Hoàn thiện quy trình sản xuất giống nhân tạo và nuôi sá sùng thương phẩm tại Khánh Hòa

Hoàn thiện quy trình sản xuất giống nhân tạo và nuôi sá sùng thương phẩm tại Khánh Hòa
Sá sùng có giá trị kinh tế cao. Ảnh: baokhanhhoa.vn
Sá sùng có giá trị kinh tế cao. Ảnh: baokhanhhoa.vn
Với kinh phí thực hiện trên 870 triệu đồng, phần lớn từ nguồn ngân sách dành cho khoa học - công nghệ hỗ trợ, sau 2 năm triển khai, đề tài đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo sá sùng, thu được 3.000 cá thể sá sùng bố mẹ; hàng trăm ngàn con giống sá sùng có kích thước từ 1 đến 2cm;. Đề tài hoàn thiện quy trình nuôi thương phẩm sá sùng, xây dựng mô hình trình diễn và đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực nhằm nhân rộng mô hình. Kết quả đề tài cho thấy cần kết hợp giữa thức ăn chế biến và tảo tự nhiên cho quá trình nuôi vỗ thành thục sá sùng bố mẹ; mật độ nuôi thương phẩm sá sùng phù hợp ở mức 60 con/m2, có thể nuôi ghép sá sùng với tôm thẻ chân trắng nhằm tận dụng diện tích và hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi… Kết quả đề tài cũng cho thấy, hai mô hình nuôi thương phẩm sá sùng trên ao lót lưới đáy và ao không lót lưới đáy tại xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh với quy mô 1.000m2/mô hình, đã cho sản lượng trên dưới 500kg/mô hình trong mỗi vụ nuôi. Theo tính toán của người nuôi, với giá bán khoảng 180.000 đồng/kg như hiện nay, trừ chi phí lợi nhuận ước đạt từ 14 đến 22 triệu đồng trên diện tích ao nuôi 1.000m2. Đề tài đã đào tạo và tập huấn nhân rộng mô hình cho 8 kỹ thuật viên tại các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh, đồng thời tổ chức hai lớp tập huấn nhân rộng mô hình cho hơn 100 ngư dân, hộ dân tại xã Vĩnh Lương (thành phố Nha Trang) và xã Vạn Khánh (huyện Vạn Ninh). Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa, lâu nay, người dân chủ yếu khai thác sá sùng ngoài tự nhiên để nuôi thương phẩm, do vậy, sản lượng ít và việc khai thác quá mức nguồn giống đã ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Do đó, đề tài đã tạo cơ sở để cung cấp nguồn giống ổn định, giúp Khánh Hòa có thêm một đối tượng nuôi mới, góp phần đáp ứng nhu cầu thị trường. Qua kết quả đề tài, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Khánh Hòa đã kiến nghị tỉnh Khánh Hòa cần tạo điều kiện  duy trì các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo sá sùng, đồng thời tiếp tục cung cấp con giống miễn phí, khuyến khích người dân tham gia ứng dụng và nhân rộng quy trình kỹ thuật; nhanh chóng có những chương trình nhằm phát triển thương hiệu sản phẩm sá sùng Khánh Hòa, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo hiệu quả kinh tế. Sá sùng thuộc ngành giun đốt, còn có tên gọi khác là giun biển, địa sâm… chỉ sống ở những bãi cát ven biển nơi thủy triều lên, xuống. Ngoài việc là nguyên liệu để chế biến các món ăn ngon, trở thành đặc sản, sá sùng còn được sử dụng trong đông y như một vị thuốc có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lực.
Tiên Minh

Có thể bạn quan tâm