Hiệu quả từ mô hình trang trại gà sạch của anh Lê Minh Thuần

Hiệu quả từ mô hình trang trại gà sạch của anh Lê Minh Thuần
Trang trại của gia đình anh Thuần đã trở thành địa chỉ tin cậy bán gà sạch thương phẩm uy tín trên địa bàn huyện Than Uyên nói riêng và tỉnh Lai Châu nói chung được người dân đến mua tiêu dùng. Ảnh: Quý Trung – TTXVN
Trang trại của gia đình anh Thuần đã trở thành địa chỉ tin cậy bán gà sạch thương phẩm uy tín trên địa bàn huyện Than Uyên nói riêng và tỉnh Lai Châu nói chung được người dân đến mua tiêu dùng. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Chúng tôi cùng cán bộ Huyện Đoàn Than Uyên (Lai Châu) xuống thăm mô hình trang trại gà sạch của anh Lê Minh Thuần có quy mô gần 2ha nằm thoải trên sườn đồi với gần 10.000 con gà. Anh Thuần đang cần mẫn hướng dẫn cán bộ kỹ thuật các biện pháp khử trùng, vệ sinh khu vực chuồng trại chăn nuôi để phòng, chống dịch cúm A/H5N1 và cúm A/H5N6.

Anh Thuần chia sẻ: "Trang trại có hệ thống thiết kế khép kín đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường nhưng tôi thường xuyên phun thuốc, vệ sinh khu vực trang trại, tiêm phòng đầy đủ các vắc xin cho gà theo từng lứa tuổi. Trong quá trình nuôi luôn lựa chọn cám tốt kết hợp với thức ăn tự nhiên; thực hiện quây kín khu vực nuôi thả bằng lưới sắt và không cho người lạ hay động vật lạ vào khu vực chăn nuôi".

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ sư xây dựng, anh Lê Minh Thuần xin làm hợp đồng trong cơ quan của huyện Than Uyên. Năm 2017, anh Lê Minh Thuần xin nghỉ việc và đã tìm hiểu thị trường trong và ngoài huyện, đồng thời khảo sát nhu cầu chăn nuôi, tiêu thụ gà thịt.

Tháng 2/2019, được gia đình ủng hộ, anh Thuần đã mạnh dạn vay 300 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của Liên minh Hợp Tác xã tỉnh. Do có đất đồi gần 2ha của gia đình sẵn có, anh dùng tiền đầu tư xây chuồng trại theo từng khu, quây lưới sắt bảo vệ và mua con giống, thức ăn. Hiện nay, anh đã gây dựng được hệ thống chuồng trại với thiết kế khép kín, đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường cũng như kịp thời xử lý khi có dịch bệnh xảy ra.

Để cho đàn gà phát triển khỏe mạnh và đảm bảo các quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi gà thả đồi, anh Thuần đã thuê một kỹ sư và 2 công nhân là lao động địa phương để chăm sóc gà thường xuyên. Nhờ đó, việc chăn nuôi gà của anh Thuần ngày càng ổn định. Gà nuôi an toàn, sử dụng ngô, nấu cám, không có dư lượng kháng sinh.

Phun thuốc khử khuẩn nhằm phòng chống dịch gia cầm tại trang trại gà của gia đình anh Thuần. Ảnh: Quý Trung – TTXVN
Phun thuốc khử khuẩn nhằm phòng chống dịch gia cầm tại trang trại gà của gia đình anh Thuần. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Ngoài ra, nhằm nâng cao chất lượng thịt gà, anh Thuần còn mua cá con ở các vùng lòng hồ thủy điện về cho ăn, để bổ sung chất đạm, vì thế mà chất lượng gà thịt rất ngon, bán được giá cao.

Anh Thuần cho biết, chăn nuôi gà ta thả vườn không khó nhưng để mang lại hiệu quả kinh tế anh thường xuyên tìm hiểu học hỏi kỹ thuật, tham khảo báo đài, trên Internet, kinh nghiệm hộ chăn nuôi khác. Để mô hình thành công phải chuẩn bị tốt điều kiện nuôi như: cơ sở vật chất, chuồng nuôi, máng ăn, nước uống, thuốc thú y, đèn sưởi... Đồng thời chọn giống gà tốt, khỏe mạnh, kết hợp với chăm sóc, nuôi dưỡng, thức ăn đảm bảo và thực hiện tiêm phòng đầy đủ, vệ sinh phòng bệnh cho đàn gà. Mặc dù ở một số địa phương xuất hiện dịch cúm A/H5N6 nhưng trang trại của gia đình không bị lây nhiễm, gà phát triển khỏe mạnh.

Hiện tại, trang trại gà sạch thả đồi của anh Thuần có khoảng 10.000 con gà, hơn tháng thì xuất bán một lứa từ 1.500 - 2.000 con (khoảng 3 tấn). Lứa nọ gối lứa kia, trung bình mỗi năm nuôi được 10 lứa gà, đem lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng. Chỉ tính riêng năm 2019, gia đình anh Thuần đã xuất bán được 8 lứa gà (khoảng 24 tấn) trừ chi phí thu lãi hơn 120 triệu đồng.

Lê Minh Thuần chăm sóc đàn gà thương phẩm của gia đình tại bản Cẩm Trung 1, xã Mường Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Quý Trung – TTXVN
Lê Minh Thuần chăm sóc đàn gà thương phẩm của gia đình tại bản Cẩm Trung 1, xã Mường Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Với mục đích đem sản phẩm gà sạch, chất lượng đến với người tiêu dùng, anh đã thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Mường Than để cung cấp gà cho thị trường. Ngoài ra anh Thuần còn liên kết, bao tiêu sản phẩm nông sản sạch cho bà con trên địa bàn xã Mường Than như: gạo Séng cù, thịt lợn sấy, trâu sấy, các loại nấm, măng rừng, mở rộng cửa hàng của Hợp tác xã ra thành phố Lai Châu để đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các xã viên.

Mô hình chăn nuôi gà ta thả đồi của anh Thuần không chỉ mang lại nguồn thu cho kinh tế gia đình mà còn góp phần tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương với mức thu nhập từ 4 - 8 triệu đồng/tháng. Anh Ma Văn Nghiệp, công nhân Trang trại gà Hợp tác xã Nông nghiệp Mường Than chia sẻ: "Tham gia làm công nhân cho trang trại được hơn 1 năm, tôi thấy công việc rất tốt, thu nhập ổn định. Tôi sẽ gắn bó lâu dài và học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật để chia sẻ cho bà con cùng xây dựng phát triển nuôi gà".

Hiện nay, anh Lê Minh Thuần đã tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Than Uyên và được vay 300 triệu đồng. Số tiền này, anh Thuần sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi gà lên 3.000 con/lứa, đồng thời sẽ tập trung và đẩy mạnh xây dựng thương hiệu gà thả đồi sạch, an toàn. Từ đó, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.
Việt Hoàng

Có thể bạn quan tâm