nay, hầu hết bà con nuôi dê thịt. Loài dê thịt phổ biến nhất vẫn là dê địa phương, hay còn gọi là dê cỏ. Nó có màu lông vàng nâu hay loang đen, loang trắng. Loại này chỉ nặng chừng 30-35kg/con. Chúng chỉ cần 6-7 tháng tuổi là đã có thể phối giống, khoảng 2 năm đẻ 3 lứa, mỗi lứa 1-2 con. Dê cỏ rất dễ nuôi, thịt của chúng lại ngon nên bà con nuôi nhiều.

Gần đây, người ta đưa giống dê mới vào nuôi, đó là dê Bách Thảo. Dê Bách Thảo có tầm vóc cao to, đầu dài, trán dô, tai cụp... và đa số có màu lông đen tuyền. Loại dê này hiền lành, ít phá hoa màu, dễ nuôi và cho năng suất thịt cao. Con cái nặng khoảng 40-45kg, còn con đực có khi tới 80kg, gấp đôi dê cỏ. Chúng đẻ khỏe: Lứa đầu đẻ 1 con, nhưng từ lứa thứ 2 trở đi đều đẻ 2 con. Lượng sữa của dê Bách?Thảo cũng gấp 3-4 lần dê cỏ.

Nếu bạn đến thăm Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ ở Ba Vì (Hà Nội), bạn sẽ rất ngạc nhiên khi bắt gặp một loài dê mới, đó là con dê Bo (Boer). Đây là loài dê chuyên lấy thịt. Nó có thể nặng tới 140kg, ngang với chú bò Cóc của ta.

Dê Bo nhập từ Mỹ về. Nó cũng mau chóng thích ứng với điều kiện nuôi ở Việt Nam. Hiện nay, giống dê này cũng đã được cung cấp cho các tỉnh để nhân đàn hoặc lai chúng với các giống dê ở địa phương.

Nếu bà con muốn nuôi dê, trước hết phải lo làm chuồng trại. Chuồng trại chỉ cần làm đơn giản nhưng vững chắc, đảm bảo khô ráo, sạch sẽ, thoát nước tốt, thuận lợi cho việc quét dọn và có thể giữ ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè.

Còn về giống dê phải quan tâm tới cả ngoại hình và nguồn gốc của con đực và con cái. Ngoài ra, cần chú ý tới đặc điểm phối nhiều lần của chúng. Nếu dê cái động dục buổi sáng thì buổi chiều ta cho dê đực vào phối và sáng hôm sau cho nó phối tiếp lần nữa.

Để nuôi dê tốt, bà con nên tìm đọc cuốn “Nghề chăn nuôi dê” của TS Phùng Quốc Quảng (trong bộ sách “100 nghề cho nông dân”).
Theo danviet.vn

Có thể bạn quan tâm