Kỹ thuật chăm sóc lợn nái sau đẻ

Kỹ thuật chăm sóc lợn nái sau đẻ
Heo nái với lượng sữa tiết ra tốt sẽ giúp heo con lớn khỏe mạnh. Ảnh : baomoi.com
Heo nái với lượng sữa tiết ra tốt sẽ giúp heo con lớn khỏe mạnh.
Ảnh : baomoi.com

Với nhiều năm bám sát thực tế và hướng dẫn các chủ hộ chăn nuôi phát triển các đàn lợn nái ngoại, kỹ sư chăn nuôi đã đúc rút được một số kinh nghiệm chăm sóc lợn mẹ và đàn con sau sinh nhằm đạt kết quả cao. Xin được giới thiệu từng khâu quan trọng trong giai đoạn này như sau để người nuôi tham khảo:

+ Chuẩn bị chuồng úm và dụng cụ cần thiết khi heo mẹ sinh:

Trước khi đẻ khoảng 15 ngày lợn mẹ cần được chuyển từ chuồng chửa sang chuồng đẻ. Khi lợn mẹ có những triệu chứng báo đẻ người nuôi cần chuẩn bị chuồng úm. Chuồng úm phải có hệ thống bóng sưởi đảm bảo nhiệt độ chuồng khoảng 32 độ C. Lợn con sẽ được nhốt riêng vào những ngày đầu sau sinh.

Dụng cụ cần có để đỡ đẻ cho lợn nái: Chuẩn bị kéo, panh kẹp, thuốc sát trùng (cồn Iodin) để sát trùng dây rốn cho lợn con.

+ Cho lợn con bú mẹ ngay sau sinh: Lợn con sau sinh được làm khô sạch sẽ, cắt dây rốn và cho bú sữa đầu càng sớm càng tốt. Vì sữa non có nhiều hàm lượng dinh dưỡng nhất là protein và kháng thể.

Chú ý: Người nuôi không nên cắt răng nanh ngay cho lợn con sau sinh vì làm vậy lợn con sẽ bị ê răng, bú kém hơn. Đồng thời không nên để lợn con chậm bú mẹ vì sau sinh để lâu lợn con sẽ bị cứng hàm và không biết bú.

+ Cố định đầu vú cho lợn con: Giữa các vú, chất lượng và số lượng sữa cũng sẽ khác nhau. Cố định đầu vú cho lợn con nhằm mục đích nâng cao được sự đồng đều của đàn con.

Ngoài ra, cách này còn giúp cho lợn con có phản xạ trong khi bú, nâng cao chất lượng sữa mẹ. Vì nếu có sự tranh giành vú giữa các con, tinh thần lợn mẹ sẽ không được ổn định thì khả năng cho sữa và chất lượng sữa sẽ giảm. Tốt nhất nên bố trí sắp xếp con nhỏ bú ở vú ngực, con to bú ở vú bụng.

+ Tiêm sắt cho lợn con: Lợn con sau sinh từ 2 - 3 ngày cần được tiêm sắt nhằm mục đích hạn chế trường hợp thiếu máu, giúp lợn con hồng hào, và giảm được tỉ lệ tiêu chảy... Đồng thời, sau khi tiêm sắt cần phải nhỏ cầu trùng để hạn chế tiêu chảy.

Các con lợn đực trong đàn không để làm giống cần tiến hành thiến khi lợn được 4 - 7 ngày tuổi.

+ Tập cho lợn con ăn: Sau khi sinh được 4 - 7 ngày, người nuôi có thể tập cho lợn ăn để làm quen với thức ăn. Nguyên tắc khi tập ăn là ăn ít thức ăn và ăn thường xuyên. Người nuôi có thể tăng lượng thức ăn theo từng ngày tùy theo nhu cầu của lợn con.

Sau khi lợn con đã ăn được thức ăn ngoài thì chủ hộ có thể cai sữa khi lợn con được khoảng 28 ngày tuổi đảm bảo trọng lượng trung bình của lợn con khi cai sữa đạt 6 - 7 kg.

Để giảm stress cho lợn con khi cai sữa người nuôi cần áp dụng một số biện pháp sau:

- Không nên cai sữa đột ngột. Chỉ nên giảm số lần bú của lợn con trước khi cai sữa 2 - 3 ngày và cho lợn mẹ ăn ít để giảm dần lượng sữa mẹ, giúp lợn mẹ không cương cứng vú.

- Nên cai sữa vào buổi tối bằng cách di chuyển lợn mẹ sang chuồng chửa để lại lợn con ở chuồng đẻ.

- Không nên cai sữa cho lợn con vào ngày có thời tiết bất lợi (mưa gió, thời tiết thay đổi đột ngột) hay lợn con đang bị bệnh.

- Ngày cai sữa nên cho lợn mẹ nhịn ăn, ngày thứ 2 sau cai cho mẹ ăn bằng 1/3 khẩu phần bình thường. Ngày thứ 3 ăn tăng 2/3 khẩu phần và ngày thứ 4 trở đi cho ăn bình thường.
Theo:kythuatnuoitrong.edu.vn

Có thể bạn quan tâm