Hiệu quả từ mô hình trồng tỏi Lý Sơn trên đất cát ở Bình Sơn

Hiệu quả từ mô hình trồng tỏi Lý Sơn trên đất cát ở Bình Sơn
Từ 1.000 m2 mô hình trồng thí điểm của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Sơn, hiện nay người dân vùng đất cát ven biển ở xã Bình Thành, Bình Sơn đang mở rộng diện tích trồng giống tỏi Lý Sơn, vốn là loại cây được xem như “vàng trắng” của dân đất đảo. Đưa về đất liền, tỏi Lý Sơn không những tốt tươi, mà còn có giá cao, giúp người dân có thể “cảm hóa” từ vùng đất cát bỏ hoang thành những diện tích tỏi thu nhập cao. 

Mô hình trồng tỏi Lý Sơn trên đất cát của huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã bước đầu thành công, đem lại hiệu quả cao. Ảnh: Sỹ Thắng-TTXVN
Mô hình trồng tỏi Lý Sơn trên đất cát của huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã bước đầu thành công, đem lại hiệu quả cao. Ảnh: Sỹ Thắng-TTXVN

Chị Võ Thị Hiệu, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Sơn cho biết, tỏi Lý Sơn được trồng ở đây không chỉ phát triển tốt, hương vị củ thơm ngon mà hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn gấp nhiều lần so với cây màu. Dù mới đưa về trồng, thế nhưng qua vụ 2016 vừa rồi; đồng thời dự kiến năng suất thu hoạch đầy khả quan của vụ năm nay, có thể thấy cây tỏi khá thích hợp với vùng đất mới, mà đặc biệt là vùng đất cát xã Bình Thạnh. Vì vậy chính quyền Bình Sơn đang tiếp tục hỗ trợ đầu tư để khuyến khích các hộ dân, đặc biệt là vùng đất cát ven biển ở xã Bình Thạnh mở rộng diện tích trồng giống tỏi Lý Sơn. 

Hộ ông Huỳnh Là được Phòng Nông nghiệp huyện Bình Sơn chọn làm thí điểm trồng 1.000 m2. Trước đây, cánh đồng này chủ yếu được người dân canh tác trồng các giống cây hoa màu như đậu phộng, mè, khoai lang. Tuy nhiên, hiệu quả thấp. Cũng nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trong khâu chăm sóc nên cây tỏi ít bị sâu bệnh, cho củ sai được người dân đánh giá cao, chọn nó làm cây chủ lực để cải thiện thu nhập.
 
Cán bộ kỹ thuật phòng Nông nghiệp huyện kiểm tra mức sinh trưởng của cây tỏi Lý Sơn. Ảnh: Sỹ Thắng-TTXVN
Cán bộ kỹ thuật phòng Nông nghiệp huyện kiểm tra mức sinh trưởng của cây tỏi Lý Sơn. Ảnh: Sỹ Thắng-TTXVN

Theo ông Huỳnh Là, trồng tỏi có đầu ra sản phẩm, kỹ thuật canh tác dễ và không dùng thuốc trừ sâu mà tỏi vẫn phát triển mạnh. Hơn nữa người dân có thể trồng từ 2 – 3 tháng là thu hoạch bán lấy củ non và thân tỏi (tỏi ngồng) hoặc đợi đến 4 tháng nuôi lấy củ tỏi. 

Năm 2016, hộ ông Huỳnh Là trồng thí điểm và thu được 6,5 tạ tỏi khô, giá bán là 110.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận thu về từ tỏi hơn 30 triệu đồng, tương đương với 300 triệu đồng/ha; cao hơn gấp hàng chục lần so với trồng cây mè, đậu. Đến vụ mùa 2017 này, dù tỏi chỉ còn 1 tháng nữa thu hoạch nhưng hiện vườn tỏi của ông Huỳnh Là vẫn xanh mướt nằm giữa bãi cát mênh mông của vùng đất ven biển. Ông Huỳnh Là cho biết: "Khoảng 1 tháng nữa là có thể thu hoạch, với năng suất dự kiến sẽ tăng gấp 1,5 lần so với vụ trước. Dù đã có người đến hỏi mua nhưng tôi không bán, mà sẽ giữ lại toàn bộ số tỏi thu của vụ này làm giống mở rộng diện tích trồng trong vụ năm đến". 

Hộ ông Huỳnh Là xã Bình Thạnh kiểm tra đồng tỏi. Ảnh: Sỹ Thắng-TTXVN
Hộ ông Huỳnh Là xã Bình Thạnh kiểm tra đồng tỏi. Ảnh: Sỹ Thắng-TTXVN

Từ thành công của mô hình trồng tỏi trên đất cát tại xã Bình Thạnh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã triển khai nhân rộng mô hình ra các xã khác trên địa bàn, nâng tổng diện tích trồng tỏi lên gần 5 ha. 

Việc cây tỏi thích nghi và phát triển tốt trên vùng đất cát hoang hóa đã mở ra hướng đi mới, tạo giá trị kinh tế cao, khẳng định được vai trò của chính quyền địa phương trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà tỉnh Quảng Ngãi đang đề ra./. 
Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm