Huyện Nghĩa Hành phát triển mô hình vườn cây ăn quả

Huyện Nghĩa Hành phát triển mô hình vườn cây ăn quả
Nông dân trồng sầu riêng hữu cơ bán được giá cao. Ảnh: Võ Thanh Sang - TTXVN
Nông dân trồng sầu riêng hữu cơ bán được giá cao.
Ảnh: Võ Thanh Sang - TTXVN

Đây cũng là địa phương duy nhất và độc đáo nhất của tỉnh Quảng Ngãi và của cả khu vực dải miền Trung khi trái cây bén duyên trên mảnh đất này. Từ số ít hộ dân tham gia trồng đạt thu nhập cao, thoát nghèo, chính quyền địa phương mạnh dạn mở rộng vùng trồng cây ăn trái. Sau nhiều năm thực hiện, đến nay toàn huyện Nghĩa Hành có hơn 300 ha cây ăn trái các loại, nhiều nhất là sầu riêng 77 ha, bưởi 60 ha, chôm chôm 28 ha…

Các giống cây miền nam trồng vùng trung du sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao so với nhiều loại cây trồng khác. Trung bình mỗi hộ dân trồng, phát triển vườn cây ăn trái, mỗi năm thu về từ 50 - 170 triệu đồng. Nguồn thu ổn định, năng suất cao giúp nhà nông vùng ven sông Phước Giang thoát nghèo.

Tại vùng đất bồi ven sông Phước Giang thuộc các xã Hành Nhân, Hành Minh, Hành Dũng, người dân bắt đầu trồng măng cụt, thanh long, chôm chôm, nhãn lồng. Những vùng cao, pha đất đỏ trồng sầu riêng, bưởi.

Ông Phan Bình, Bí thư, Chủ tịch huyện Nghĩa Hành cho biết, hiện huyện Nghĩa Hành có khoảng 300 ha cây ăn quả. Địa phương xác định việc trông cây ăn quả như: chôm chôm, sầu riêng, bưởi da xanh… là cây mũi nhọn của Nghĩa Hành và đây cũng được chọn là mô hình thí điểm của tỉnh trong việc phát triển trồng cây ăn quả. Huyện xác định từ nay đến 2020 sẽ hoàn thiện khoảng 500 ha cây ăn quả trên địa bàn và đến 2025 sẽ là 1.000 ha.

“Rõ ràng qua nhiều năm triển khai, mô hình trồng cây ăn quả bước đầu đã đem lại hiệu quả khá thiết thực về kinh tế cho các hộ dân tham gia; nhất là hiệu quả trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ những vườn keo kém hiệu quả, hoặc ở những vườn đồi đất đai cằn cỗi, khó phát triển các loại cây nông nghiệp khác”, ông Phan Bình chia sẻ.

Ông Phan Bình cho biết thêm: “Để thực hiện chỉ tiêu này, huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể đồng thời mời các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý khảo sát để quy hoạch vùng phát triển cây ăn trái. Năm 2019, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã trích ngân sách hỗ trợ huyện 3,5 tỷ đồng cùng với huyện Nghĩa Hành trích ít nhất 1,2 tỷ đồng để giúp người dân mua cây giống, phân bón cũng như đưa khoa học công nghệ vào sản xuất; khuyến khích người dân trồng tập trung để thuận tiện trong  việc quy hoạch, chăm sóc cũng như đưa Khoa học công nghệ vào sản xuất.” 

Song song với việc phát triển mở rộng diện tích phát triển trồng cây ăn trái, huyện đã tiến hành làm hồ sơ gửi Sở Khoa học công nghệ để trình lên cấp có thẩm quyền công nhận nhãn hiệu trái cây Nghĩa Hành.

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Nghĩa Hành mở rộng vùng chuyên canh cây ăn trái giai đoạn 2016 -2020, trồng các loại cây trái giống miền nam trên diện tích 1.000 ha. Vùng đất được chọn làm vùng chuyên canh là xã Hành Nhân, Hành Phước, Hành Thiện và Hành Đức.

Những loại cây tưởng như "khó tính" này đã phát triển tươi tốt và sai quả. Cây chôm chôm, bưởi da xanh ở Nghĩa Hành luôn trĩu quả những ngày mùa mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Sỹ Thắng

Có thể bạn quan tâm