Hòa Bình hỗ trợ nông dân cải tạo vườn tạp gắn với xây dựng cánh đồng mẫu lớn

Hòa Bình hỗ trợ nông dân cải tạo vườn tạp gắn với xây dựng cánh đồng mẫu lớn
Vay vốn chương trình hộ nghèo cải tạo vườn đồi trồng cam mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Việt - TTXVN
 Vay vốn chương trình hộ nghèo cải tạo vườn đồi trồng cam mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp tỉnh tích cực triển khai xây dựng kế hoạch cải tạo vườn tạp, xây dựng cánh đồng lớn như: hỗ trợ xây dựng và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất vườn trồng cây; xây dựng điểm trình diễn; chuyển giao kỹ thuật cải tạo, thâm canh cây trồng; hỗ trợ sau đầu tư 10 triệu đồng/ha cho hộ nông dân thực hiện cải tạo vườn tạp; hỗ trợ sau đầu tư 2 triệu đồng/ha cho doanh nghiệp tham gia tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị với nông dân thông qua hợp đồng.

Các huyện, thành phố cũng rà soát, lập danh sách các hộ dân và doanh nghiệp trên địa bàn tham gia cải tạo vườn tạp với chính sách ưu tiên những xã nằm trong vùng sản xuất quy hoạch, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh.

Qua 5 năm, công cuộc cải tạo vườn tạp trên địa bàn tỉnh đã đạt kết quả tích cực, diện tích cải tạo khoảng 6.349 ha, về đích trước 1 năm so với kế hoạch, hiệu quả kinh tế tăng gấp 3 lần so với năm 2015; tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân.

Theo đánh giá Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, toàn bộ diện tích đất vườn cho thu nhập khoảng 480 tỷ đồng/năm; trong đó, diện tích đã cải tạo cho thu nhập trung bình 58 triệu đồng/ha, diện tích vườn tạp chỉ cho thu nhập trung bình 10,8 triệu đồng/ha.

Thực tế cho thấy, tại nhiều địa phương ở Cao Phong, Tân Lạc có diện tích vườn tạp được cải tạo bằng trồng cây ăn quả như cam, quýt, bưởi, chanh, nhãn… hiệu quả sử dụng đất cao hơn nhiều. Các vùng chuyên canh cây ăn quả mà tiền thân là những vườn tạp, thu nhập bình quân 400 – 600 triệu đồng/ha/vụ.

Gia đình anh Bạch Xuân Mới ở thôn Lộc Môn, xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn, có vườn bưởi diễn, chanh đào sum suê trĩu quả, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm, có ai ngờ khu vườn rộng 6.500 m2 này cách đây vài năm chỉ là khu vườn tạp, trồng những cây bản địa không có giá trị kinh tế như quất, hồng bì, ổi, tre, chỉ đủ tự cung tự cấp cây trái cho gia đình.

Mô hình cải tạo vườn tạp thành công của gia đình Bạch Xuân Mới nhanh chóng có sức lan tỏa trong thôn, hơn 30 ha đất vườn của các gia đình trong thôn giờ đây chuyên canh bưởi diễn cho thu nhập khá, cả thôn không còn hộ nghèo. Nhờ vậy, người dân trong thôn có tiền đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn bằng bê tông, giao thương thuận lợi.

Là địa phương có diện tích đất sản xuất nông nghiệp ít, bình quân diện tích đất lúa và màu chỉ khoảng 250 m2/người, xã Sơn Thủy (Kim Bôi) đã tìm được lời giải để nâng giá trị kinh tế cho sản xuất nông nghiệp: gia tăng hiệu quả sử dụng đất bằng cách cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Hiện diện tích vườn tạp của xã Sơn Thủy được phủ đều một màu xanh thẫm của cây nhãn. Hơn một nửa số hộ dân nơi đây tận dụng vườn nhà để trồng nhãn với tổng diện tích trên 100 ha, ngoài ra trồng thêm một số loại cây ăn quả khác như cam, chanh, bưởi. Những vườn nhãn sai trĩu quả mang đến cho người dân Sơn Thủy thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi vụ, bình quân mỗi ha nhãn trong kỳ thu hoạch mang lại thu nhập 250 – 300 triệu đồng.

Ông Bùi Văn Lực là người đầu tiên đưa cây nhãn vào trồng trên đất Sơn Thủy chia sẻ: “Muốn vận động người dân mạnh dạn phá bỏ vườn tạp để chuyển đổi sang các loại cây trồng mới, không gì thuyết phục bằng việc để họ được mắt thấy, tai nghe, sau đó tự nguyện làm theo những người tiên phong vừa nói được, vừa làm được”.

Ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, những năm tới, Hòa Bình tiếp tục hỗ trợ nông dân cải tạo vườn tạp theo hướng chọn giống cây đặc sản, phù hợp với quy hoạch vùng; hướng dẫn các địa phương thực hiện quảng bá xây dựng thương hiệu, tìm kiếm đối tác bao tiêu sản phẩm.

Tỉnh chỉ đạo các địa phương chủ động lồng ghép chương trình, dự án gắn với kế hoạch cải tạo vườn tạp, tăng nguồn vốn và mức vay tín dụng thông qua tổ chức chính trị- xã hội để có nguồn lực cải tạo vườn tạp. Qua đó, sẽ tạo động lực quan trọng để các địa phương nâng hiệu quả thâm canh cây trồng, thúc đẩy nông nghiệp phát triển mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao và bền vững.
Nhan Sinh

Có thể bạn quan tâm