Hướng đi mới hiệu quả của nông dân Gia Lai

Hướng đi mới hiệu quả của nông dân Gia Lai
Xen canh, đa canh là mô hình nông nghiệp mới đã đưa nông dân tỉnh Gia Lai bước qua giai đoạn khủng hoảng do cây hồ tiêu chết hàng loạt, cao su, cà phê mất giá, các loại cây trồng khác chưa có định hướng trong cơ cấu chuyển đổi.
Vườn xen canh hồ tiêu, các loại gỗ rừng của gia đình anh Lê Hùng Huấn, thôn An Điền, xã Ia Blang, huyện Chư Sê cho thu hoạch hàng tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Vườn xen canh hồ tiêu, các loại gỗ rừng của gia đình anh Lê Hùng Huấn, thôn An Điền, xã Ia Blang, huyện Chư Sê cho thu hoạch hàng tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Tại thủ phủ hồ tiêu Chư Sê, nhiều năm trở lại đây, nông dân điêu đứng vì hồ tiêu nhiễm bệnh chết hàng loạt khiến nhiều người lâm vào cảnh nợ nần. Giá cà phê, cao su tụt dốc kéo theo nền kinh tế  của địa phương sụt giảm nghiêm trọng. Với kinh nghiệm hàng chục năm trồng xen canh, đa canh hơn 40 ha các loại cây trồng, anh Lê Hùng Huấn ở thôn An Điền, xã Ia Blang, huyện Chư Sê vẫn có nguồn thu hàng tỷ đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí. Anh Huấn chia sẻ: "Với diện tích 40 ha, tôi trồng 30 ha cao su, 6 ha tiêu, 4 ha đinh lăng và sachi. Tùy vào từng thời điểm, tôi xác định đâu là cây trồng chủ lực để có thể xen canh các loại cây khác nhau cho phù hợp. Khi cao su còn nhỏ, tôi xen canh đậu, khoai lang, cây ăn trái ngắn ngày. Vườn tiêu tôi xen canh các loại gỗ như lát, gáo vàng…
Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Quang Minh (huyện Chư Sê) trồng xen canh cây dược liệu dưới tán cao su tái canh cho hiệu quả bước đầu rất khả quan. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Quang Minh (huyện Chư Sê) trồng xen canh cây dược liệu dưới tán cao su tái canh cho hiệu quả bước đầu rất khả quan. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Lấy ngắn nuôi dài, các loại cây này chỉ cần bón phân, tưới nước cho 1 loại thì các giống khác cũng vì thế mà tốt hơn. Ngoài việc xen canh, đa canh ra thì điểm mấu chốt để giữ các giống cây phát triển bền vững và ít nhiễm sâu bệnh là chăm sóc theo hướng bón phân hữu cơ vi sinh, để lại thảm cỏ tự nhiên trong vườn rẫy, trồng các loại cây có tán để lấy bóng mát…" Hiện tại, tỉnh Gia Lai có diện tích đất lâm nghiệp gần 750.000 ha, rất đa dạng, phong phú chủng loại tài nguyên rừng; trong đó, có cây dược liệu. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có gần 600 loài cây dược liệu; trong đó, có 21 loài là thực vật quý hiếm được ghi nhận trong sách Đỏ Việt Nam, 30 loài cây dược liệu chính được sử dụng rộng rãi, có giá trị kinh tế như: sa nhân, ba kích, bách bộ, hoàng đằng, cam thảo dây, địa liền, lan kim tuyến, hà thủ ô, ngũ gia bì, kim tiền thảo, nghệ đen…. Đây chính là tiềm năng rất lớn để phát triển cây dược liệu trở thành sản phẩm chủ lực, góp phần quan trọng cho việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân và phát triển kinh tế, xã hội.
Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Quang Minh (huyện Chư Sê) trồng xen canh cây dược liệu dưới tán cao su tái canh cho hiệu quả bước đầu rất khả quan. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Quang Minh (huyện Chư Sê) trồng xen canh cây dược liệu dưới tán cao su tái canh cho hiệu quả bước đầu rất khả quan. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Trồng xen canh cây dược liệu dưới rừng cao su tái canh cũng là một trong những bước đi mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân tại Gia Lai. Ông Đào Hùng Sơn, Chủ tịch Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Quang Minh (huyện Chư Sê) cho biết, hợp tác xã đã triển khai trồng khoảng 40 ha các loại cây dược liệu như: cà gai leo, hinh lăng, hà thủ ô đỏ, sâm đương quy… trên diện tích đất cao su tái canh thuê của các doanh nghiệp địa phương. Hiện tại, các cây trồng đều phát triển xanh tốt, kết quả bước đầu rất khả quan. Vùng nguyên liệu dược liệu này đã được các công ty, hãng dược phẩm lớn trong nước đặt hàng, bao tiêu sản phẩm nên bà con không lo ngại về đầu ra. Qua năm 2020, hợp tác xã sẽ nhân rộng diện tích dược liệu lên khoảng 100 ha.
Vườn xen canh hồ tiêu, các loại gỗ rừng của gia đình anh Lê Hùng Huấn, thôn An Điền, xã Ia Blang, huyện Chư Sê cho thu hoạch hàng tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Vườn xen canh hồ tiêu, các loại gỗ rừng của gia đình anh Lê Hùng Huấn, thôn An Điền, xã Ia Blang, huyện Chư Sê cho thu hoạch hàng tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Theo ông Nguyễn Hồng Hà, Bí thư huyện Chư Sê,  không chỉ riêng Hợp tác xã Quang Minh mà ngay trên địa bàn, người dân địa phương đã có những bước chuyển dịch sang trồng cây dược liệu xen canh trong rừng cao su tái canh hoặc trên diện tích tiêu chết vào những năm trước. Do cây dược liệu ít tốn công chăm sóc, phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng của địa phương đồng thời có đầu ra ổn định. Đây cũng là hướng đi mới và là cơ hội tốt cho nông dân trên địa bàn trước tình hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiện nay. Tỉnh Gia Lai có hàng nghìn ha cao su tái canh, nếu tận dụng diện tích này để trồng xen canh một số cây trồng trong những năm cao su chưa phát tán sẽ cho giá trị kinh tế cao. Đồng thời, có thể tận dụng được nguồn phân bón, nước chăm sóc cho các loại cây xen canh để giúp cao su phát triển. Trước tình hình khó khăn vì giá các mặt hàng nông nghiệp tụt dốc, dịch bệnh phát tán mạnh trên các vườn đơn canh thì mô hình xen canh, đa canh là một hướng đi khả quan để lấy ngắn nuôi dài, tận dụng được nguồn nhân công, dây chuyền chăm sóc, sơ chế sản phẩm là hữu hiệu nhất đối với nông dân tỉnh Gia Lai.
Hồng Điệp
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm