Huyện biên giới Đức Cơ hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch

Huyện biên giới Đức Cơ hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch
Một vườn tiêu nuôi cấy mô của người dân tại huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN
Một vườn tiêu nuôi cấy mô của người dân tại huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai.
Ảnh: Hoài Nam - TTXVN
Mô hình tổ hợp tác sản xuất cà phê VietGAP tại thôn Ia Gôn, xã Ia Krêl của 60 hộ dân liên kết hình thành nên cánh đồng lớn 100 ha là thành quả sau gần 1 năm phấn đấu của địa phương. Tham gia mô hình này, người nông dân được tập huấn, chuyển giao qui trình chăm sóc tiên tiến, đồng bộ theo tiêu chuẩn VietGAP. Điều đáng mừng là mô hình này cũng đã được các chuyên gia giám định mẫu đất, nước, qui trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…và đang trong giai đoạn chờ công nhận sản phẩm đạt chuẩn VietGAP. Ông Hoàng Xuân Thủy, tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất cà phê VietGAP thôn Ia Gôn cho biết, tham gia mô hình này, nông dân được ngành nông nghiệp huyện trực tiếp tư vấn kỹ thuật ngay tại vườn cây và được các chuyên gia về kiểm tra toàn bộ qui trình chăm sóc cũng như môi trường đảm bảo đúng tiêu chí. Mong rằng sản phẩm cà phê này sẽ được các doanh nghiệp, người tiêu dùng quan tâm để người dân yên tâm đầu tư nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm. Với sản lượng đạt khoảng 350 tấn, tổ hợp tác sản xuất cà phê VietGAP thôn Ia Gôn, xã Ia Krêl đang là địa chỉ hấp dẫn đối với các doanh nghiệp đầu tư sản xuất sản phẩm cà phê sạch cung ứng cho thị trường nội địa và quốc tế.
Nuôi cấy mô cây trồng được xem là tương lai của ngành nông nghiệp huyện Đức Cơ. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN
Nuôi cấy mô cây trồng được xem là tương lai của ngành nông nghiệp huyện Đức Cơ. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN
Ông Nguyễn Quốc Tư, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đức Cơ cho biết, mô hình tổ hợp tác sản xuất cà phê VietGAP thôn Ia Gôn được triển khai từ tháng 3/2017 và đây là mô hình cánh đồng lớn có qui mô lớn nhất trong toàn tỉnh. Tham gia mô hình này, người nông dân được hướng dẫn canh tác đồng bộ theo quy trình chuẩn. Cùng với đó, đầu vào của các sản phẩm nông nghiệp cũng có sự liên kết nên giảm được giá thành đầu tư; sản phẩm đầu ra có sản lượng lớn dễ tìm được nhà đầu tư lớn với giá thành cạnh tranh hơn nên nông dân rất phấn khởi. Để mô hình này phát triển hiệu quả, bền vững rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành trong tỉnh, các doanh nghiệp hỗ trợ tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Ngành nông nghiệp cũng đã liên hệ với 3 doanh nghiệp và đáng mừng đã có 1 doanh nghiệp quan tâm đến sản phẩm của tổ hợp tác, ông Tư chia sẻ. 
Bộ mặt nông thôn, đường giao thông tại huyện Đức Cơ ngày một khởi sắc. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN
 Bộ mặt nông thôn, đường giao thông tại huyện Đức Cơ ngày một khởi sắc.
Ảnh: Hoài Nam - TTXVN
Cùng với cây cà phê, hồ tiêu cũng được xác định là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao nên việc định hướng phát triển bền vững loại cây trồng này cũng được huyện Đức Cơ đặt mục tiêu hàng đầu. Chỉ tính riêng trong năm 2017, huyện Đức Cơ đã kịp hoàn thành 3 dự án quan trọng gồm: Dự án xây dựng mô hình trình diễn giống hồ tiêu nuôi cấy mô; Dự án nâng cấp phòng thí nghiệm nuôi cấy mô tế bào thực vật để nâng cao năng lực sản xuất giống cây hồ tiêu nuôi cấy mô và Dự án xây dựng trạm thực nghiệm sản xuất giống cây trồng và vật nuôi trên địa bàn. Đây là những dự án được coi như nền tảng cơ bản để vùng biên giới Đức Cơ hướng đến sản xuất hồ tiêu theo chuỗi liên kết giá trị từ khâu sản xuất đến chế biến tiêu thụ sản phẩm gắn với quản trị hiện đại góp phần nâng tầm vị thế hồ tiêu trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt. 
Công trình thủy lợi Ia Nan cung cấp nước tưới tiêu cho hàng trăm hecta cây trồng trên địa bàn huyện Đức Cơ. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN
Công trình thủy lợi Ia Nan cung cấp nước tưới tiêu cho hàng trăm hecta cây trồng trên địa bàn huyện Đức Cơ. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN
Ông Trịnh Văn Thành, Phó Chủ tịch huyện Đức Cơ cho biết, chủ trương của địa phương là tập trung nâng cao đời sống cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, với quyết tâm nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên trên 31 triệu đồng/người/năm. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh đầu tư có trọng tâm cơ sở hạ tầng, huyện chú trọng đẩy mạnh xây dựng các mô hình trình diễn, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất trên cây lúa, cây tiêu, cây cà phê… tạo tiền đề để người dân canh tác bền vững, tăng thu nhập góp phần xóa đói giảm nghèo. Huyện Đức Cơ hiện sở hữu trên 18.500 ha cây trồng các loại; trong đó, hơn 14.500 ha cây công nghiệp dài ngày với các loại cây chủ lực như cà phê (hơn 5.000 ha), cao su (hơn 4.000 ha), điều (hơn 4.300 ha) và hồ tiêu (hơn 600 ha).... Trước thực trạng thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, huyện biên giới Đức Cơ đã chủ động định hướng nhân dân trên địa bàn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho các diện tích cây trồng.
Bộ mặt nông thôn, đường giao thông tại huyện Đức Cơ ngày một khởi sắc. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN
Bộ mặt nông thôn, đường giao thông tại huyện Đức Cơ ngày một khởi sắc.
Ảnh: Hoài Nam - TTXVN
Cụ thể, đến thời điểm này, toàn huyện đã xây dựng được trên 200 mô hình tưới nước tiết kiệm cùng nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất trồng lúa thường xuyên bị hạn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, huyện cũng đã đầu tư gần 10 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa thủy lợi Ia Nan (thuộc làng Tung, xã Ia Nan) và công trình này đang trong giai đoạn hoàn thành. Sau khi hoàn thành, công trình thủy lợi Ia Nan sẽ đảm bảo cung cấp nước tưới cho 70 ha lúa nước 2 vụ, 100 ha cà phê và các loại cây trồng khác thường xuyên thiếu nước tưới trên địa bàn. 
Nguyễn Hoài Nam

Có thể bạn quan tâm